"Vỡ mộng" khi mua hàng khuyến mại, giảm giá

Mất công xếp hàng, chờ đợi mua hàng khuyến mại nhưng không mua nổi vì hết hàng, hết size; hàng khuyến mại nhưng giá lại đắt hơn hàng không khuyến mại... là những bức xúc đang gia tăng về vấn đề này trong thời gian gần đây.

Theo ông Đỗ Thắng Hải, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại thuộc Bộ Công Thương, hoạt động khuyến mại có thực chất hay không phụ thuộc nhiều vào tính tự giác của doanh nghiệp và thừa nhận việc kiểm soát hoạt động khuyến mại không hề dễ dàng.

Mất công xếp hàng, chờ đợi mua hàng khuyến mại nhưng không mua nổi vì hết hàng, hết size; hàng khuyến mại nhưng giá lại đắt hơn hàng không khuyến mại... là những bức xúc đang gia tăng về vấn đề này trong thời gian gần đây.

“Chiêu” câu khách

Bị chinh phục bởi các chiêu khuyến mại rầm rộ của các nhà phân phối điện máy, chị Đàm Ánh Nguyệt ở Tân Mai, Hà Nội, chờ bằng được đợt giảm giá hàng của nhà phân phối Pico Plaza để đi sắm máy giặt.

Mua được chiếc máy giặt hiệu Electrolux 6kg với giá hơn chín triệu đồng, chị mừng lắm vì tưởng nhờ mua khuyến mại mà rẻ được hơn một triệu đồng. Nhưng khi đi khoe với hàng xóm, chị mới vỡ mộng, bởi cùng chiếc máy giặt nhãn hiệu đó, người hàng xóm của chị mua cách đó hai tháng giá cũng ở Pico Plaza chưa khuyến mại, chỉ hơn tám triệu đồng. "Hóa ra hàng khuyến mại lại đắt hơn hàng không khuyến mại," chị Nguyệt than thở.

Một khách hàng tham gia Chương trình “Giải nhiệt mùa hè” của Best Carings bắt đầu từ ngày 1/4 cũng thất vọng vì chuyện hàng khuyến mại giá cao. Chị Lan Anh cho biết sau khi được giảm giá đặc biệt, chiếc máy lạnh LG model 2010 F09CN tại Best Carings có giá 5,290 triệu đồng. Nhưng cùng chiếc máy lạnh này, tại một siêu thị điện máy trên đường Phố Huế giá chỉ 5,05 triệu đồng/chiếc.

Điều đáng nói là siêu thị này không có đợt giảm giá hay ưu đãi gì cả. Còn việc lắp đặt, bảo hành, vật tư theo máy đều theo quy định chung của hãng.

Theo một nhà phân phối hàng điện tử, các nhà bán lẻ tung ra các đợt khuyến mãi dồn dập nhằm lôi kéo khách hàng. Trong các chương trình giảm giá rầm rộ thực chất mỗi mặt hàng chỉ có một, hai model là có giảm giá, thậm chí số lượng cũng chỉ lèo tèo vài ba cái, còn lại đều bán giá cao.

Một số nơi còn tung hàng tồn, hàng trưng bày, hàng dùng thử vào chương trình giảm giá. Hàng trưng bày được một số hãng điện tử hỗ trợ cho nhà bán lẻ từ 20-30% giá, nên khi bán giảm giá, các cửa hàng cũng không mất đồng nào.

Mặt hàng tiêu dùng cũng liên tiếp được khuyến mại. Tuy nhiên, theo phản ánh của người tiêu dùng, có những mặt hàng giá khuyến mại không được bao nhiêu trong khi người mua phải chen chân chờ đợi rất mất thời gian.

Một khách hàng tham gia chương trình “Giá rẻ chưa từng thấy” của Big C dẫn chứng một chai nước mắm cao cấp Chinsu 650ml, giá bán lẻ là 48.000 đồng/lô (hai chai), tại đây, giá sốc cũng chỉ dừng lại ở 45.500 đồng/ lô 2, thấp hơn 2.500 đồng; nước tương đậu nành Maggi, giá thị trường là 9.000 đồng/chai trong khi giá “rẻ chưa từng thấy” của Big C chỉ thấp hơn 1.100 đồng.

Chị Hồng Minh, một người từng đi "săn" USB khuyến mại rút kinh nghiệm: thấy quảng cáo mua USB khuyến mại giảm giá 50% nên tôi chen chân xếp hàng để mua, nhưng xếp hàng ba buổi sáng mà chưa đến lượt mình, đã thấy hết hàng và được người bán hàng giait thích mỗi ngày chỉ giảm giá cho 100 chiếc cho những người mua đầu tiên. Tính ra, dù có mua rẻ được hơn trăm nghìn đồng cũng không bõ so với công xếp hàng, chờ đợi...

Người tiêu dùng hãy cẩn trọng

Ông Đỗ Thắng Hải, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại thuộc Bộ Công Thương cho biết Bộ và Cục Xúc tiến thương mại là cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ về công tác quản lý Nhà nước về hoạt động khuyến mại. Hiện Bộ đã ủy quyền cho sở công thương các tỉnh, thành phố trực tiếp thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về hoạt động khuyến mại tại địa phương.

Bên cạnh đó, việc kiểm tra, giám sát còn có quản lý thị trường, công an, thanh tra liên ngành và Hội tiêu chuẩn bảo vệ người tiêu dùng. Theo các văn bản pháp luật quy định về hoạt động khuyến mại như trong Luật Thương mại, Nghị định 37/NĐ-CP, Thông tư Liên tịch hướng dẫn thực hiện... hoạt động khuyến mại thì duy nhất khuyến mại bán hàng, dịch vụ kèm theo việc tham dự các chương trình có tính may rủi là phải đăng ký và được sự chấp thuận của các cơ quan có thẩm quyền.

Còn lại, các hình thức khác, trong đó có việc giảm giá, xả hàng... rất phổ biến hiện nay, doanh nghiệp chỉ cần gửi thông báo trước bảy ngày bằng văn bản đến Sở Công Thương nếu làm trên địa bàn một tỉnh hoặc Cục Xúc tiến thương mại khi tổ chức từ hai tỉnh trở lên.

Như vậy, hoạt động khuyến mại có thực chất hay không phụ thuộc nhiều vào tính tự giác của doanh nghiệp. Tuy nhiên, ông Đỗ Thắng Hải thừa nhận: việc kiểm soát hoạt động khuyến mại không hề dễ dàng. Thị trường có hàng triệu hàng ngàn mã hàng, mỗi ngày có hàng ngàn mã khuyến mại, giảm giá..., nên việc các doanh nghiệp, cửa hàng dùng chiêu tăng giá rồi hô lên là khuyến mại để hạ là khó tránh khỏi, nhất là khi họ đánh trúng tâm lý ham khuyến mại của người tiêu dùng.

Theo quy định, nếu khuyến mại dưới hình thức giảm giá, thương nhân phải công bố cho khách hàng biết giá trước khi giảm so với giá hiện tại.

Ở nước ngoài, bao nhiêu lần giảm giá, mỗi lần giảm xuống bao nhiêu đều phải niêm yết đầy đủ trên tem giá nên khó mà lừa được người tiêu dùng, thậm chí người tiêu dùng có thể kiện các doanh nghiệp gian dối và vai trò của Hiệp hội bảo vệ Người tiêu dùng rất lớn, nếu doanh nghiệp sai phạm có thể khuyến cáo tẩy chay. Do đó, những kiểu khuyến mại gian dối sẽ sớm bị đào thải.

Tuy nhiên, ông Hải cũng cho biết các cơ quan chức năng sẽ vào cuộc nếu phát hiện sai phạm trong hoạt động khuyến mại như bằng cách kiểm tra phiếu xuất kho và các chứng từ của doanh nghiệp khi có sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan chức năng, hoàn toàn có thể phát hiện được doanh nghiệp không giảm giá khuyến mại theo đúng quảng cáo./.

(Báo Tin tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục