VN-Index xuyên thủng ngưỡng hỗ trợ 240 điểm

VN-Index tiếp tục rơi tự do. Trên dải khớp lệnh của bảng điện tử, giá sàn đang dần chiếm ưu thế. Điều này cho thấy sự thất vọng vẫn thường trực trong tâm lý của các nhà đầu tư.

VN-Index tiếp tục rơi tự do. Trên dải khớp lệnh của bảng điện tử, giá sàn đang dần chiếm ưu thế. Điều này cho thấy sự thất vọng vẫn thường trực trong tâm lý của các nhà đầu tư.

Sáng nay, mở đầu phiên giao dịch, giới đầu tư đã chia sẻ cho nhau thông tin xấu trên thị trường chứng khoán Mỹ. Ba chỉ số chính Dow Jones, Nasdaq, S&P 500 đều giảm trên 3% tổng số điểm; trong đó S&P 500 và Dow Jones rơi xuống mức thấp nhất kể từ cuộc đại suy thoái năm 1997.
 

Trên sàn giao dịch chứng khoán Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh, ngay trong đầu giờ giao dịch, các lệnh đặt bán ATO đã chiếm vị thế chủ đạo trên thị trường, tiếp sau đó là những lệnh chào bán giá sàn, tuy nhiên khối lượng chào bán sàn chỉ đang mang tính thăm dò. Trong đợt một, VN-Index đã đánh mất ngay 7,45 điểm, khối lượng thành công chỉ vẻn vẹn 1.863 đơn vị.
 

Sau màn chào hỏi không mấy mặn mà, bước vào đợt 2, VN-Index tiếp tục rơi tự do. Trên dải khớp lệnh của bảng điện tử, giá sàn đang dần chiếm ưu thế, cho thấy sự thất vọng vẫn thường trực trong tâm lý của các nhà đầu tư.

Hôm nay, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng cổ phiếu nhưng lại mua ròng chứng chỉ quỹ. Danh mục mã cổ phiếu họ đặt mua vẫn tập trung vào các mã có tính bền vững như VNM, DPM, FPT. Trong phiên này mã cổ phiếu quỹ VFMVF1 được các vị khách ngoại đặt mua nhiều.

Tại thời điểm VN-index dò đáy sâu thăm thẳm như hìện nay, chỉ còn lại STB là mã duy nhất duy trì được khối lượng giao dịch ở tốp triệu đơn vị. Mã cổ phiếu TAC (Công ty Cổ phần Dầu thực vật Tường An) sau khi chính thức dời khỏi ngưỡng 20.000đ/cp thì nay đang được giới đầu tư để mắt đến.

Cộng với thông tin Ông Đoàn Tấn Nghiệp - Chủ tịch Hội đồng Quản trị công ty đăng ký mua vào 759.208 cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 4%, từ ngày 25/02/2009 đến ngày 25/05/2009 khiến TAC trở thành mã tỏa sáng trên thị trường, có giá giao dịch thành công được duy trì ở mức trần và khối lượng khớp đạt 225.750 đơn vị. Tuy nhiên TAC chỉ là trường hợp hiếm hoi, chung cuộc toàn thị trường mất đi 8,5 điểm (tương ứng 3,49%), VN-Index lùi về ngưỡng 235,50 điểm. Khối lượng giao dịch thành công 11.575.260 đơn vị, với tổng giá trị là 277 tỷ đồng.

Chuyển qua sàn Hà Nội, những phút đầu giờ, bên mua đã túc tắc đưa vào lệnh chào mua với các mức giá thấp hơn tham chiếu và giá sàn. Song trên dải lệnh chào bán của bảng điện tử, các mức giá bán đưa ra vẫn cố gắng duy trì sắc xanh.

Đáng chú ý trong phiên, cổ phiếu VSP (Công ty Cổ phần Đầu tư và Vận tải Dầu khí VINASHIN) đang là mã được các nhà đầu tư cổ súy mạnh nhất, chỉ 15 phút đầu giờ đã có trên 400.000 đơn vị được giao dịch thành công với mức giá chào mua luôn được đặt cao hơn tham chiếu.

ACB, KLS vẫn duy trì được đẳng cấp về tính thanh khoản trên thị trường, xong mức giá giao dịch thành công thì đã giảm mạnh so với giá tham chiếu.

Trường hợp của mã ACB, mặc dù đang rớt giá nhưng khối lượng dư mua toàn thị trường vẫn lớn hơn tổng dư bán đồng thời khối lượng đặt mua bình quân trên mỗi lệnh (1.990.200 cổ phiếu/638 lệnh) đang cao hơn so với bên bán (1.458.800 cổ phiếu/705 lệnh).  Điều này cho thấy có thể các nhà đầu tư lớn có xu hướng mua vào và các nhà đầu tư nhỏ thì có xu hướng bán ra nhiều hơn.

Với mã KLS có diễn biến hoàn toàn trái ngược, khối lượng bình quân trên mỗi lệnh dư bán (782.300 cổ phiếu/259 lệnh) cao gần gấp 2 lần so với khối lượng bình quân trên mỗi lệnh mua (654.700 cổ phiếu/427 lệnh), dường như cho thấy xu thế bán chạy của các nhà đầu tư lớn.

Thị trường đóng cửa, HASTC – Index tiếp tục rơi vào vùng đáy mới 78,6 điểm, giảm 2,2 điểm (tương ứng 2,74%). Tổng khối lượng giao dịch là 5.918.900 đơn vị, giá trị tương ứng 112 tỷ đồng.

Hạnh Nguyễn (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục