Voọc mũi hếch ở Khau Ca phát triển lên trăm cá thể

Đến thời điểm hiện nay, quần thể voọc mũi hếch quí hiếm lớn nhất toàn cầu ở Khau Ca, tỉnh Hà Giang đã phát triển lên đến trăm cá thể.
Ông Hoàng Văn Tuệ, Trưởng ban quản lý Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voọc mũi hếch Khau Ca khẳng định đến thời điểm hiện nay, quần thể voọc mũi hếch quí hiếm lớn nhất toàn cầu tại đây đã phát triển lên đến trăm cá thể.

Voọc mũi hếch có tên khoa học là Rhinophihecus anvurculus. Theo số liệu của Tổ chức bảo tồn động thực vật hoang dã quốc tế (FFI), năm 2002, voọc mũi hếch chỉ còn khoảng 250 cá thể trên phạm vi toàn cầu.

Năm 2002, cán bộ của FFI đã phát hiện voọc mũi hếch tại khu vực rừng Khau Ca, tỉnh Hà Giang với ước tính khoảng 60 cá thể.

Theo báo cáo của Tổ trợ lý nghiên cứu có nhiệm vụ tuần tra vùng lõi và thực hiện giám sát đa dạng sinh học của Khu bảo tồn có kết quả từ 4 nhóm tuần tra những ngày cuối tháng 4/2012 như sau ngày 24/4, voọc tại khu vực A850, lúc 15 giờ và ở D1600 lúc 17 giờ, đếm được 32 cá thể, trong đó có 8 cá thể mẹ đang ôm con.

Ngày 25/4, phát hiện voọc tại D3300 lúc 10g25, quan sát đến 15g30, có 13 cá thể, trong đó có 1 mẹ ôm con.

Ngày 26/4, phát hiện voọc lúc 9g50 tại khu vực C2600, quan sát đến 13g40 đếm được 73 cá thể, trong đó có 16 mẹ ôm con.

Năm 2008, Khu bảo tồn voọc mũi hếch Khau Ca được thành lập với diện tích 2.024 ha, nằm trên địa bàn các xã Tùng Bá (huyện Vị Xuyên), xã Minh Sơn, Yên Định (huyện Bắc Mê). Đây là khu vực rừng đặc dụng, địa hình hiểm trở với vách núi dựng đứng, đường độc đạo.

Bằng nguồn kinh phí từ FFI- Chương trình Việt Nam cùng một số tổ chức quốc tế khác; sự ủng hộ của chính quyền và nhân dân địa phương, nhất là chính quyền và nhân dân địa phương vùng khu vực bảo tồn, Ban quản lý Khu bảo tồn voọc mũi hếch Khau Ca đã làm tốt các chương trình lập khu bảo tồn, bảo vệ rừng dựa vào cộng đồng; đặc biệt, bảo vệ, quan sát sự tồn tại và phát triển của voọc mũi hếch…

Cũng theo ông Hoàng Văn Tuệ, từ tháng 6/2011, Qui định phối hợp giữa Ban quản lý rừng đặc dụng và Ủy ban nhân dân 3 xã Tùng Bá, Yên Định, Minh Sơn đã được ký.

Theo đó, các bên thống nhất các hoạt động phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản và phát triển sinh kế cho người dân ở vùng đệm của rừng đặc dụng.

Nhờ đó, hoạt động của Ban quản lý Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voọc mũi hếch Khau Ca đi vào nề nếp, làm tốt công tác bảo vệ, phát triển rừng đặc dụng; quần thể voọc mũi hếch được bảo tồn và sinh trưởng./.

Công Hải (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục