Vòng loại World Cup 2010: Kẻ mừng, người lo

Trong khi Hà Lan sẽ mở hội ăn mừng ở Rotterdam để chào mừng chiến tích của thầy trò Bert van Marwijk, giành vé tấm vé dự World Cup 2010 đầu tiên ở châu Âu, thì Thụy Điển lại canh cánh nỗi lo làm khán giả ở giải đấu diễn ra tại Nam Phi vào mùa Hè sang năm.

Trong khi Hà Lan sẽ mở hội ăn mừng ở Rotterdam để chào mừng chiến tích của thầy trò Bert van Marwijk, giành vé tấm vé dự World Cup 2010 đầu tiên ở châu Âu, thì Thụy Điển lại canh cánh nỗi lo làm khán giả ở giải đấu diễn ra tại Nam Phi vào mùa Hè sang năm.
 
Cơ hội cuối của Thụy Điển
 
Thua kình địch Đan Mạch ngay trên sân nhà ở Solna trong trận derby thứ 100 của vùng Scandinavia, Thụy Điển đang phải đối mặt với nguy cơ rất lớn không thể vượt qua vòng loại World Cup 2010. Hiện tại, đội quân của huấn luyện viên Lars Lagerback đang tạm xếp thứ tư ở bảng 1, kém đội đầu bảng Đan Mạch tới 10 điểm và đội nhì bảng Hungary 7 điểm, dù Thụy Điển đá ít hơn một trận.
 
Chính khoảng cách mênh mông đó đã đẩy “Tre Kronors” đến bên bờ vực thẳm. Nếu không thắng nổi Malta trong trận đấu đêm nay, xem như giấc mơ đi Nam Phi dự ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh của Thụy Điển sẽ sớm tàn lụi.
 
Sau trận thua Đan Mạch, Lagerback đã thừa nhận Thụy Điển chỉ còn cơ hội đoạt ngôi nhì bảng, qua đó giành được suất đá play-off để tìm cơ hội dự World Cup 2010. Ngay cả mục tiêu có phần khiêm tốn ấy cũng không dễ dàng đối với “Tre Kronors” vào lúc này, khi mà Hungary đang chiếm lợi thế lớn, bên cạnh áp lực từ Bồ Đào Nha.
 
Tuy nhiên, còn nước thì còn tát, thầy trò Lagerback vẫn phải nỗ lực hết mình trong chặng đường còn lại. Malta là đối thủ yếu nhất bảng 1, mới kiếm được vỏn vẹn 1 điểm và thậm chí còn chưa ghi được bàn thắng nào. Đó sẽ là cơ hội để Thụy Điển vừa kiếm điểm, vừa giải tỏa cơn khát bàn thắng.
 
Ở vòng loại World Cup 2010, Thụy Điển đã “tịt ngòi” 4/5 trận, trong đó có 3 trận gần đây, dù đội hình của họ có sự hiện diện của Zlatan Ibrahimovic - Vua phá lưới Serie A mùa 2008-2009 và Henrik Larsson, chân sút mà đẳng cấp đã được thừa nhận rộng rãi. Chỉ có thắng Malta, Thụy Điển mới còn hy vọng có suất đến Nam Phi. Ngược lại, một trận hòa trên sân nhà là đủ kết liễu giấc mơ dự World Cup 2010 của “Tre Kronors”. Trong tình thế này, hẳn Lagerback và các học trò biết phải làm gì.
 
Ngày hội của Hà Lan
 
Sau chiến thắng 2-1 trên đất Iceland, Hà Lan đã trở thành đội bóng đầu tiên ở châu Âu giành được tấm vé dự World Cup 2010. Thầy trò Van Marwijk cùng với chủ nhà Nam Phi, các đội bóng thuộc AFC là Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia, sẽ chắc chắn có mặt ở ngày hội bóng đá thế giới vào mùa Hè sang năm. Trận đấu với đội cuối bảng 9 Na Uy, mới có 3 điểm sau 4 trận, vừa mang tính chất tập huấn, vừa là cơ hội để ăn mừng chiến công của người Hà Lan.
 
Sớm hoàn thành nhiệm vụ ở vòng loại, Hà Lan có hơn một năm để chuẩn bị cho World Cup 2010. Đó là quãng thời gian cần thiết để Van Marwijk hoàn thiện đội hình và lối chơi sau khi được thừa hưởng rất nhiều thành quả từ người tiền nhiệm Marco van Basten. Dù là một đội tuyển mạnh của châu Âu và thế giới, song Hà Lan vẫn nằm ở “chiếu dưới” khi chưa có chức vô địch World Cup nào, trong khi đã đăng quang EURO 1988.
 
Gánh nặng thành tích đang đặt lên vai thầy trò Van Marwijk, những người không muốn đến Nam Phi sớm để rồi lại ra về sớm.
 
Serbia vững ngôi đầu
 
Tận dụng việc Pháp không thi đấu dịp này, Seriba đã củng cố vững chắc ngôi đầu bảng bằng chiến thắng trước Áo cuối tuần trước. Hiện tại, Serbia đang có nhiều hơn đội nhì bảng Pháp 5 điểm dù đã đá nhiều hơn 1 trận. Một chiến thắng nữa trên sân của đối thủ yếu nhất bảng Faroe sẽ càng giúp Serbia tiến gần hơn đến Nam Phi.
 
Faroe mới chỉ có 1 điểm và 1 bàn thắng sau 4 trận. Tuy nhiên, đội bóng “tí hon” này cũng thể hiện sự tiến bộ vượt bậc khi mới thủng lưới 5 bàn, đúng bằng số bàn thua của Serbia, khá hơn cả Pháp, Lithuania (6 bàn), Áo (9 bàn) hay Romania (10 bàn).
 
Việc nới rộng cách biệt với Pháp lên 8 điểm là khả năng trong tầm tay của Serbia. Khi đó, áp lực sẽ đè nặng lên đội bóng của huấn luyện viên Raymond Domenech, vốn bị xem là “kẻ thù” của người Pháp bấy lâu nay. Không chỉ cạnh tranh với Seriba, Pháp còn canh cánh nỗi lo bị Lithuania hay Áo và Romania chiếm mất vị trí nhì bảng hiện tại. Khi đó, tình cảnh của “Les Bleus” sẽ thật bi đát.
 
Nhưng có như vậy thì Domenech mới “bay” khỏi ghế huấn luyện viên, mở ra một thời kỳ mới cho đội tuyển Pháp./.
 
(TT&VH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục