VNREDSat-1 đã đánh dấu mốc VN trong không gian

Ngày 4/9, giáo sư Nguyễn Thiện Nhân, Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết Dự án VNREDSat-1 đã đánh dấu mốc Việt Nam trong không gian.
Phát biểu tại Lễ bàn giao Hệ thống vệ tinh VNREDSat-1 do Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Chương trình vệ tinh quan sát trái đất và vệ tinh khoa học của Astrium (Pháp) phối hợp tổ chức ngày 4/9, tại Hà Nội, giáo sư Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết Dự án VNREDSat-1 đã đánh dấu mốc Việt Nam trong không gian

Tham dự buổi lễ còn có giáo sư Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; ông Jean-Noel Pirier, Đại sứ Cộng hòa Pháp tại Việt Nam; đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương và đông đảo các nhà khoa học chuyên ngành.

Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chúc mừng thành công của tập thể lãnh đạo và các nhà khoa học Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ cùng các đối tác Pháp trong quá trình triển khai Dự án vệ tinh VNREDSat-1.

Thành công này không chỉ có ý nghĩa về mặt khoa học công nghệ mà còn có ý nghĩa quan trọng trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế - xã hội và đặc biệt là việc đánh dấu mốc biên giới lãnh thổ Việt Nam trong không gian.

[Phóng thành công vệ tinh viễn thám VNREDSat-1]


Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Đây là sự kiện quan trọng, đánh dấu bước tiến quan trọng trong quá trình phát triển ngành công nghệ vũ trụ, tiếp nối sau thành công của Vinasat-1 và Vinasat-2. Với VNREDSat-1, Việt Nam đã hoàn toàn làm chủ công nghệ vệ tinh nhỏ, từ đó tự chủ trong việc khai thác xử lý hình ảnh của tất cả các khu vực trong lãnh thổ Việt Nam.

Phó Thủ tướng yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện Dự án tích cực hợp tác nhằm khai thác tốt nhất năng lực và những ứng dụng của VNREDSat-1, phấn đấu từ nay đến năm 2020 hoàn thành các mục tiêu trong Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ của đất nước.

Tiến sỹ Bùi Trọng Tuyên, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Vũ trụ, Trưởng Ban quản lý Dự án Vệ tinh nhỏ cho biết sau hơn ba tháng kể từ khi vệ tinh VNREDSat-1 được phóng thành công vào quỹ đạo vào ngày 7/5, đến nay, VNREDSat-1 đã ổn định quỹ đạo làm việc, quá trình chụp ảnh và căn chỉnh để nâng cao chất lượng ảnh cũng như đánh giá hiệu năng của vệ tinh đã được tiến hành.

Tính đến ngày 1/9, vệ tinh VNREDSat-1 đã thực hiện chụp, truyền về và thu nhận, xử lý được 9.271 ảnh (bao gồm ảnh toàn sắc và ảnh đa phổ), trong đó, số ảnh chụp trên lãnh thổ Việt Nam là 999 ảnh, chủ yếu phục vụ mục đích căn chỉnh và đánh giá hiệu năng của hệ thống. Ngoài ra, các ảnh chụp của vệ tinh VNREDSat-1 cũng đã được cung cấp kịp thời cho một số yêu cầu đặc thù.

Hiện, VNREDSat-1 đang được các kỹ sư của Việt Nam vận hành và xử lý. Tháng 7 vừa qua, 15 kỹ sư trẻ của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã được trao Chứng chỉ hoàn thành khóa đào tạo vận hành hệ thống hệ tinh VNREDSat-1 do Công ty Astrium thuộc Tập đoàn Hàng không Vũ trụ Châu Âu (EADS) chứng nhận.

Các kỹ sư trẻ đã được đào tạo từ tháng 8/2011 đến tháng 7/2013 tại Pháp và Việt Nam với các nội dung chính như lý thuyết chung về công nghệ vũ trụ, công nghệ vệ tinh, các trạm mặt đất; lý thuyết chuyên sâu cho một số chủ đề liên quan đến hệ thống vệ tinh quan sát trái đất; thực hành thiết kế một hệ thống vệ tinh quan sát trái đất; đào tạo chuyên sâu cho từng vị trí trong đội (on-the-job training) và huấn luyện vận hành hệ thống và phân tích, khắc phục sự cố trên hệ thống thực bàn giao cho Việt Nam.

VNREDSat-1 là vệ sinh quan sát trái đất, hay còn gọi là vệ tinh viễn thám đầu tiên, khởi đầu cho hệ thống vệ tinh quan sát trái đất của Việt Nam.

Vệ tinh có nhiệm vụ chính là chụp ảnh bề mặt trái đất, cung cấp một số lượng lớn ảnh quang học độ có phân giải cao một cách chủ động và kịp thời cho các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố, cơ quan nghiên cứu khoa học và các trường đại học có nhu cầu giám sát tài nguyên thiên nhiên, môi trường, thiên tai, biến đổi khí hậu phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo an ninh -quốc phòng./.

Thu Phương (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục