Vốn đầu tư vào các khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh tăng 66,34%

Tổng vốn thu hút đầu tư trong 3 tháng đầu năm nay tại các Khu chế xuất, Khu công nghiệp TP.HCM đạt 224,61 triệu USD, đạt 40,84% kế hoạch năm nay, tăng 66,34% so với cùng kỳ năm ngoái.
Vốn đầu tư vào các khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh tăng 66,34% ảnh 1Sản xuất linh kiện cơ khí tại Công ty Misumi Việt Nam-Khu chế xuất Linh Trung, thành phố Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Tổng vốn thu hút đầu tư (gồm cấp mới và điều chỉnh) trong 3 tháng đầu năm nay tại các Khu chế xuất, Khu công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh đạt 224,61 triệu USD, đạt 40,84% kế hoạch năm nay, tăng 66,34% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chia sẻ về tình thu hút vốn đầu tư vào các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn trong 3 tháng đầu năm nay, ông Lý Quốc Hưng, Trưởng Ban Quản lý các Khu chế xuất, Khu công nghiệp thành phố cho biết tổng vốn đầu tư thu hút đạt 119,21 triệu USD, tăng 80,67% so với cùng kỳ; trong đó có cấp mới 3 dự án với vốn đầu tư đăng ký 122,21 triệu USD, tăng 22 lần so với cùng kỳ, 1 dự án tăng vốn điều chỉnh 1 triệu USD và 1 dự án giảm vốn đầu tư 4 triệu USD.

Về đầu tư trong nước, tổng vốn đầu tư thu hút đạt 2.437,77 tỷ đồng (tương đương 105,4 triệu USD), tăng 52,66% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó, cấp mới 9 dự án với vốn đầu tư đăng ký 2.019,77 tỷ đồng (tương đương 87,33 triệu USD), tăng 58,69% so với cùng kỳ.

Ngoài ra, 5 dự án điều chỉnh vốn (trong đó có 4 dự án tăng vốn, 1 dự án giảm vốn) tăng đạt 417,99 tỷ đồng (tương đương 18,07 triệu USD), tăng 28,95% so với cùng kỳ.

Phân tích về cơ cấu đầu tư, ông Lý Quốc Hưng cho rằng phần lớn doanh nghiệp trong và ngoài nước tăng vốn đã có kế hoạch từ trước đó và tập trung vào việc đổi mới thiết bị, ứng dụng khoa học công nghệ mới vào quy trình quản lý, điều hành, sản xuất.

Mục tiêu của các doanh nghiệp hướng đến nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn ngày càng khắc khe của khách hàng, nhất là những thị trường khó tính theo lộ trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của Việt Nam.

[Khu chế xuất-Khu công nghiệp TP.HCM thu hút vốn đầu tư chất lượng cao]

Bên cạnh đó, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang tác động mạnh mẽ đến các doanh nghiệp khu vực sản xuất, kinh doanh; nhất là trong thời trong thời điểm dịch bệnh nhiều khó khăn nên các doanh nghiệp phải tính toán, tiết kiệm và chi phí hợp lý…

Thành phố Hồ Chí Minh xác định năm nay sẽ là năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư để thể hiện quyết tâm của thành phố nhằm hạn chế các yếu kém, đảm bảo hiệu quả hoạt động mô hình chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu của xu thế kinh tế sau ảnh hưởng dịch COVID-19. Trên cơ sở đó, Ban Quản lý các Khu chế xuất, Khu công nghiệp thành phố cũng đã có kế hoạch tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư…

Đặc biệt, trong quý 2 tới, Ban Quản lý các khu sẽ tổ chức buổi tiếp xúc, gặp gỡ, đối thoại giữa các doanh nghiệp trong khu với lãnh đạo thành phố nhằm tháo gỡ những khó khăn, thúc đẩy đầu tư sản xuất kinh doanh, phấn đấu thực hiện tốt mục tiêu vừa phòng chống dịch bệnh, vừa hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh.

Ngoài ra, Ban Quản lý các khu đang xây dựng kế hoạch đối thoại cấp sở, ngành thành phố với doanh nghiệp theo từng chuyên đề về đầu tư, thuế, hải quan; tổ chức hội nghị kết nối ngân hàng-doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất…

Theo ông Lý Quốc Hưng, trọng tâm của quý 2 năm nay cũng là thu hút đầu tư có chọn lọc, tập trung vào 4 ngành công nghiệp trọng yếu, có hàm lượng công nghệ cao, ít thâm dụng lao động, công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ hỗ trợ sản xuất công nghiệp.

Bên cạnh đó, Ban Quản lý các khu sẽ tiếp tục phối hợp các đơn vị chức năng theo dõi, triển khai phòng, chống dịch COVID-19 tại các doanh nghiệp trong khu; tổ chức tập huấn tuyên truyền Bộ Luật Lao động năm 2019 cùng các nghị định hướng dẫn…./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục