Võ Nguyên Giáp: Người không bao giờ nói tới "cái tôi"

Alain Ruscio, Giám đốc Trung tâm thông tin và tư liệu về Việt Nam tại Pháp, đã có bài viết xúc động khi nhận được tin Tướng Võ Nguyên Giáp từ trần.
Alain Ruscio, Nhà sử học người Pháp, Giám đốc Trung tâm thông tin và tư liệu về Việt Nam tại Pháp, người đã từng có thời gian làm việc tại Việt Nam với tư cách là phóng viên báo Nhân đạo (L’Humanité) của Đảng cộng sản Pháp. Ông cũng là tác giả của cuốn sách "Võ Nguyên Giáp - Một cuộc đời" xuất bản nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Đại tướng. Vietnam+ xin giới thiệu sau đây bài viết của nhà sử học Alain Ruscio khi nhận được tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần: Nếu phải tóm tắt về cuộc đời và nhân cách sống của Võ Nguyên Giáp, ta có thể, thậm chí ta phải nói đây là một con người chẳng bao giờ nói đến "cái tôi." Chính ông nhiều khi đã cười khi đọc thấy hình ảnh của mình được miêu tả qua ngòi bút của các nhà báo phương Tây. Họ tả ông như một "Người chiến thắng Điện Biên Phủ," "Kẻ thù nguy đáng gờm nhất của người Pháp và người Mỹ." Thực ra, Đại tướng không thích cá nhân hóa các sự kiện, giống như bản tính của người Việt Nam, đặc biệt là những người cộng sản. Đó không phải là sự khiêm tốn giả tạo khi ông nói rằng "chính quần chúng nhân dân" là người "làm nên lịch sử," có nghĩa là ông tin vào những điều ông nói. Tuy nhiên liệu chúng ta có thể nói rằng ông không phải là "cha đẻ của quân đội nhân dân Việt Nam?" Ông không phải là "người chiến thắng Điện Biên Phủ?" Ông cũng không phải là "nhà chiến lược quân sự trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ?" Nếu hiểu theo nghĩa đen thì có thể là không phải. Nhưng xét về khía cạnh nào đó thì ông chính là người như vậy. Là người theo chủ nghĩa Marx, Đại tướng có thể công nhận quan điểm cho rằng những thay đổi lớn trong lịch sử của thế giới được hình thành là nhờ sự kết hợp của "các yếu tố khách quan" và khả năng vận dụng tình huống của những nhân vật người lỗi lạc. Nhưng rõ ràng sự khiêm tốn của ông và cả tư tưởng Hồ Chí Minh trong ông đã không cho phép ông công nhận điều đó. Trong suốt hơn ba thập kỷ qua, tôi đã có vinh dự được gặp ông 10, 20, thậm chí 30 lần, và có thể nói, tôi đã trở thành một người em thân thiết của ông. Lần đầu tiên tôi được gặp ông là vào tháng 3/1979 tại Hà Nội. Việt Nam khi đó đang trải qua một trong những giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử phát triển của đất nước. Nền kinh tế sút kém, quan hệ quốc tế bị cô lập (chính sách cấm vận của Mỹ, chiến tranh biên giới với Trung Quốc và Khmer Đỏ), ngay cả chính quyền Giscard của Pháp cũng quay lưng lại với thuộc địa cũ của mình, Việt Nam phải đương đầu với một hoàn cảnh ngoài ý muốn, với một Liên Xô và khối COMECON (Tổ chức hợp tác kinh tế của các quốc gia thuộc khối xã hội chủ nghĩa) ngày càng suy yếu và tan rã sau đó một thập kỷ. Nhưng ông, vốn chưa bao giờ nghi ngờ, giờ cũng không nghi ngờ, vẫn luôn bày tỏ niềm tin của mình.
Võ Nguyên Giáp: Người không bao giờ nói tới "cái tôi" ảnh 1
Lần đầu tiên Alain Ruscio gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp tháng 3/1979 tại Hà Nội.
(Nguồn: Vietnam+)

Sinh ngày 25/8/1911, Võ Nguyên Giáp đã cống hiến cả cuộc đời mình để bảo vệ hai lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa cộng sản. Tách hai lý tưởng này ra hay chỉ chọn một trong hai điều, "nhà yêu nước Giáp" và "Đồng chí Văn " (tên của ông trong kháng chiến), có vẻ như là một điều không thể. Sinh ra ở miền Trung, gần vĩ tuyến 17, nơi mà đã có một thời gian dài, rất dài được biết đến như là tuyến chia cắt hai miền đất nước, nhưng đó cũng là vùng nổi tiếng với truyền thống đấu tranh, ông đã sớm tham gia vào trong phong trào dân tộc. Mười lăm tuổi, ông bị đuổi khỏi trường Quốc học Huế vì đã tham gia các cuộc biểu tình yêu nước. Cũng vào khoảng thời gian này, ông đã có các cuộc tiếp xúc với Tân Việt, một đảng dân tộc có xu hướng ủng hộ tiến bộ và chủ nghĩa xã hội. Cũng từ đó, hạt giống cộng sản được gieo mầm trong ông. Có thể nói rằng, từ năm 1930 với sự ra đời của Đảng Cộng sản "Đông Dương," cuộc chiến đã chính thức bắt đầu với sự tham dự của hai đối thủ chính trong cuộc đấu tranh trường kỳ. Chàng trai trẻ Võ Nguyên Giáp đã được nghe nhắc đến một Nguyễn Ái Quốc, sau này là Hồ Chí Minh, dù không ở Việt Nam, nhưng đã gây được nhiều ảnh hưởng trong cuộc đấu tranh của Quốc tế cộng sản lần thứ ba. Trong nước, danh tiếng của nhà cách mạng này vô cùng to lớn. Vì vậy, cùng với một nhà hoạt động trẻ khác, chính là Phạm Văn Đồng, ông đã tìm cách liên lạc với Nguyễn Ái Quốc. Đó là vào năm 1940, khi cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất bắt đầu lan rộng. Nhóm thanh niên này đã quyết tâm, dựa vào việc vận động quần chúng tham gia thành lập phong trào Việt Minh (1941) tiến hành cuộc cách mạng thành công, rồi tuyên bố đất nước độc lập (1945), và cuối cùng là tiến hành một cuộc đấu tranh kéo dài ba mươi năm chống ngoại xâm, từ thực dân Pháp đến đế quốc Mỹ.
Võ Nguyên Giáp: Người không bao giờ nói tới "cái tôi" ảnh 2
Ông Alain Ruscio và gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp sau này.
(Nguồn: Vietnam+)

Trong cuộc đời của mình, Võ Nguyên Giáp không có nhiều dịp để nghỉ ngơi hay dành thời gian để nhìn lại chặng đường ông đã đi qua. Chặng đường đó là một cuộc đấu không cân sức giữa những chiến sỹ du kích đầu tiên, với nắm đấm quyết tâm và vũ khí thô sơ, đã chống lại một nước Pháp thực dân muốn duy trì ách thống trị bằng mọi giá. Và tiếp đến là cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, cũng là một cuộc đấu không ngang sức ngang tài, giữa một dân tộc luôn được coi là "nhỏ bé" với những hạm đội phức hợp quân sự-công nghiệp khổng lồ, sẵn sàng dội hàng triệu tấn bom chùm, bom napalm và cả chất độc dioxin xuống cái dân tộc nhỏ bé đó trong suốt hơn một thập kỷ! Nhưng Việt Nam đã chiến thắng, ngay cả khi Hồ Chí Minh qua đời vào năm 1969 và đã không thể chứng kiến được ngày toàn thắng đó. Đó là ngày 30/4/1975, ngày mà Quân đội nhân dân Việt Nam tiến quân vào sào huyệt cuối cùng, nơi các thế lực phương Tây đã dày công xây dựng từ 120 năm qua. "Trong cuộc đời của một dân tộc, Võ Nguyên Giáp đã chia sẻ với tôi, đôi khi có những giấc mơ, đẹp đến nỗi chúng ta không thể tin nó sẽ trở thành thực hiện. Nhưng giờ đây, chúng tôi đã thực hiện được giấc mơ luôn ấp ủ trong lòng là được thấy đất nước thống nhất và tự do. Một đất nước độc lập, sống trong hòa bình và hướng tới chủ nghĩa xã hội. Chúng tôi đã chưa bao giờ có được những phút giây sung sướng như vậy. Và lúc đó tất cả chúng tôi đã vô cùng xúc động, bởi chúng tôi nghĩ đến Chủ tịch Hồ Chí Minh." Vĩnh biệt đồng chí Văn! Nghĩ đến ông, chúng tôi sẽ luôn nhớ về những vần thơ của đại thi hào Nguyễn Trãi: "Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau/Song hào kiệt thời nào cũng có." (Trích Bình Ngô đại cáo)./.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục