VN-Index: Khả năng đi lên trong tháng 12 là rất thấp

Mặc dù không còn bị áp lực bởi thông tin giải chấp của các công ty chứng khoán, nhưng dòng tiền đổ vào chứng khoán vẫn  ở mức độ thấp.

Sau một chuỗi phiên tuột dốc trong tháng 11, các nhà đầu tư, các chuyên gia phân tích,  tư vấn đầu tư đều cho rằng áp lực giải chấp của các công ty chứng khoán là một trong những tác nhân gây sức ép lên thị trường.

Thông tin trên được nhà đầu tư lan truyền rộng rãi và thậm chí có rất nhiều người tin tưởng vào tính chính xác của nó. Tuy nhiên, trái với những đồn đoán của thị trường, cả ba công ty chứng khoán có thị phần lớn nhất thị trường lên tiếng bác bỏ những thông tin này.

Áp lực giải chấp chỉ "mạnh" nếu VN-Index về 400 điểm

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Giám đốc khối Phân tích và Tư vấn Công ty chứng khoán Thăng Long (TSC) cho biết, “thời gian qua, tôi thường nhận được những tin nhắn hỏi rằng TSC đang có áp lực giải chấp lên đến 7.000 tỷ đồng rồi 3.500 tỷ đồng, gần đây nhất là 1.700 tỷ đồng…? Nhưng tất cả các thông tin trên đều không đúng, thực tế thì áp lực giải chấp của TSC là rất thấp và gần như là không có chuyện ép khách hàng bán”.

Đối với Công ty chứng khoán Sài Gòn (SSI), ông Nguyễn Duy Hưng Chủ tịch hội đồng quản trị khẳng định, “SSI chưa cung cấp dịch vụ đòn bảy cho khách hàng nào đến độ phải giải chấp”.

Công ty chứng khoán Sacombank (SBS), với khả năng cung cấp đòn bảy mạnh mẽ đang trở thành mục tiêu thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư.

Theo ông Đinh Hoài Châu, Phó tổng giám đốc SBS, chính sách tạo điều kiện nguồn vốn cho nhà đầu tư của SBS là rất thông thoáng, nhà đầu tư có thể vay từ 50% thậm chí tới 80% trên giá trị. Song SBS luôn thực hiện đảm bảo quản lý rủi ro bằng cách khống chế mức chặn trên tất cả các cổ phiếu cho vay.

“Ví dụ cổ phiếu STB, chúng tôi có thể cho vay tối đa tới 80% giá trị, nhưng khống chế giá cao nhất chỉ là 18.000 đồng/cổ phiếu. Nghĩa là tại với mức giá hiện nay của STB là 25.000 đồng/cổ phiếu đáng nhẽ với mức 80% nhà đầu tư có thể vay 20.000 đồng/cổ phiếu, nhưng điều kiện về ngưỡng chặn chỉ cho phép nhà đầu tư có thể vay tối đa là 18.000 đồng/cổ phiếu” ông Châu nói.

Cũng theo ông Châu, chỉ khi thị trường về dưới 400 điểm, SBS mới có áp lực giải chấp, bởi hoạt động cho vay của họ là rất an toàn.

Dòng tiền chuyển động chậm

Khác với những mong đợi của các nhà đầu tư về khả năng hồi phục nhanh của thị trường, những phiên giao dịch đầu tháng 12 VN-Index vẫn tiếp tục bị thử thách quanh mốc 500 điểm.

Nền kinh tế đã có những tín hiệu lạc quan, cam kết vốn ODA năm 2010 tăng mạnh, giá vàng trong nước và quốc tế giảm, tỷ giá và chênh lệch tỷ giá có xu hướng giảm. Gần đây Goldman Sachs dự đoán GDP của Việt Nam sẽ tăng 8,2% năm 2010 và đánh giá cao những nỗ lực của chính phủ Việt Nam trong năm 2009.

Bỏ qua những thông tin hỗ trợ, dòng tiền trên thị trường vẫn tiếp tục được duy trì ở mức thấp trong các phiên gần đây. Giải thích vẫn đề này, ông Nguyễn Trọng Nghĩa chỉ ra, điều duy nhất cản trở sức tăng trưởng của thị trường là khó khăn về luồng tiền. Lãi suất huy động của các ngân hàng có xu hướng tăng chứng tỏ nhu cầu vốn cuối năm tăng. Tuy nhiên như đã nhận định ở trên, chỉ cần niềm tin dần trở lại thì dòng tiền thực cũng đủ làm thị trường tăng, mặc dù không mạnh mẽ như trước.

Thận trọng hơn, ông Nguyễn Duy Hưng đưa ra quan điểm, thị trường trong tháng 12 sẽ phụ thuộc rất nhiều vào các chính sách vĩ mô. Hiện nay vấn đề của thị trường chứng khoán lại không còn nằm ở thị trường chứng khoán mà nó nằm ở thị trường tiền tệ. Nếu thanh khoản gặp khó khăn, các chính sách tín dụng bị siết lại thì đây là những tin không tốt cho thị trường chứng khoán.

“Mặt khác, ta không thể kỳ vọng vào khối ngoại được nữa, bởi khoảng 10/12 là khối ngoại đã về nghỉ lễ Noel. Theo tôi, khả năng đi lên của thị trường trong tháng 12 là rất thấp,” ông Hưng dự báo./.

Hạnh Nguyễn (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục