VN-Myanmar hợp tác quản lý Nhà nước về tôn giáo

Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Tôn giáo Liên bang Myanmar và Ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam đã diễn ra tại Hà Nội.
Ngày 7/12, lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Tôn giáo Liên bang Myanmar và Ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam đã diễn ra tại Hà Nội.

Trao đổi bên thềm lễ ký kết, Ngài Thura Myint Maung, Bộ trưởng Bộ Tôn giáo Myanmar và ông Nguyễn Thanh Xuân, Phó trưởng ban Thường trực điều hành Ban Tôn giáo Chính phủ vui mừng nhận thấy những nét tương đồng trong văn hóa, lịch sử và tôn giáo của nhân dân hai nước Việt Nam-Myanmar.

Cũng giống như Myanmar, tôn giáo ở Việt Nam có quá trình hình thành gắn liền với lịch sử, văn hóa, địa lý và quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc.

Ông Nguyễn Thanh Xuân cho biết, ở Việt Nam, Phật giáo là tôn giáo phát triển mạnh nhất, có bề dày lịch sử 2000 năm với khoảng hơn 10 triệu tín đồ, Phật tử; 45.000 tăng ni tu tập tại 15.500 ngôi chùa; 4 Học viện Phật giáo và hơn 30 Trường trung cấp Phật học trong cả nước.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam là tổ chức thống nhất các hệ phái Phật giáo trong nước. Ngoài Phật giáo, tại Việt Nam còn có các tôn giáo khác như Công giáo, Tin lành, Bà La môn, Baha’i, Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo.

Nhà nước Việt Nam thực hiện chính sách tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của công dân và bình đẳng giữa các tôn giáo. Chính phủ Việt Nam luôn khuyến khích các hoạt động tôn giáo vì lợi ích đất nước, dân tộc và kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng tôn giáo vào các mục đích chính trị, cá nhân.

Đánh giá cao việc hợp tác trong quản lý Nhà nước về tôn giáo giữa hai quốc gia, Bộ trưởng Tôn giáo Myanmar, Ngài Thura Myint Maung cho rằng, đây là việc làm có ý nghĩa thiết thực góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai nhân dân hai nước.

Thông báo về tình hình tôn giáo Myanmar, Bộ trưởng Thura Myint Maung cho biết, tại Myanmar cũng có nhiều tôn giáo khác nhau, trong đó, Phật giáo chiếm số lượng lớn nhất với khoảng 80.000 ngôi chùa và nhiều biểu tượng Phật giáo nổi tiếng Thế giới. Nhà nước Myanmar đảm bảo quyền tự to tín ngưỡng của công dân bằng Hiến pháp và pháp luật.

Tại lễ ký kết, hai bên cũng bày tỏ tin tưởng, việc chia sẻ những kinh nghiệm trong thực hiện chính sách tôn giáo; tình hình tôn giáo tại mỗi quốc gia và đặc biệt là việc ký kết thỏa thuận hợp tác sẽ thúc đẩy hơn nữa sự phối hợp trong ngành quản lý Nhà nước về tôn giáo của hai đất nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục