Ashrita Furman, một người New York vừa mới cho ra đời một chiếc vợt tennis khổng lồ, lớn bằng một chiếc xe buýt. Furman, người đã giữ kỷ lục thế giới vì có nhiều... kỷ lục nhất, hiện đang dừng lại ở con số 151, hy vọng chiếc vợt khổng lồ cũng sẽ sớm gia nhập danh sách.
Chiếc vợt ông mới chế ra là bản sao chính xác của một chiếc vợt gỗ từng được Billie Jean King sử dụng trong những năm 1970, khi cô thống trị tại các giải đấu như US Open, đang diễn ra tại New York. Cây vợt có đầu vợt làm bằng gỗ dán ép laminate, tay cầm màu nâu, dây trang trí màu đỏ và các chữ ghi trên vợt giống hoàn toàn với nguyên mẫu. Sự khác biệt duy nhất là cây vợt của Furman dài 15,2 m, và rộng 4,9 m. Các sợi dây trên vợt được làm từ ống nước và tay cầm của vợt lớn tới mức một người to lớn cũng rất vất vả khi ôm lấy nó. "Theo thang tỷ lệ thì vợt của tôi to hơn 22,2 lần nguyên mẫu," Furman cho biết. Dù cây vợt là ý tưởng của Furman, nó đã hình thành từ sự giúp đỡ của nhiều người. "Chúng tôi được nhiều người từ trên thế giới giúp đỡ. Một người từ New Zealand đã hoàn tất việc xử lý cuối cùng phần gỗ của vợt. Chúng tôi có một người là tay violon chuyên nghiệp nên ông ấy đã đảm nhiệm phần dây vợt. Chúng tôi cũng có một người Đức đã lên kế hoạch cho việc xử lý phần gỗ," Furman kể. Khi cây vợt khổng lồ được làm xong và để ở vùng Queens của New York, thách thức tiếp theo là người ta sẽ đưa nó đi đâu và chở cây vợt tới đích ra sao. "Chúng tôi định trưng bày cây vợt ở giải US Open, nhưng người ta nói rằng do vợt cao hơn 3 m nên nó được xem là một công trình," Furman nói. "Anh biết đấy, phải mất hàng tháng mới xin được giấy phép từ Sở Xây dựng." Furman, 57 tuổi, và các trợ tá của ông đều rất hâm mộ nhà vận động cho hòa bình quá cố Sri Chinmoy, người từng nói rằng việc thiền có thể giúp người ta hoàn thành những công việc tưởng như không thể. Cây vợt được chế tạo để mừng 81 năm ngày sinh của Chinmoy. Pasha Royden, một thiếu niên 11 tuổi tới từ New Zealand, đã lên nhảy nhót trên các "sợi dây" của cây vợt. Cậu bé rất mê cây vợt mới. "Nó cho thế giới thấy rằng nếu ta muốn làm gì, chắc chắn ta sẽ làm được điều đó," cậu bé nói rồi tưởng tượng. "Để dùng cây vợt này, một người khổng lồ chắc phải có chiều cao bằng một cái cây. Ba người trong số họ sẽ đứng lên vai nhau. Tiếp đó, họ sẽ cần một cái sân lớn và một đối thủ rất to cao, với một cây vợt rất to khác và một quả bóng tennis không giống những trái bóng bình thường." Furman cho biết phải mất 7 ngày, đội của ông mới có thể làm xong cây vợt ở sân sau nhà và tốc độ lẽ ra có thể nhanh hơn nếu hàng xóm không phàn nàn. Trước đó nhóm đã làm cây bút chì lớn nhất thế giới và thỏa mãn ước mơ của Furman khi làm con ngựa gỗ lớn nhất. Với người đàn ông này, dường như chẳng có gì là không thể. "Tôi thấy rằng thiền thực sự có tác dụng. Nếu anh đi sâu vào trong bản thân mình, anh có thể làm mọi thứ," Furman nói. Kỹ sư Yuyudhan Hoppe, 53 tuổi, người giám sát khía cạnh kỹ thuật của dự án vợt khổng lồ, nói rằng họ có thể tạo ra một cây vợt lớn hơn, nếu như không có một vấn đề mà ngay cả việc thiền cũng không giải quyết nổi: "Cây vợt này sẽ không vừa với khoảng sân của chúng tôi," ông nói. Video giới thiệu cây vợt khổng lồ.
Linh Vũ (Vietnam+)