Vở "Chén thuốc độc" và ý nghĩa lớn lao với ngành kịch nói

Vở kịch được sống lại nhân dịp kỷ niệm 100 năm sân khấu kịch nói Việt Nam đồng thời mang ý nghĩa sâu sắc khi phản ánh lối sống Âu hóa sa đọa, bỏ qua các giá trị truyền thống, trách nhiệm với gia đình.
Vở "Chén thuốc độc" và ý nghĩa lớn lao với ngành kịch nói ảnh 1Bi kịch trong vở ''Chén thuốc độc'' xảy đến khi gia đình thầy phán Thông Thu tiêu xài hoang phí, đánh mất phẩm giá con người, giá trị truyền thống. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

Nhân kỷ niệm 100 năm kịch nói Việt Nam, vở “Chén thuốc độc” của tác giả Vũ Đình Long đã được dựng lại trên sân khấu-thánh đường Nhà Hát lớn Hà Nội, nơi công diễn vở kịch đúng 100 năm trước. Vở kịch đã diễn ra thành công, tái hiện một tác phẩm giàu ý nghĩa đã khai sinh ra thể loại nghệ thuật mới - kịch nói, cùng với đó là những giá trị đậm nét về hiện thực và thời cuộc.

Vở "Chén thuốc độc" có Nghệ sỹ ưu tú Bùi Như Lai làm đạo diễn, nhà biên kịch Đỗ Trí Hùng biên tập, nhạc sỹ Giáng Son sáng tác ca khúc và nhiều tên tuổi gạo cội như Nghệ sỹ nhân dân Lê Khanh - Nguyên Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, Nghệ sỹ ưu tú Trịnh Mai Nguyên, Khuất Quỳnh Hoa, Việt Hoa của Nhà hát Kịch Việt Nam cùng sự góp sức từ nhiều cá nhân, đơn vị khác.

Phơi bày lối sống Âu hóa, sa đọa

“Chén thuốc độc” mở ra, lần lượt đi vào từng nguyên nhân gây rạn nứt trong gia đình thầy phán Thông Thu (Nghệ sỹ ưu tú Trịnh Mai Nguyên) thời kỳ Pháp thuộc. Sống trong gia đình trung lưu thời Âu hóa, lại thừa hưởng một khối tài sản “kếch xù” của người cha quá cố, các thành viên trong gia đình không chỉ vung tay quá trán cho những thú vui tốn kém, sa đọa của mình mà còn gạt bỏ những giá trị đạo đức, truyền thống và đánh mất phẩm giá.

[''Chén thuốc độc'' - vở kịch nói đầu tiên của Việt Nam được dựng lại]

Trong khi thầy Thông Thu đốt tiền cho cờ bạc, rượu chè và thú vui cô đầu thì mẹ ông, cụ bà Thông (Nghệ sỹ nhân dân Lê Khanh) và vợ ông (Khuất Quỳnh Hoa) lại đổ tiền bạc vào những màn hầu đồng, xem bói, cúng bái nhằm giải trừ bệnh tật, cầu an. Cô con gái út của gia đình, em gái thầy Thông Thu cũng vì không có ai quan tâm mà sa vào vòng tình ái của một kẻ lừa đảo.

Từng thói hư tật xấu được phơi bày rõ nét qua các tình huống. Nhà văn Lê Thị Bích Hồng cho rằng khán giả đã bị thuyết phục, cuốn theo từng cảnh, từng diễn biến, từng tình tiết của vở kịch đồng thời với những màn diễn hầu đồng, hát xướng được xử lý rất tinh tế.

Vở "Chén thuốc độc" và ý nghĩa lớn lao với ngành kịch nói ảnh 2Cụ Thông (Nghệ sỹ nhân dân Lê Khanh, áo đỏ) và con dâu (diễn viên Khuất Quỳnh Hoa áo xanh) mải mê dốc tiền cho những hoạt động mê tín dị đoan. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

Cả nhà mải mê ăn chơi, những khoản nợ bắt đầu chất đống và thầy Thông Thu bị siết nợ, tịch biên tài sản. Bước đầu đối mặt với bi kịch, thầy phán này túng quẫn muốn bán đi chiếc đàn nhị vốn gắn liền trong mọi cuộc vui trước đây nhưng không ai thèm mua.

Ông cay đắng nhận ra khi ấy, tiếng đàn “kêu như tiếng lợn éc,” bản thân bị những kẻ tưởng chừng là bạn bè quay lưng, mọi thú vui chỉ còn là phù du. Cụ bà Thông cũng sững sờ, bàng hoàng khi biết món thừa kế giờ đã bị thay thế bằng khoản nợ lớn gấp gần ba lần, cô con gái ngoan ngoãn xinh đẹp lại không chồng mà chửa.

Bi kịch được đẩy lên tới đỉnh điểm, chén thuốc độc được thầy Thông Thu mua về nhằm kết liễu mình khỏi hiện tại cay đắng. Tuy nhiên, đạo diễn Bùi Như Lai đã mang đến thay đổi trong bản dựng 2021. Ở kịch bản gốc của Vũ Đình Long, một người họ hàng ở Ai Lao (Lào) đã mang tới một món tiền khổng lồ, giúp trả nợ cho gia đình cụ Thông và cho phép họ làm lại từ đầu. Nhưng ở vở kịch của Nghệ sỹ ưu tú Bùi Như Lai, thầy Thông Thu và gia đình lại không có viễn cảnh màu hồng như vậy mà mang màu sắc thực tế hơn.

Ý nghĩa lịch sử lớn lao

Với cách nhìn của đương đại, giới chuyên môn đánh giá cao vở kịch từ sự cách tân thể loại cho đến nội dung sâu sắc ẩn chứa bên trong. Phó giáo sư, Tiến sỹ Phan Trọng Thưởng (Hội đồng lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương) nhận định tác giả Vũ Đình Long đã đứng trên lập trường đạo đức phong kiến để phê phán, nhân danh những cái mới, cái tiến bộ, nhìn nhận rõ vấn đề đạo đức xã hội trong buổi giao thời.

Nhà văn Nguyễn Thị Bích Hồng nhận định nhan đề “Chén thuốc độc” mang nhiều thông điệp lớn: Vừa là liều độc dược để con người tự giải thoát mình khỏi những bế tắc của cuộc sống, vừa chỉ những tệ nạn xã hội như một ma lực khiến con người sa vào vòng xoáy tiêu cực và vừa là lời cảnh báo khi người Việt đánh mất truyền thống, quên đi nỗi đau dân tộc bị xâm lược.

Vở "Chén thuốc độc" và ý nghĩa lớn lao với ngành kịch nói ảnh 3Thầy Thông Thu (Nghệ sỹ ưu tú Trịnh Mai Nguyên thủ vai) đau đớn nhận ra tình cảnh nợ nần. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

Nhận xét về vở kịch, Phó giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Thị Minh Thái (Phó ban Lý luận phê bình, Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam) cho rằng vở diễn xuất sắc vì đã tái hiện hình thái của chính nó 100 năm trước, tức năm 1921, đó là thể loại kịch của phương Tây. Trước mốc 1921, Việt Nam không có thể loại kịch nói ấy mà chỉ có thể loại tuồng, chèo với lối diễn ước lệ, hát và múa, không hề giống hình thái tả thực, phản ánh đời sống đương đại như thường thấy ở kịch nói hiện nay.

“Vì thế nên ở thời điểm 100 năm trước, chúng ta xôn xao khi lần đầu Việt Nam có thể loại kịch nói trên sân khấu, đó là sự tiếp biến văn hóa trong bối cảnh người Pháp chỉ diễn kịch Tây cho người Pháp, cấm chúng ta tiếp xúc," bà Thái cho biết. "Vở kịch mang thành công lớn nhất về phương diện khai mở, tiếp nối và cả Việt hóa một loại hình sân khấu của phương Tây."

[100 năm kịch nói Việt Nam: Làm cách nào để sân khấu lại sáng đèn?]

Vở "Chén thuốc độc" cũng mang ý nghĩa lớn khi cảnh tỉnh những thói hư tật xấu người ta nhiễm phải trong xã hội nửa phong kiến nửa thuộc địa, "phơi bày những thú rượu chè, cờ bạc, đồng bóng… của hiện thực mà có lẽ phải lùi lại 100 năm mới hiểu được vở kịch đã gây choáng váng như thế nào,” Phó giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Thị Minh Thái nhận xét.

Bà Thái một lần nữa khẳng định kịch nói đã trở thành thể loại chính phát triển trên sân khấu Việt Nam hiện nay. Linh hồn của thể loại chính là tính hiện thực, mà phát triển rực rỡ trên đó chính là các nhà viết kịch hiện đại, nổi tiếng như Nguyễn Huy Tưởng, Xuân Trình hay gần đây nhất là Lưu Quang Vũ... mà chúng ta luôn vinh danh và ghi nhớ ngày nay./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục