VNNIC: Hãy dùng tên miền tiếng Việt rồi hãy khen, chê

Tuy còn một số hạn chế, song đại diện phía VNNIC khẳng định tên miền tiếng Việt là xu thế phát triển của công nghiệp nội dung Internet và tạo điều kiện tốt nhất để loại tên miền này phát triển.
VNNIC: Hãy dùng tên miền tiếng Việt rồi hãy khen, chê ảnh 1Ảnh chụp màn hình giao diện website dulịchviệtnam.vn

Trước thông tin trái chiều về việc tên miền tiếng Việt tuy miễn phí nhưng còn nhiều bất cập và không hấp dẫn người dùng, đại diện của VNNIC khẳng định, tên miền đa ngữ là xu thế phát triển tất yếu trên mạng Internet.

Ngày 28/4/2011, Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC-thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông) chính thức mở cửa cho phép đăng ký trực tuyến, miễn phí tên miền tếng Việt theo chủ trương của Chính phủ, tới nay loại tên miền này đã chính thức chạm tới mốc 1 triệu người đăng ký. Và, đến thời điểm hiện tại, có 152.508 tên miền được kích hoạt sử dụng dịch vụ.

Tuy nhiên, ở góc độ người dùng, không phải ai cũng yêu thích tên miền tiếng Việt. Bởi lẽ việc gõ dấu tên miền (ví dụ: dulịchviệtnam.vn…) sẽ trở nên khó khăn, đặc biệt là với người dùng Internet quốc tế khi máy tính của họ không cài bộ gõ tiếng Việt. Và do “gói gọn” với người Việt, nên tên miền tiếng Việt được cho là sẽ ít hấp dẫn.

Tuy nhiên, ở góc độ quản lý, đại diện của VNNIC khẳng định với phóng viên Vietnam+, tên miền tiếng Việt nói riêng và tên miền tiếng bản địa của các nước nói chung, thuộc hệ thống tên miền đa ngữ (Internationalized Domain Name-IDN). Đây là xu thế của công nghiệp nội dung Internet.

Theo vị đại diện này, IDN được Tổ chức quản lý Tên miền và địa chỉ mạng quốc tế (ICANN) triển khai từ tháng 4/2010 sau hơn 10 năm nghiên cứu, tới nay IDN đã trở thành xu thế phát triển tất yếu trên mạng Internet, đặc biệt là tại các quốc gia không sử dụng ngôn ngữ ký tự chữ Latin như Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ…

Trong số các quốc gia kể tên nói trên, Nga đứng đầu thế giới hiện nay về việc phát triển IDN với trên 820.000 tên miền tiếng Nga được đăng ký, trong số đó 62,3% tên miền đưa vào sử dụng thực tế.

Hiện, ICANN đã cấp 36 tên miền đa ngữ cấp cao mã quốc gia cho 26 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Báo cáo tình hình triển khai IDN của UNESCO trong năm 2013, trên thế giới có hơn 5,2 triệu tên miền đa ngữ đã được đăng ký.

Đại diện VNNIC cũng cho rằng, sự ra đời của tên miền đa ngữ được xem như một cuộc cách mạng với các ngôn ngữ thiểu số, khi có thể đáp ứng hoàn toàn yêu cầu về ngữ nghĩa trong tên miền, tránh những nhầm lẫn chồng chéo phát sinh với tên miền truyền thống ví dụ như: buoi.com (bưởi.com), lon.com (lợn.com)…

Ngoài việc tạo môi trường thuần Việt trên mạng Internet, tên miền tiếng Việt còn được tất cả các trình duyệt thông dụng như IE, Firefox, Chrome, Safari… hỗ trợ sử dụng theo chuẩn quốc tế.

Bên cạnh đó, loại tên miền này cũng sẽ góp phần vào việc nhận diện thương hiệu, bảo tồn văn hóa, ngôn ngữ tiếng Việt trên không gian mạng, đặc biệt với người Việt ở nước ngoài. Hiện, có khá nhiều website đã trở nên khá thân thuộc với người dùng như chợ tốt.vn, muarẻ.vn, cựcrẻ.vn, nhàxinh123.vn, TênmiềnTiếngViệt.vn, dulịchđàlạt.vn, sáchbiếtnói.vn, dulịchviệtnam.vn…

Để hỗ trợ người dùng tiếp cận tên miền tiếng Việt, bản thân VNNIC đã cung cấp cho người dùng các dịch vụ hữu ích miễn phí như Web Redirec, Web Template, DNS Hosting, DNS Delegate-các công cụ tạo web miễn phí cho tên miền tiếng Việt.

Ngoài ra, VNNIC còn phối hợp với Nhà đăng ký Hitek triển khai nhiều tiện ích miễn phí kèm theo tên miền tiếng Việt như dịch vụ web, DNS, web-redirect…

“Với một cộng đồng cư dân mạng đông đảo cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các mạng xã hội, các ứng dụng công nghệ thông tin ngày một nâng cao khả năng hỗ trợ bản ngữ, tên miền tiếng Việt hứa hẹn những tiềm năng mở rộng hơn trong tương lai. Vì vậy, thay vì đưa ra các ý kiến nhận xét chủ quan, người dùng hãy đăng ký và sử dụng tên miền tiếng Việt, khởi tạo website bên cạnh tên miền truyền thống để xây dựng Internet Việt Nam lớn mạnh,” đại diện của VNNIC chốt lại./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục