VN’s Got Talent: Miếng ngon hay “trà dư tửu hậu?”

Những tiết mục cuối cùng được tuyển chọn vào tập cuối  xem ra không được như mong đợi về những đặc biệt để dành.
Tập 9 của sân chơi Tìm kiếm tài năng Việt Nam đã khép lại vòng loại sân khấu cả hai miền Nam, Bắc. Tại vòng này, người xem không quá đòi hỏi ở trình độ nghệ thuật, tài năng thật xuất chúng của thí sinh, nhưng giống như “nhà đài” giới thiệu “miếng ngon để dành” tập cuối, lẽ nào không phải vậy?

Những tiết mục cuối cùng được tuyển chọn vào tập cuối vừa được giới thiệu đến khán giả trong tập 9, phát sóng tối 26/02/2012 trên VTV3, song xem ra không được như mong đợi về những đặc biệt để dành.

Xem trong chờ đợi

Ở phần dưới thiệu các tập có những tiết mục dự thi hấp dẫn lạ kỳ nhưng cho đến buổi cuối vẫn chưa thấy lên sóng. Người xem mong nhìn thấy ở tập cuối cảnh mãn mắt như xách hai xô nước nước bằng mí mắt, nằm dưới bàn đinh mà không thấy… Hoặc những phần có vẻ khá hay lại ở trong các màn “tua nhanh” như chạy qua màn hình làm khán giả thắc thỏm.

Tuy nhiên, theo nhà tổ chức trải qua 8 tập phát sóng, Tìm kiếm tài năng Việt Nam-Vietnam’s Got Talent đã giới thiệu những phần trình diễn ấn tượng nhất trong số 360 tiết mục tham dự vòng loại sân khấu ở 2 miền Nam, Bắc.

Và tập 9 đã đưa khán giả đến một số cảm xúc khác nhau, từ ngưỡng mộ, mến yêu đến xúc động. Hai MC rất quần chúng trong chương trình đã giới thiệu tập cuối của vòng loại bằng cách Quyền Linh đi xe đạp còn Chi Bảo ngồi trên xe môtô đến dẫn chương trình trong tập 9.

Nhóm Baby Action đã nhảy, đã quay hiphop những động tác khá điêu luyện linh hoạt và đậm chất “thể thao đường phố” như nhận xét của NSƯT Thành Lộc. Còn giám khảo Huy Tuấn nói: “Từng người đều rất tốt.” Các em được đồng ý vào vòng trong. Khi MC nhắc thành viên nhỏ nhất cảm ơn ban giám khảo và lưu ý là cảm ơn ba người thì em trai ngây thơ nói luôn: “Cảm ơn ba người!”

Thí sinh Trần Văn An 38 tuổi đến từ Long An đã ca cải lương phụ họa đánh võ. Hai MC đã ra múa vui cùng anh và Quyền Linh cũng hát cải lương về “phượng nở sân trường” mà tay “khoa võ.” Quả là có những thí sinh coi tham dự lấy vui là chính. Với họ hẳn không "mơ" và cũng không nghĩ đến tiền thưởng. 400 triệu không bằng một lần lên truyền hình cùng mọi người được vui, sảng khoái.

Có những tiết mục mới nhìn khá tò mò nhưng không được chọn vì chả có gì hơn thế. Đó là mở nắp chai bằng răng. Thụt đầu hát trong áo thụng đen độn vai.

Những ấn tượng

Những "bàn tay dạ quang” trên sân khấu Got Talent khá lạ mắt và nghệ thuật với nhiều người xem. Tập 8 của Vietnam’s Got Talent đã giới thiệu màn trình diễn của nhóm UP Sytle với những hiệu ứng ánh sáng khá đẹp mắt, nhưng đây chưa phải là tiết mục duy nhất của chương trình mang "sắc màu của ánh sáng” lên sân khấu.

Khó khăn nhất khi trình diễn những thể loại như thế này là cần một sân khấu đảm bảo yếu tố kỹ thuật: từ ánh sáng cho đến phần background và sự chuẩn xác đến từng chi tiết trong phần trình diễn nhằm mang lại hiệu quả cao nhất đến khán giả.

Đây là một tiết mục trình diễn gọi là "có người nhưng không thấy người” bởi vì khán giả chỉ có thể nhìn thấy những hình ảnh, câu chữ được tạo nên bằng những bàn tay phát sáng rất ấn tượng.

Cô gái bé nhỏ ngồi xe lăn làm "nóng” trường quay Vietnam’s Got Talent. Nguyễn Thị Phương Anh, cô gái bé nhỏ bị bệnh xương thủy tinh quái ác, là học sinh lớp 10 trường Việt Đức, Hà Nội ngồi trên chiếc xe lăn đã khiến cả khán phòng của chương trình Vietnam’s Got Talent phải đứng lên vì thán phục trước giọng hát đầy đam mê và nghị lực phi thường của em. Và đây cũng là tiết mục khiến cả 3 vị giám khảo phải đứng lên để nhún nhảy theo những giai điệu của "Let’s dance”.

Không có bất cứ khó khăn nào có thể ngăn cản ước mơ ca hát của cô gái 17 tuổi Nguyễn Thị Phương Anh, chính vì thế khi hát "Let’s dance”, từng nét biểu cảm trên khuôn mặt cho đến những động tác vuốt tóc khiến khán giả quên đi những khiếm khuyết trên cơ thể của Phương Anh, bởi vì tài năng đã nói lên tất cả.

Có thể nói đây còn là một sân chơi chung mang tính xã hội, ấm tình, động viên lớn với những người có thiệt thòi. Tạo cơ hội cho tất cả mọi người dù khuyết tật vẫn tỏa sáng theo đúng nghĩa của nó. Khán giả đã chung xúc động cùng Thành Lộc khi anh nói rằng Phương Anh như người châm cứu làm cho “Những trái tim chết rồi sống lại.”

Mẹ thí sinh Phương Anh, người mẹ đã đưa con gái nhỏ của mình cùng chiếc xe lăn từ Hà Nội vào Thành phố Hồ Chí Minh thi nghẹn ngào cho biết: “Không thể tả được niềm vui!” Còn cô bé thì cho biết “đã lo không ngủ được.”

Trả lời phỏng vấn của phóng viên Vietnam+, thầy giáo Nguyễn Trọng Thành, giáo viên chủ nhiệm lớp mà Phương Anh học ở trường Việt Đức cho biết: "Phương Anh rất ngoan và sống chan hòa vui vẻ với các bạn. Con có sức học vững, và không bị mặc cảm về sức khỏe của mình."

Thầy Thành chia sẻ: "Vừa rồi con được giải nhì trong cuộc thi hát tiếng Anh của thành phố. Mới đây, mẹ của Phương Anh đã xin phép cho con nghỉ 10 ngày tháng 3 để con vào tham gia vòng bán kết tại thành phố Hồ Chí Minh. Chắc chắn sau buổi lên sóng tối qua, chiều nay đến lớp các bạn sẽ chúc mừng con rất nhiều!"

Đáng nhớ nữa phải kể đến Nguyễn Ngọc Gia Bảo, những chàng trai có thân hình mập mạp đi thi hát không phải là hình ảnh mới của Vietnam’s Got Talent, như trường hợp của thầy giáo Nguyễn Xuân Trung trong tập 3 với ca khúc More than I can say hay "giọng ca Siu Black” Mạc Tuấn Thanh trong tập 6… đã để lại những dấu ấn đặc biệt trong lòng khán giả.

Tiếp tục giới thiệu một giọng hát làm ngoại hình thành có “duyên riêng,” Nguyễn Ngọc Gia Bảo mang đến phần trình diễn ca khúc nhạc ngoại đầy cá tính và máu lửa. Giám khảo khó tính Huy Tuấn cũng đã dành nhiều lời khen cho giọng hát này. “Như một nghệ sỹ thực thụ trên sân khấu. Em là người hát không nhảy nhưng khán giả phải nhảy.” Chàng trai mập tài năng đã được ba sự đồng ý.

Nhóm Adam với chàng trai hoà tấu dạo nhạc bằng ghi ta và hát ca khúc “Giấc mơ Chapi” được khen là hòa quyện tốt. Bên cạnh đó còn có đôi “cây đơn ca” khá thiết tha, xúc động được nhận xét là làm mọi người thổn thức…

Khi 140 chọn 49...

Đặc biệt, trong phần cuối của tập cuối, khán giả được chứng kiến cuộc làm việc căng thẳng giữa các giám khảo để chọn ra 49 tiết mục xuất sắc nhất tham dự vào vòng Bán kết (Semi-Final). Từ 140 phần thi có hai sự đồng ý trở lên, ban giám khảo phải chọn ra 49 tiết mục. Nhạc sỹ Huy Tuấn phải thốt lên: “Tôi ghét phần này.” Mà quả là người xem và người được chọn cũng “ghét.” Bởi vì niềm vui được đồng ý chưa phải “chuẩn.”

Luật chơi là vậy và cũng cần có cái nhìn tổng thể để cân nhắc lấy những tiết mục khá nhất trong những tiết mục cùng loại. Khán giả cùng sống với những khoảnh khắc đáng nhớ của thí sinh khi chờ đón những cuộc điện thoại thông báo kết quả từ các vị cầm cân nảy mực trong vòng loại.

Giám khảo phải xem xét đến từng chi tiết nhỏ nhất, cân nhắc và bên cạnh sự thống nhất trong quan điểm thì chắc chắn không thể tránh khỏi những tranh cãi giữa các giám khảo về việc chọn lựa hay không một tiết mục nào.

Sau khi hội ý và thống nhất kết quả cuối cùng, các giám khảo lại thêm một nhiệm vụ khó khăn nữa là gọi điện thoại để thông báo kết quả đến thí sinh. Đậu thì không sao nhưng với những thí sinh đang nuôi hi vọng được lọt vào vòng bán kết thì chắc chắn đó là một tin hoàn toàn không vui đến với họ.

Phần này với nhiều người xem không ưa sự “dàn xếp” thấy không thích một chút nào. Dàn xếp cả từ lời động viên đến dàn xếp cảnh quay thí sinh cùng người thân đợi và nghe điện thoại, vì truyền hình phải dàn cảnh cho máy quay, nên hẳn phải thế! Và nhiệm vụ của giám khảo là trò chuyện để động viên và khích lệ họ tiếp tục theo đuổi ước mơ của mình.

Khán giả hy vọng đến bán kết, sân chơi sẽ thú vị hơn, hạn chế những “dàn xếp” như kiểu được rồi lại thôi ở vòng loại này./.

Nguyễn Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục