VN-Index giằng co những mâu thuẫn

Diễn biến thị trường chứng khoán Việt Nam và những yếu tố tác động đang ẩn chứa nhiều mâu thuẫn: kinh tế vĩ mô chưa hết khó khăn - thị trường chứng khoán tăng; sức cầu "nội" hồi phục - khối ngoại đẩy mạnh bán ra... Điều này khiến các nhà đầu tư không khỏi phân vân: Kịch bản nào cho VN-Index trong tuần này?

Diễn biến thị trường chứng khoán Việt Nam và những yếu tố tác động đang ẩn chứa nhiều mâu thuẫn: kinh tế vĩ mô chưa hết khó khăn - thị trường chứng khoán tăng; sức cầu "nội" hồi phục - khối ngoại đẩy mạnh bán ra... Điều này khiến các nhà đầu tư không khỏi phân vân: Kịch bản nào cho VN-Index trong tuần này?

Bất nhất các tín hiệu

Hai tuần qua, VN-Index đã có 3 phiên giao dịch "vụt sáng" - chỉ số điểm cùng khối lượng tăng cao hơn phiên trước. Theo các chuyên gia phân tích đó là những tín hiệu tích cực củng cố nội lực của một xu hướng tăng.

Ông Đinh Anh Kim, Giám đốc Chi nhánh Chương Dương - Hà Nội, Công ty Chứng khoán APEC, cho rằng VN-Index đã tích lũy và tăng điểm từ ngày 17/2 đến ngày 24/3. Với mức điểm tăng từ đáy 235 đến 249 điểm. Tuy nhiên, phải đến khi VN-Index xuất hiện ngày vụt sáng đầu tiên vào 11/3 và sau đó là các ngày 17/3, 18/3 với khối lượng cổ phiếu khớp lệnh dâng cao từ hơn 17 triệu đến gần 30 triệu cổ phiếu/phiên, thì các nhà đầu tư mới dám chắc chắn với quan điểm: VN-Index đang định hình xu hướng tăng.

Theo các chuyên gia phân tích, trong giai đoạn VN-Index tích lũy đã xuất hiện một số phát biểu lạc quan của các chuyên gia thị trường tài chính Mỹ về khả năng phục hồi của nền kinh tế "đầu kéo" này vào cuối năm 2009. Kèm theo đó, các ngân hàng Mỹ báo lãi trong 2 tháng đầu năm khiến thị trường chứng khoán tăng vọt (Dow Jones tăng vượt 7.000 điểm) và do đó đã tác động tích cực tới tâm lý các nhà đầu tư tại thị trường chứng khoán Việt Nam.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia phân tích, đợt tăng này chưa bền vững vì các yếu tố hỗ trợ vẫn chưa đảm bảo sức thuyết phục. Theo Tiến sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa, Giám đốc Tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Thăng Long, kinh tế Mỹ và thế giới cần thời gian để ngấm các giải pháp chống suy thoái, ít nhất phải từ quý II/2010 mới có thể hồi phục.

Xu hướng nào cho VN-Index?

Theo ông Đinh Anh Kim, về nguyên lý, xu thế tăng của thị trường được coi là đáng tin cậy khi có từ 4 - 7 phiên giao dịch vụt sáng VN-Index đã có 3 phiên giao dịch vụt sáng, là 11, 17 và 18/3. Nếu trong những phiên giao dịch tuần này, VN-Index tiếp tục có ngày vụt sáng thứ tư thì xem như đã khẳng định tới 70% xu thế tăng của thị trường.

"Tôi cho rằng, VN-Index sẽ có ngày vụt sáng thứ tư, có thể xảy ra ngay trong những phiên nửa đầu tuần này vì từ nay đến nửa đầu tháng 4/2009 là thời gian các doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh tháng 3 và cả quý I/2009, nhiều doanh nghiệp có báo cáo 2 tháng đầu năm tương đối tốt, do đó những cổ phiếu có lãi sẽ tiếp tục tăng giá. Nếu trong thời gian tới, kinh tế Mỹ có thêm các thông tin tích cực, Dow Jones tăng vượt 8.000 điểm thì khả năng VN-Index vươn tới 300 điểm không phải là không thể".

Công ty Chứng khoán Kim Eng cũng cho rằng nhà đầu tư không nên dao động với các phiên "rung, lắc" của thị trường hiện nay. Phiên giao dịch cuối tuần qua, khối ngoại vẫn mua ròng hơn 1 triệu cổ phiếu (bán ra 1,43 triệu cổ phiếu, trong khi mua vào 2,85 triệu cổ phiếu).

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý, diễn biến thị trường hiện mới chỉ thể hiện là đợt tăng ngắn hạn, chưa bền vững. Các bất ổn của kinh tế thế giới nói chung và Mỹ nói riêng vẫn chồng chất. Các chỉ số cơ bản của kinh tế Việt Nam trong hai tháng đầu năm vẫn chưa nhiều tín hiệu tích cực. Do đó, nhà đầu tư cần lường tới tình huống xấu sau đợt tăng này: khi kinh tế vĩ mô "cạn" tin tốt, VN-Index có thể quay lại đáy 235 hoặc thấp hơn, rồi mới xác định xu thế tăng vững chắc./.

(Tin tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục