Vở kịch “phi lý” đầu tiên trình diễn ở Việt Nam

Với một chuỗi những hành động, ngôn ngữ khó hiểu, khó lý giải, kịch "phi lý’ vẫn là một khái niệm tương đối mới mẻ ở Việt Nam.
Ngày 1/12 vừa qua tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh đã khai mạc triển lãm ảnh, hội thảo và diễn trích đoạn vở kịch "Play" (Trò chơi, 1963) để kỷ niệm Samuel Barklay Beckett (13/4/1906 - 22/12/1989).

Là nhà văn, nhà viết kịch người Ireland, Samuel Barklay Beckett được đánh giá là một trong vài nhà văn khai sinh và là bậc thầy về kịch "phi lý", ông đoạt giải Nobel văn học năm 1969.

Kịch "phi lý" ở Việt Nam

Khái niệm “phi lý” được các nhà hiện sinh như J.P.Sartre, A.Camus đề cập, với gốc tích từ Latin: absurdus. Nó dần xuất hiện trên các sân khấu thể nghiệm, kịch tiền phong hồi thập niên 50-60 của thế kỷ trước, với vở "Nữ ca sĩ hói đầu" của E.Ionesco và "Trong khi chờ Godot" của Samuel Beckett.

Sau vở diễn này, mấy năm sau thì Beckett được trao giải Nobel, với ngợi ca là “các sáng tác của ông sử dụng những dạng thức mới của tiểu thuyết để biến đổi sự nghèo khổ, túng quẫn của con người hiện đại thành niềm hạnh phúc tột cùng”.

Tính đến năm 2009, sau 40 năm nhận giải Nobel và 20 năm ngày mất, bóng dáng của văn hào này vẫn hiện diện và được ngợi ca khắp nơi.

Di sản của Samuel Beckett khá đồ sộ, gồm khoảng 20 vở kịch, 8 tiểu thuyết, 5 tập truyện ngắn, 7 tập sách viết ngắn, 6 tuyển tập thơ, 4 cuốn tiểu luận, 5 tác phẩm dịch và nhiều chương trình phát thanh, truyền hình, phim...

Ở Việt Nam, với một chuỗi những hành động, ngôn ngữ khó hiểu, khó lý giải, kịch "phi lý’ vẫn là một khái niệm tương đối mới mẻ ở Việt Nam.

Kiệt tác kịch "phi lý" được nhắc tới nhiều nhất ở Việt Nam là "Trong khi chờ Godot" (En attendant Godot) được dịch và xuất bản  lần đầu tiên năm 1969- dịch trước khi Samuel Beckett đoạt giải Nobel. Năm 1995, Ðình Quang dịch lại kiệt tác này (Nhà xuất bản Thế giới); sau đó tạp chí Văn học nước ngoài (số 3 năm 1997) in lại bản dịch của Vũ Ðình Phòng dịch trước 1975.

Ngoài ra, những người chuyên dịch Samuel Beckett phải kể đến là Nguyễn Đăng Thường với các tác phẩm "Ru" (kịch), "Độc thoại" (kịch), "Khác và hệt" (thơ), "Chung cuộc" (kịch), "Nao nào" (kịch)... Hoàng Ngọc Biên dịch "Đoạn kịch nháp 1" (kịch), "Màn kịch không lời 1 & 2" (kịch), "Phác thảo kịch truyền thanh" (kịch), "Bước chân" (kịch)... và Hoàng Ngọc Tuấn dịch "Watt" (tiểu thuyết), "Thở" (kịch), "Đại họa" (kịch)... 

Vở diễn đầu tiên?

Theo giới sân khấu, từ trước 1975 đến nay, dù được dịch khá nhiều, nhưng chưa có vở kịch phi lý nào của Samuel Beckett được dựng ở Việt Nam (!?).

Vở kịch "Chơi" được viết vào năm 1962-1963, vẫn chưa được dịch ra tiếng Việt, nhưng cũng không quan trọng, khi suốt vở diễn chỉ có 3 cái mộ chum để sát nhau, với 3 nhân vật tên M (đàn ông, chồng), W1 (đàn bà, vợ) và W2 (đàn bà, người tình). Họ chỉ lòi khuôn mặt ra khỏi chum với diện mạo bị thối rửa, khi ánh sáng đến mặt người nào, thì người đó nói về thời “xa xưa” của mình.

Khi ánh sáng chiếu chung thì cả ba cùng nói, có rất nhiều câu thoại và sự kiện được lặp lại, vênh nhau, chẳng thể hiểu. Ai cũng nói về sự thật, nhưng sự thật thì không bao giờ đạt đến, khi ai cũng chỉ muốn giành sự thật cho riêng mình. Đây là mối tình tay ba từ tro tàn, được nhìn bởi nhân vật thứ tư là ba bóng đèn đang chiếu về sân khấu.

Chương trình được Đại sứ quán Ireland phối hợp với Thư viện Quốc gia Việt Nam, Viện Anh ngữ ELI Đà Nẵng và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện qua 3 địa điểm ở Hà Nội, Đà Nẵng, và Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 16/9 đến 11/12/2009./.

(TT&VH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục