“Vở kịch The Voice”: Ai là người được... tôn trọng?

Người ta đi từ một “cơn sốt” tới một cú “sốc” và bây giờ là sự thất vọng hoàn toàn khi chẳng có ai được tôn trọng ở Giọng hát Việt.
Việc Phương Uyên tiếp tục giữ vị trí Giám đốc âm nhạc của Giọng hát Việt đã khiến không ít người tự hỏi: Ai sẽ là người được tôn trọng, khi mà chính Ban tổ chức, các huấn luyện viên và nữ nhạc sỹ Phương Uyên cũng không tự tôn trọng chính bản thân mình? Câu trả lời là chẳng có ai.

Bởi lẽ, trước hết, phải có lòng tự trọng thì mới có thể bàn tới chuyện tôn trọng người khác. Tất cả như những vai diễn sáo rỗng trong vở kịch quá dở!

Trong khi khán giả chờ đợi một chương trình truyền hình thực tế “không scandal” thì nó lại tạo ra một “scandal bom tấn.” Người xem hụt hẫng vì điều đó nhưng người ta còn thất vọng hơn về cách ứng xử của những người liên quan.

Những ý kiến của khán giả, đối tượng mà Giọng hát Việt hướng tới đã không được những người thực hiện chương trình “ngó ngàng” tới.

Mặc dù, Phương Uyên đã nhận lỗi, nhưng những gì diễn ra ở cuộc họp báo, khiến người ta không khỏi nghĩ đến một  kịch bản "sắp xếp" trước như chính cái sự kiện dẫn đến họp báo.

Đành rằng, người ta có thể thông cảm một phần vì chị bị “chơi xấu” bởi chính người bên cạnh mình (như chị nói) , khán giả, công luận cũng muốn "tin ở hoa hồng" là không có sự dàn xếp kết quả để có thể yêu, tin và theo tiếp The Voice chặng đường cuối. Nhưng để có được điều đó, thì không thể chỉ bằng những khen ngợi, tụng ca, khẳng định của êkíp làm chương trình, của các thí sinh mà phải bằng những giải trình, chứng cứ cụ thể. Bằng sự chân tình của chính Phương Uyên. Tiếc thay, dù Uyên đã khóc rất nhiều, nhưng cũng không đủ thuyết phục khán giả và công luận.

"Chúng tôi không muốn ép Phương Uyên từ giã vai trò của mình, nếu như cô ấy bị oan, hoặc có những ẩn tình. Nhưng nếu không chứng minh được điều đó, thì việc cô ấy tiếp tục ở lại là thiếu tôn trọng với khán giả, và chính cả bản thân cô ấy nữa, khi chấp nhận sống chung với sự "nghi kỵ" của khán giả," chị Thu Trang, nhân viên Ngân hàng Vietcombank, bức xúc nói.

"Cách họ ( các huấn luyện viên, thí sinh..) ra sức bảo vệ Phương Uyên với những màn nước mắt, lời xin lỗi, sự cảm thông, vòng tay chia sẻ… nó quá sáo rỗng và không dựa trên nền tảng của sự thật. Thêm nữa, phát ngôn của Đàm Vĩnh Hưng khi anh ấy hỏi "báo chí muốn gì?” thể hiện sự trịnh thượng và thiếu tôn trọng với tất cả, cũng như thể hiện trình độ của anh ấy" Hoàng Lan, sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội, chia sẻ.

Suy cho cùng, chỉ có sự thật và chỉ sự thật mới giúp cho Giọng hát Việt lấy lại được tin yêu của khán giả, của công luận. Hơn thế, Phương Uyên, êkíp làm chương trình, các huấn luyện viên và cả các thí sinh họ là một phần của đời sống âm nhạc, những đóng góp của họ dù ít, nhiều sẽ có ảnh hưởng nhất định đến nền âm nhạc chung.

The Voice là một trong những chương trình mua lại của đối tác nước ngoài, những lình xình có thật hay không có thật cũng cần làm rõ để không ảnh hưởng đến uy tín của Đài truyền hình Việt Nam-một bên của hợp đồng, cũng như không làm độc giả vì một chương trình mà quay lưng và thiếu lòng tin với các chương trình khác tương tự./.

Phương Mai (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục