Vòng vèo chuyện bán đấu giá "bèo" vốn nhà nước

Chỉ sau bốn năm, phần vốn Nhà nước tại Công ty CPDL Tiền Giang đã "teo"  21%, một năm sau, 30% phần vốn còn lại được bán với giá bèo: 7,56 tỷ đồng.

Những ngày này, dư luận cán bộ và người dân tỉnh Tiền Giang đang xôn xao về chuyện phần vốn Nhà nước tại Công ty cổ phần du lịch đã được bán với giá 7,56 tỷ đồng.

Sự việc này đang đặt ra nhiều dấu hỏi về tính minh bạch của quá trình chuyển nhượng phần vốn nhà nước dưới dạng nhà đất tại các công ty cổ phần nhằm tránh thất thoát tài sản công.

Vốn nhà nước “teo” dần

Nhằm khai thác tiềm năng du lịch của địa phương, Công ty du lịch Tiền Giang đã phát triển hệ thống cơ sở dịch vụ du lịch hoàn chỉnh gồm nhà hàng khách sạn Sông Tiền, nhà hàng Hướng Dương, nhà hàng Trung Lương, nhà hàng Hương Biển, nhà hàng Cửu Long, nhà hàng khu du lịch Thới Sơn.

Đầu tháng 1/2005, Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang đã có quyết định phê duyệt phương án chuyển Công ty du lịch Tiền Giang thành công ty cổ phần với vốn điều lệ là 7 tỷ đồng, trong đó phần vốn nhà nước chiếm 51% vốn điều lệ; còn cổ phần bán ưu đãi cho doanh nghiệp chiếm 29% vốn điều lệ, cổ phần bán đấu giá công khai chiếm 20% vốn điều lệ.

Tuy nhiên đến tháng 1/2009, phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp này lại giảm xuống chỉ còn 30% theo phương án định giá của Công ty cổ phần chứng khoán An Bình. Hay nói khác hơn, chỉ sau bốn năm, phần vốn Nhà nước đã bị "teo" mất 21%.

Đến tháng 3/2010, toàn bộ 30% phần vốn Nhà nước còn lại đã được bán đấu giá hết. Người mua được phần vốn này là ông Hoàng Kiều, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty RASS.

Ngày 9/5/2010, có mặt tại nhà hàng Trung Lương, một trong nhiều cơ sở dịch vụ của Công ty cổ phần du lịch Tiền Giang, chúng tôi giật mình trước cơ ngơi đồ sộ của nơi này.

Thực tế với vị trí đắc địa của khu đất rộng hơn 1.000m2 mặt đường quốc lộ 1A, thuộc khu vực ngã 3 Trung Lương này thì chỉ tính giá trị đất thôi thì cũng đã vài chục tỷ đồng.

Trong khi đó, toàn bộ tài sản thuộc phần vốn Nhà nước của Công ty cổ phần du lịch Tiền Giang chỉ được bán với giá 7,56 tỷ đồng đã được nhiều cử tri chất vấn trong các phiên họp công khai. Điều kỳ lạ là các cơ quan chức năng Tiền Giang vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng cho nội dung này.

Trụ sở công cũng bị đòi?

Sau khi mua lại phần vốn nhà nước, đầu năm 2010, chủ nhân mới của Công ty cổ phần du lịch Tiền Giang đã gửi văn bản đòi Sở Tài nguyên và môi trường phải bàn giao nhà đất rộng 1.097,6m2 tại số 105 đường Trưng Trắc, phường 1, thành phố Mỹ Tho, cho doanh nghiệp để mở rộng nhà hàng khách sạn Sông Tiền.

Thực tế đây là tài sản công được giao cho làm trụ sở của Trung tâm kỹ thuật Tài nguyên và Môi trường thuộc Sở Tài nguyên-Môi trường tỉnh Tiền Giang.

Lấy lý do là cơ sở nhà đất này đã được áp giá để phục vụ dự án nâng cấp khách sạn sông Tiền khi Công ty du lịch Tiền Giang còn là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, để nhanh chóng lấy được mặt bằng, Công ty cổ phần du lịch Tiền Giang còn mạnh miệng đề nghị sẽ hỗ trợ Trung tâm kỹ thuật Tài nguyên và Môi trường thuê trụ sở mới trong vòng 3 năm với số tiền 410 triệu đồng.

Điều ngạc nhiên là dù cơ sở nhà đất này thuộc vị trí trung tâm với giá đất cao nhất nhì Tiền Giang, nhưng biên bản áp giá đền bù thì giá trị đền bù nhà cửa và vật kiến trúc cho trụ sở này chỉ có hơn 493 triệu đồng, tức chưa tới 500.000 đồng/m2.

Đến nay, Trung tâm kỹ thuật Tài nguyên và Môi trường vẫn không thể di dời đi nơi khác do chưa tìm được nơi ở mới.

Dư luận nhân dân và cán bộ địa phương hiện liên tục chất vấn về việc nếu lấy cơ sở nhà đất số 105 Trưng Trắc với mức giá đền bù thấp để phục vụ kinh doanh cho Công ty du lịch Tiền Giang để lấy nguồn thu cho ngân sách khi doanh nghiệp này chưa cổ phần hóa cách này 8 năm thì hợp lý.

Còn hiện tại khi doanh nghiệp đã hoạt động dưới hình thức cổ phần với 100% vốn tư nhân thì cần làm rõ sự chênh lệch về giá trị nhà đất để đảm bảo không thất thoát tài sản công.

Tuy vậy, câu trả lời mà họ nhận được chỉ là sẽ xem xét và kiểm tra lại./.

Kim Quy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục