Vòng đàm phán lại đầu tiên về NAFTA sẽ bắt đầu từ giữa tháng 8

Vòng đàm phán lại đầu tiên về Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) giữa 3 nước tham gia hiệp định gồm Mexico, Mỹ và Canada sẽ diễn ra tại thủ đô Washington (Mỹ) từ ngày 16-20/8 tới.
Vòng đàm phán lại đầu tiên về NAFTA sẽ bắt đầu từ giữa tháng 8 ảnh 1Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Vòng đàm phán lại đầu tiên về Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) giữa 3 nước tham gia hiệp định gồm Mexico, Mỹ và Canada sẽ diễn ra tại thủ đô Washington (Mỹ) từ ngày 16-20/8 tới.

Thông báo trên vừa được Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer đưa ra ngày 19/7. Theo ông Lighthizer, ông John Melle, trợ lý Đại diện thương mại Mỹ phụ trách Tây Bán cầu sẽ làm trưởng đoàn đàm phán của Mỹ.

Các cuộc đàm phán thương mại sắp tới diễn ra ngay sau thời gian tham vấn với quốc hội và công chúng kéo dài 90 ngày, bắt đầu hôm 18/5, khi Đại diện Thương mại Mỹ Lighthizer thông báo với quốc hội về dự định của Tổng thống Donald Trump đàm phán lại NAFTA.

Mục tiêu của việc đàm phán lại là giảm thâm hụt thương mại của Mỹ và đề cập các lĩnh vực mới trong đó có kinh tế số, lao động và quy định môi trường.

[Mục tiêu của Mỹ trong tái đàm phán NAFTA: Giảm thâm hụt thương mại]

Đây là lần đầu tiên Đại diện Thương mại Mỹ đặt thâm hụt thương mại như một mục tiêu cụ thể của đàm phán NAFTA, phản ánh quyết tâm của chính quyền Tổng thống Donald Trump nhằm đối phó với vấn đề này.

Trong một tuyên bố cùng ngày, Bộ trưởng Kinh tế Mexico Ildefonso Guajardo cho biết chính phủ nước này đã hoàn tất tham vấn với các đại diện công nghiệp nhằm đưa ra những mục tiêu đàm phán.

Tuyên bố nhấn mạnh, Chính phủ Mexico tái khẳng định sẵn sàng hợp tác với các đối tác NAFTA nhằm tăng tính cạnh tranh khu vực và tiếp tục tạo cơ hội thương mại và đầu tư ở Bắc Mỹ.

Bộ trưởng Nông nghiệp Mexico Jose Calzada cho rằng việc tái đàm phán NAFTA với Mỹ và Canada sẽ mang lại lợi ích cho nông nghiệp Mexico và Mexico sẽ không yêu cầu bất kỳ sự nhượng bộ hay ưu đãi nào vì điều này có lợi cho cạnh tranh.

Hiện Mexico đang là nước sản xuất lương thực lớn thứ 12 trên thế giới và tổng kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp trong năm 2016 tăng 11%.

NAFTA có hiệu lực từ ngày 1/1/1994. Tổng thống Donald Trump, người luôn chủ trương ủng hộ chính sách bảo hộ sản xuất nội địa, từng mô tả hiệp định thương mại này là "thảm họa" và là nguyên nhân khiến Mỹ mất đi hàng triệu việc làm trong lĩnh vực công nghiệp.

Hồi tháng Tư vừa qua, các nước thành viên đã nhất trí thúc đẩy kế hoạch đàm phán lại các điều khoản trong hiệp định này. Các nước đã nhất trí một khung thời gian để tiến hành đàm phán lại NAFTA, mục tiêu là kết thúc vào đầu năm 2018 trước khi diễn ra bầu cử tổng thống Mexico.

Các nguồn tin Mexico cho biết 3 nước trên dự định tiến hành 7 vòng đàm phán, mỗi vòng đàm phán cách nhau 3 tuần và vòng đàm phán thứ 2 sẽ diễn ra tại Mexico. Tuy nhiên, một người phát ngôn của Đại diện Thương mại Mỹ cho biết 3 nước chưa hoàn toàn nhất trí về số vòng đàm phán cũng như và tần suất tiến hành.

Trong khi đó, giới chức Canada cho rằng sẽ không có thay đổi đáng kể nào đối với NAFTA nếu các cuộc đối thoại này kết thúc vào cuối năm 2017 và sẽ phải mất 2 năm mới có thể hiện đại hóa hiệp định này một cách nghiêm túc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục