Vốn ADB nên tập trung vào nước nghèo, người nghèo

Các quốc gia tham dự Hội nghị ADB cho rằng trong thời gian tới, nguồn vốn cần tập trung cho các dự án giúp các quốc gia củng cố sự phát triển bền vững.
Trong khuôn khổ Hội nghị Thường niên ADB lần thứ 44, tại Hà Nội, phiên họp toàn thể thứ nhất các doanh nghiệp đã diễn ra vào cuối giờ chiều ngày 5/5.

Hầu hết các quốc gia tham dự phiên họp này đều cho rằng, các nước châu Á đã trải qua vượt qua được khủng hoảng kinh tế và đang trong giai đoạn phục hồi mạnh mẽ. Thống đốc Ngân hang Trung ương Indonexia bày tỏ: “Khi chúng ta nhóm họp vào năm ngoái chúng ta đã lo lắng về khả năng suy thoái kép nhưng vấn đề này không xảy ra.”

“Kinh tế châu Á phục hồi nhanh hơn ở châu Âu, có thể thấy rõ rằng thời gian qua nước Đức đã nhập khẩu ngày càng nhiều hơn từ châu Á. Thương mại của Đức với Việt Nam và Trung Quốc đã tăng 15% trong năm qua,” Thống đốc Ngân hàng Trung ương Đức nhận định.

Hầu hết các quốc gia đều đánh giá cao vai trò của ADB trong việc giúp các quốc gia thành viên chống chọi với cuộc khủng hoảng kinh tế. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cho rằng, vai trò của ADB ngày càng quan trọng hơn, do đó ADB nên huy động thêm các nguồn lực tài chính, trong đó có cả nguồn lực tư nhân để thúc đẩy thêm các nguồn lực xã hội, tạo nguồn vốn dồi dào hỗ trợ các nước đang phát triển phục hồi kinh tế và xóa đói giảm nghèo.

Các quốc gia tham dự Hội nghị đều cho rằng, sự phục hồi kinh tế ở châu Á không bền vững và đang chịu nhiều sức ép như: lạm phát, biến đổi khí hậu, lãng phí năng lượng, thiên tai… Do đó, trong thời gian tới, nguồn vốn của ADB cần tập trung cho các dự án giúp các quốc gia củng cố sự phát triển bền vững.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Đức cho rằng, sự phát triển thiếu bền vững đã khiến tiềm năng phát triển của các nước châu Á bị ảnh hưởng và làm giảm đi thành quả của công cuộc xóa đói giảm nghèo. Do đó, trong thời gian tới, nguồn vốn nên hướng vào khu vực nông thôn.

“Đóng góp của ADB vào sự phát triển của châu Á ngày càng tăng nên chúng ta đang chứng kiến một xu hưỡng rõ nét là ngày càng nhiều các quốc gia mong muốn được vay vốn từ ADB. Vì vậy, chúng ta cần giám sát về các khoản vay và giải ngân từ ADB để đảm bảo nguồn vốn này ngày càng hiệu quả hơn,” Thống đốc Ngân hàng Trung ương Đức khuyến nghị.

Đồng tình với quan điểm này, Trợ lý Bộ trưởng Tài chính và phụ trách thị trường Quốc tế của Hoa Kỳ bày tỏ: “Chúng tôi đã khuyến khích ADB cho vay 17 tỷ USD thay vì 10 tỷ USD như dự định, nhưng cần duy trì mức cho vay bền vững, tạo thêm nguồn lực cho các quốc gia đang phát triển. Hy vọng là ADB sẽ có cơ chế cho vay thích hợp để các quốc gia này được phục vụ tối đa cho nhu cầu phát triển của mình.”

Các Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ấn Độ, Nepan, Pakistan… đều bày tỏ mong muốn được ADB hỗ trợ trong các lĩnh vực hạn chế thiên tai, phát triển khu vực tư nhân, bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu.

Thống đốc Ngân hàng Indonexia cho biết: “Mặc dù biến đổi khí hậu cần quan tâm để hạn chế thiệt hại nhưng chúng tôi chưa đủ tiền để đầu tư mạnh vào lĩnh vực này, chúng tôi mong muốn ADB đóng góp nhiều hơn cho các tổ chức năng lượng xanh.”

Thống đốc Ngân hàng Ấn Độ nhận định, ADB nên có chính hỗ trợ các nước thành viên hạn chế thiên tai và chống biến đổi khí hậu. Để làm được điều này, ADB cần có cơ chế hợp tác cứng và mềm về thể chế và thông tin.

Muốn vậy, cần phải loại bỏ hàng rào đối với các nước đang phát triển, chẳng hạn như chính phủ Nhật Bản cần có chính sách phi quota, phi thuế …

Trợ lý Bộ trưởng Tài chính và phụ trách thị trường quốc tế Hoa Kỳ khẳng định: “Chúng tôi rất khuyến khích các sáng kiến của ADB trong việc hợp tác song phương, đa phương. ADB hợp tác với cộng đồng ngân hàng và các quốc gia thành viên. Chúng tôi đảm bảo rằng ADB là nơi xứng đáng để nhận được đầu tư của các quốc gia thành viên.”

Minh Thúy - Xuân Dũng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục