Vốn đầu tư gián tiếp của nước ngoài vào qua TTCK đạt ròng 2,8 tỷ USD

Sáng ngày 2/1, Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội đã tổ chức đánh cồng khai trương phiên giao dịch đầu tiên năm 2019.
Vốn đầu tư gián tiếp của nước ngoài vào qua TTCK đạt ròng 2,8 tỷ USD ảnh 1Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đánh cồng khai trương thị trường chứng khoán năm 2019. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Sáng ngày 2/1, Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội – HNX đã tổ chức đánh cồng khai trương phiên giao dịch đầu tiên năm 2019.

Tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã có bài phát biểu về những kết quả của nền kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán Việt Nam nói riêng năm 2018 đồng thời chỉ ra những định hướng phát triển cho ngành trong năm 2019.


[Giá trị vốn hóa thị trường trên sàn HNX đạt 190.000 tỷ đồng]

Vốn đầu tư gián tiếp của nước ngoài vào ròng 2,8 tỷ USD

Theo Bộ trưởng, năm qua, kinh tế thế giới tăng trưởng vẫn đạt mức cao song diễn biến hết sức phức tạp, như việc Cục dự trữ liên bang Mỹ - FED đã 4 lần tăng lãi suất điều hành, tranh chấp thương mại giữa các nền kinh tế lớn… đã tạo ra ảnh hưởng sâu rộng đến kinh tế và tình hình thị trường tài chính quốc tế. Theo đó, thị trường chứng khoán toàn cầu đã trải qua những biến động mạnh với xu hướng giảm điểm lan tỏa đến hầu hết các thị trường vào nửa cuối của năm 2018.

“Trong bối cảnh đó, kinh tế Việt Nam đã kết thúc năm với kết quả ấn tượng, tăng trưởng GDP của cả nước đạt 7,08%, mức tăng cao nhất từ năm 2008 và vượt kế hoạch Quốc hội đề ra. Bên cạnh đó, lạm phát đã được kiềm chế thành công ở mức 3,54%, cán cân thương mại duy trì xuất siêu, thị trường tiền tệ, tài chính ổ định, thu ngân sách Nhà nước vượt 7,8%, trong đó ngân sách trung ương vượt 4,3% và ngân sách các địa phương vượt 12,5%,” Bộ trưởng nói.

Trong nước, chỉ số VN-Index giảm 9,3% trong xu thế chung của thế giới nhưng quy mô và thanh khoản thị trường có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Cụ thể, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 3,9 triệu tỷ đồng, tăng 10,6% so với năm 2017, tương đương 70,2% GDP năm 2018, vượt chỉ tiêu đạt 70% GDP đề ra tại Chiến lược phát triển Thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn 2011–2020. Theo đó, giá trị giao dịch trung bình phiên đạt 6.500 tỷ đồng, tăng 29%.

Thêm vào đó, thị trường trái phiếu giá trị niêm yết đạt 1,1 triệu tỷ đồng, tăng 10,5% và tương đương 20,3% GDP 2018.  Ngoài ra, thị trường phái sinh mới đi vào hoạt động với một sản phẩm đầu tiên “hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30” song đã sớm khẳng định vai trò trên thị trường chứng khoán với thanh khoản bình quân 78.800 hợp đồng tương lai/phiên.

Bộ trưởng nhấn mạnh một trong số những điểm sáng trên thị trường trong năm qua, vốn đầu tư gián tiếp của nước ngoài vẫn chảy vào ròng Việt Nam và đạt 2,8 tỷ USD với giá trị danh mục của nhà đầu tư nước ngoài đạt 32,8 tỷ USD.


Tái cấu trúc trên cơ sở sắp xếp lại hai Sở

Đóng góp chung vào xu hướng phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam, năm 2018 có thể nói là một năm “bận rộn” của HNX với nhiều hoạt động trên các mảng thị trường.

Tính đến ngày 15/12, Sở Hà Nội đã có 374 doanh nghiệp niêm yết với giá trị vốn hóa thị trường đạt gần 190.000 tỷ đồng, giá trị giao dịch bình quân đạt hơn 788 tỷ đồng/phiên. Trên thị trường UPCoM, số lượng doanh nghiệp và giá trị vốn hoá tăng nhanh với  803 doanh nghiệp giao dịch và hơn 830.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, hoạt động đấu giá trên HNX đã hỗ trợ tích cực cho công tác cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước gắn với niêm yết và đăng ký giao dịch. Tính đến 15/12, Sở này đã tổ chức thành công 38 phiên đấu giá với giá trị trúng giá đạt gần 21.000 tỷ đồng.

Trên thị trường trái phiếu, Sở cũng đã tổ chức thành công 255 đợt đấu thầu và huy động được 165.800 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ. Về thị trường chứng khoán phái sinh, số lượng tài khoản giao dịch phái sinh hiện tại đạt trên 56.000 tài khoản.

Bước sang năm 2019, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng tin tưởng “tuy nền kinh tế trong nước còn gặp nhiều khó khăn song với đà tăng trưởng của năm 2018 và sự chỉ đạo quyết liệt, quyết tâm cao của toàn Đảng, Chính phủ trong việc cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, cải cách thể chế. Việt Nam có quyền kỳ vọng vào sự phát triển của nền kinh tế cũng như sự chuyển biến tích cực về quy mô và chất lượng của thị trường chứng khoán.”

Bộ trưởng chỉ ra năm nhiệm vụ trọng tâm phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm.

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách với trọng tâm thông qua luật chứng khoán sửa đổi và các văn bản hướng dẫn thi hành nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp huy động vốn đồng thời nâng cao tính công khai minh bạch của thị trường.

Thứ hai, thực hiện các giải pháp tái cấu trúc thị trường chứng khoán, trọng tâm là nâng cao năng lực và lành mạnh hóa hệ thống các tổ chức trung gian trên thị trường.

Thứ ba, thành lập Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam, nhằm từng bước chuyên nghiệp hơn các thị trường trên cơ sở sắp xếp lại Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội và Sở giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh.

Thứ tư, triển khai thêm các sản phẩm chứng khoán phái sinh, như hợp đồng tương lai trên một số chỉ số mới, hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ và chứng quyền có bảo đảm.

Thứ năm, thúc đẩy triển khai các giải pháp nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ hạng cận biên lên hạng thị trường mới nổi./.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu tại Lễ đánh cồng năm 2019.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục