VND tăng giá trị, “thượng đế” Việt mạnh dạn “khoắng” hàng hiệu

Nếu một chiếc áo được mua với giá 3.000 yen, vào năm 2012, người tiêu dùng Việt Nam phải trả khoảng 810.000 đồng thì nay chỉ còn 530.000 đồng.
VND tăng giá trị, “thượng đế” Việt mạnh dạn “khoắng” hàng hiệu ảnh 1Một chiếc áo len nhãn hiệu Uniqlo có mức giá 1.990 yen tương đương 350.000 đồng - Nguồn: Yen/VND bán ra 176 đồng, nguồn VCB ngày 5/6. (Ảnh: Uniqlo.com)

Chị Phạm Kiều Anh, Minh Khai, Hà Nội, vào một gian hàng Uniqlo tại Tokyo (Nhật), cầm trên tay một chiếc áo sơ mi nam dài tay, 100% cotton, có mức giá 2.990 yen, đổi sang tiền Việt Nam khoảng 530.000 đồng. So với các sản phẩm cùng loại trong nước cũng như những chiếc áo sơ mi nhãn hiệu tương tự tại mấy của hàng Made in Vietnam, chị Kiều Anh cho rằng giá cả như thế là rất “ổn.”

“Chuyến đi công tác tại Nhật cách đây khoảng hơn 1 năm, một chiếc áo có mức giá như trên, đổi sang tiền VND là khoảng 630.000. Nhưng hơn một năm nay, đồng yen xuống giá khoảng 20% so với đồng USD đồng thời giảm khoảng 15% so với VND, nên mua sắm trở nên khá thuận lợi, chưa kể là mua những mặt hàng được giảm giá vài chục phần trăm (sale),” chị Kiều Anh chia sẻ.

Cơ hội từ… tỷ giá

Năm 2014, nền kinh tế Mỹ trên đà hiệu phục hồi theo đó đồng USD cũng tăng giá mạnh. Theo nguồn XE.com, thời điểm từ 6/2014 đến 6/2015, tỷ giá giữa USD/NZD, USD/yen, USD/AUD… tăng khoảng 21%-22%, USD/SGD tăng 12%, tuy nhiên USD/VND chỉ tăng 3%, do đó, VND trở nên có giá trị hơn trong các giao dịch mua hàng, trả bằng các loại ngoại tệ có tỷ giá giảm mạnh so với USD.

Bên cạnh đó, kể từ cuối năm 2012 Chính phủ Nhật thực hiện chính sách phá giá đồng yen, khiến tỷ giá USD/yen tăng từ mức 78 yen lên 125 yen, tăng tương ứng khoảng 60% (từ 9/2012 đến 6/2014).

Theo tỷ giá từ Ngân hàng Vietcombank, thời điểm tháng 9/2012, 01 yen có thể đổi được khoảng 270 đồng thì nay chỉ còn 176 đồng (6/2015), như vậy quãng thời gian đó đồng yen đã giảm giá gần 35% so với VND. Với sự chênh lệch tỷ giá này khách quan cho thấy, các “thượng đế” Việt Nam có nhiều cơ hội tiếp cận hàng hóa tại thị trường Nhật với giá cả ngày càng rẻ.

Nếu một chiếc áo được mua với giá 3.000 yen, vào năm 2012, người tiêu dùng Việt Nam phải trả khoảng 810.000 đồng thì nay chỉ còn 530.000 đồng.

Với lý do trên, chị Kiều Anh thường tranh thủ các chuyến công tác Nhật Bản là khuân đủ thứ đồ từ nội thất bếp núc, đồ điện tử, quần áo, túi sách, đồng hồ… về nước.

VND tăng giá trị, “thượng đế” Việt mạnh dạn “khoắng” hàng hiệu ảnh 2

Du lịch kèm mua sắm

Bên cạnh việc tỷ giá ngoại tệ của nhiều nước trong khu vực giảm giá so với USD mạnh hơn so với VND, thì chính sách thu hút du lịch đi kèm mua sắm bằng những mùa giảm giá (mega sale) từ các quốc gia láng giềng đã và đang thu hút không ít người tiêu dùng Việt Nam “dấn thân” vào những trải nghiệm du lịch quốc tế “giá rẻ,” đầy thú vị tại những “thiên đường mua sắm” này.

Chị Nguyễn Thu Trang, Ba Đình, Hà Nội cho biết, gần đây chị và mấy cô bạn hay "canh" vé máy bay giá rẻ đi Singapore vào dịp tháng Bảy để săn hàng sale về dùng cả năm.

“Đi lại, ăn uống, nhà nghỉ  chi tiêu tiết kiệm, một chuyến đi 4-5 ngày, mỗi người hết khoảng 6-8 triệu đồng, song mua sắm thì rất thỏa mãn. Các hãng thương hiệu thời trang giảm giá rất nhiều mặt hàng từ 30%-50%-70%-85%..., tôi mua một chiếc đồng hồ nam hiệu Armani Exchange có giá 273 SGD được giảm giá 70% còn 82 SGD (tỷ giá Vietcombank ngày 5/6, SGP/VND là 16.300 đồng) thì món hàng trị giá 1.336.600 đồng hay mua mấy hai chiếc túi thời trang nhãn hàng Forever 21 giá 62 SGD được tặng một chiếc balo 59 SGD, tính ra mỗi món khoảng 336.800 đồng,” chị Trang cho biết.

Sau mỗi chuyến đi, chị Trang và mấy cô bạn cũng ních đầy mỗi người 20 kg hành lý ký gửi đồ các loại.

Thỏa sức… online

Không có điều kiện đi nước ngoài, nhưng người tiêu dùng Việt Nam cũng không khó khăn gì khi tiếp cận các nhãn hàng thời trang quốc tế qua dịch vụ bán hàng online.

Chị Nguyễn Hồng Thúy, Hải Phòng cho biết, chị thường xuyên mua hàng từ một người quen sống tại Nhật Bản cung cấp. Chị Thúy lên mạng vào các thương hiệu thời trang ưa thích và chọn sản phẩm, sau đó chuyển đường dẫn (link) cho bạn mình đặt hàng.

Theo chị Thúy, giá hàng hóa được tính với tỷ giá đặt hàng cao hơn khoảng 30% tỷ giá niêm yết tại ngân hàng Vietcombank (JPY/VND là 225 đồng) cộng thuế 8%, phí chuyển hàng 240.000 đồng/kg.

“Song như thế vẫn rẻ hơn so với mua ở Việt Nam. Tôi thường mua hàng giảm giá từ 50% trở nên, những chiếc áo phông, váy nữ, áo sơ mi, áo len, áo khoác… giảm giá có khi chỉ còn 500 yen -1.000 yen, cao thì khoảng 3.000 yen song sản phẩm rất đẹp (giá như trên đổi ra tiền VND là khoảng 150.000 đồng-300.000 đồng, 900.000 đồng), mua hàng thương hiệu chính hãng như vậy vẫn rất được.

Hơn nữa, hàng giảm giá ở Nhật vẫn là các mẫu mới, đang được ưa chuộng chứ không phải hàng tồn, hết size, hết mốt như người ta thường bán ở trong nước,” chị Thúy nói.

Sang New Zealand du học được 4 năm, những năm đầu bạn Nguyễn Thu Hương không để ý đến công việc kinh doanh qua mạng. Tuy nhiên, một năm trở lại đây thấy tỷ giá chuyển đổi tiền VND sang NZD giảm khá nhiều, cộng với nhu cầu của người quen trong nước muốn mua những sản phẩm chức năng như omega, calcium, glucosamine, multivitamines… có nguồn gốc và chính hãng nên Hương cũng bắt đầu cũng nhận những đơn hàng từ Việt Nam.

“Cách đây hơn 1 năm, tỷ giá NZD/VND ngoài thị trường đổi được 18.000 đồng thì nay khoảng 16.000 đồng, với mức chênh lệch khoảng 10% như vậy khiến cho các sản phẩm trở nên rẻ hơn, vì vậy các đơn đặt hàng dạo này gia tăng. Trước chỉ là làm thêm cho vui, nhưng dạo này thu nhập từ công việc mua hàng giúp cho mọi người như thế này cũng trở nên khấm khá và đỡ được khoản thuê nhà, sinh hoạt phí mỗi tháng,” Hương hoan hỉ nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục