Vốn đầu tư của Trung Quốc vào ASEAN: Nên nhận hay không?

Giới chuyên gia cho rằng đã có một số bằng chứng cho thấy các nước trong ASEAN có đủ năng lực cần thiết để đảm bảo tiếp nhận và vận hành tốt các khoản đầu tư của Trung Quốc tại quốc gia mình.
Vốn đầu tư của Trung Quốc vào ASEAN: Nên nhận hay không? ảnh 1(Nguồn: chinausfocus.com)

Trang mạng Today mới đây đăng bài viết “Các quốc gia Đông Nam Á có nên chào đón các khoản đầu tư của Trung Quốc?,” trong đó chỉ ra những mặt tích cực nếu các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á biết cách tận dụng và quản lý tốt nguồn vốn đầu tư từ Trung Quốc.

Bài viết cũng gợi ý những biện pháp mà các quốc gia này có thể áp dụng nhằm tối ưu hóa nguồn vốn đầu tư của Trung Quốc hơn là theo phong trào từ chối, tẩy chay như nhiều nước khác trên thế giới đã làm.

Theo nội dung bài viết, các khoản đầu tư từ Trung Quốc đang phải đối mặt với những sóng gió ngày càng tăng trên toàn cầu. Chẳng hạn, đầu tư của Trung Quốc vào Australia đã giảm gần 50% trong năm 2019 do sự căng thẳng trong quan hệ giữa hai nước.

Các khoản đầu tư của Trung Quốc vào Vương quốc Anh cũng đang đối mặt với những lời kêu gọi phải thực hiện giám sát chặt chẽ do người dân và chính phủ nước này lo ngại vấn đề an ninh quốc gia sẽ bị ảnh hưởng và đe dọa khi Trung Quốc sử dụng các khoản đầu tư để xâm nhập vào Vương quốc Anh.

Cũng trong bối cảnh đó, Đông Nam Á đã chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ các khoản đầu tư từ Trung Quốc kể từ năm 2013. Đáng chú ý, trong hai năm qua, xu hướng đầu tư của Trung Quốc tại các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á liên tục tăng cao.

Do sự thù địch địa chính trị ngày càng lớn đối với Trung Quốc cũng như sức hấp dẫn ngày càng giảm của thị trường Hong Kong, Trung Quốc buộc phải coi Đông Nam Á như một cửa ngõ quan trọng để giao dịch và làm bàn đạp vươn ra thị trường thế giới.

Khi quan điểm quốc tế về Trung Quốc, đặc biệt là ở các nền kinh tế phát triển, tiếp tục xấu đi, nhiều nguồn vốn của Trung Quốc ngày càng thể hiện rõ xu hướng có khả năng sẽ đổ dồn vào các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.

Tuy nhiên, các quốc gia này nên phản ứng như thế nào trước sự gia tăng đầu tư mạnh mẽ từ phía Trung Quốc với tư cách là một đối tác thương mại lớn nhất của khu vực. Các quốc gia Đông Nam Á có nên tăng cường thu hút và chào đón các quỹ đầu tư khổng lồ của Trung Quốc?

[Tác động của chiến lược “tuần hoàn kép” của Trung Quốc đối với ASEAN]

Việc áp đặt quan điểm phiến diện về các khoản đầu tư của Trung Quốc không vì lợi ích của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) hay toàn khu vực và chắc chắn không vì lợi ích của hầu hết các quốc gia thành viên ASEAN. Điều này có vẻ phản trực giác vì có những lo ngại về vấn đề an ninh liên quan đến sự bất cân xứng về kinh tế, bẫy nợ, gián điệp mạng và nạn tham nhũng.

Đây là những vấn đề hợp lệ và các quốc gia ASEAN chắc chắn cần phải có trách nhiệm giải quyết. Chính phủ của các quốc gia thành viên ASEAN cần đảm bảo rằng tất cả các khoản đầu tư nước ngoài, dù đến từ đâu, đều được xem xét và đánh giá một cách thận trọng.

Các quốc gia Đông Nam Á có thể kiểm tra các nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) để đảm bảo rằng: 1) chúng được thực hiện một cách minh bạch không kèm theo những ý đồ xấu và phục vụ mục đích phát triển bền vững; 2) không thúc đẩy tội phạm và các hoạt động bất hợp pháp; 3) lợi ích được san sẻ đồng đều đến các chính quyền địa phương để đảm bảo tính công bằng và phát triển đồng đều. Nếu cả ba tiêu chí này được đáp ứng, có rất ít lý do để từ chối các khoản đầu tư của Trung Quốc.

Để bảo vệ an ninh quốc gia, chính phủ các quốc gia thành viên ASEAN phải chắc chắn rằng các khoản đầu nước ngoài không có khả năng giành quyền kiểm soát các ngành chiến lược như truyền thông hoặc cơ sở hạ tầng quan trọng có thể làm tổn hại đến an ninh quốc gia hoặc dẫn đến hành vi thao túng như mua bán bất động sản sơ cấp và tạo ra tình trạng bong bóng bất động sản.

Các quốc gia cần nỗ lực hết sức để đảm bảo các khoản đầu tư được chuyển vào những lĩnh vực có nhu cầu thực sự như cơ sở hạ tầng cơ bản, chăm sóc sức khỏe, giáo dục và các ngành bền vững khác nhằm thúc đẩy tạo việc làm và bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, các quốc gia cũng cần phải tiến hành kiểm tra chặt chẽ quy trình đầu tư nước ngoài để loại bỏ nguy cơ tội phạm lợi dụng kẽ hở để hoạt động. Điều này thường đến từ lĩnh vực đầu tư tư nhân đối với loại hình cung cấp các dịch vụ trò chơi để nhằm mục đích cung cấp vỏ bọc cho hoạt động tín dụng đen, rửa tiền và gieo mầm cho các hành vi bất hợp pháp khác có nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh trật tự trong xã hội.

Giới chuyên gia cho rằng đã có một số bằng chứng cho thấy các nước trong khu vực có đủ năng lực cần thiết để đảm bảo tiếp nhận và vận hành tốt các khoản đầu tư của Trung Quốc tại quốc gia mình.

Campuchia là một ví dụ. Trong những năm qua, Campuchia đã đưa ra các biện pháp để quản lý và điều chỉnh tốt hơn các khoản đầu tư của Trung Quốc tại quốc gia Đông Nam Á này, giúp cho quá trình thu hút và sử dụng vốn đầu tư nước ngoài tại Campuchia đạt hiệu quả cao.

Vốn đầu tư của Trung Quốc vào ASEAN: Nên nhận hay không? ảnh 2Ảnh minh họa. (Nguồn: AP)

Giới chuyên gia cho rằng mặc dù các khoản đầu tư của Trung Quốc đã tạo ra nhiều tai tiếng và ấn tượng xấu tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Campuchia, song không thể phủ nhận nhiều dự án phát triển ở Campuchia đang được tiến hành đúng hướng và đảm bảo tiến độ. Chính những điều này đã không ngăn cản Chính phủ Campuchia đóng cửa các sòng bạc hoạt động ngầm và tăng cường quan hệ kinh tế với Trung Quốc.

Cũng tương tự như Campuchia, Philippines phải vật lộn với những lời kêu gọi đóng cửa các tụ điểm đánh bạc của các công ty nước ngoài tại nước này.

Trước sự thất vọng của các nhà phê bình trong nước và Chính phủ Trung Quốc, chính phủ của Tổng thống Duterte coi các hoạt động kinh doanh bài bạc như một cơ hội để thu hút vốn đầu tư nước ngoài, thúc đẩy giá bất động sản, gia tăng cơ hội việc làm, phát triển kinh tế địa phương và đóng góp lớn cho nguồn thuế quốc gia.

Bất chấp những lo ngại về làn sóng lao động Trung Quốc và tội phạm gia tăng liên quan đến “ngành công nghiệp cờ bạc,” loại hình kinh doanh bài bạc này đã rất thành công tại Philippines và tạo ra những khoản lợi nhuận lớn cho quốc gia này.

Việc Philippines chấp nhận các khoản đầu tư của Trung Quốc không có nghĩa là Philippines sẽ luôn nhượng bộ Trung Quốc, như tuyên bố gần đây của Tổng thống Duterte tại Đại hội đồng Liên hợp quốc về vấn đề Biển Đông.

c

Các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á cũng hiểu rằng dòng đầu tư này có thể bị chậm lại hoặc đảo ngược nếu căng thẳng địa chính trị được kiểm soát.

Các cơ hội đó cần được các quốc gia thành viên ASEAN xem xét một cách nghiêm túc để phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19 và thúc đẩy phát triển hơn nữa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục