Vụ bản quyền truyền hình: Đề nghị Bộ vào cuộc

Vụ tranh chấp bản quyền các giải bóng đá chuyên nghiệp tiếp tục nóng lên khi các bên đều có công văn đề nghị Bộ VH-TT-DL vào cuộc.
Ngày 4/1, AVG đã gửi văn bản số 02/TTAV-AV ngày 3/1/2012 đến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đề nghị Bộ kiểm tra, làm rõ những vấn đề liên quan đến bản hợp đồng Công ty Cổ phần Viễn thông và Truyền thông An Viên (AVG) đã ký với Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), nhằm có thông tin khách quan và chính xác cung cấp cho công luận.

Trước đó, AVG đã nhận được công văn của VFF làm rõ nội dung của Nghị quyết số 426/QN-LĐBĐVN, trong đó khẳng định việc VFF ủy quyền cho thành viên của VFF tổ chức thực hiện, quản lý tiêu chuẩn kỹ thuật của giải đấu cũng như quyền lợi nhà tài trợ giải, điều hành giải đấu là có điều kiện và cho đến thời điểm này các điều kiện đó vẫn chưa được đáp ứng, do vậy việc ủy quyền của VFF cho VPF là chưa đủ hiệu lực pháp lý.

VFF khẳng định: “Việc VPF không thừa nhận quyền sở hữu các giải đấu bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam của VFF như vừa qua là việc cố tình không hiểu các quy định tối thiểu cần thiết của pháp luật thể thao và Điều lệ của Liên đoàn cũng như không tôn trọng Liên đoàn Bóng đá Việt Nam. Thường trực Ban chấp hành VFF đề nghị Hội đồng quản trị VPF nghiêm túc rút kinh nghiệm về những phát biểu mang tính cá nhân của lãnh đạo VPF trên các phương tiện thông tin đại chúng đối với VFF trong thời gian qua.”

VFF yêu cầu trong khi chờ đợi để hoàn thành các thủ tục để VPF nhận quyền đầy đủ của VFF điều hành, quản lý và tổ chức thực hiện theo sự chỉ đạo thống nhất của VFF đối với các giải bóng đá chuyên nghiệp, VPF phải thực hiện theo đúng chỉ đạo, hướng dẫn của VFF, nhất là trong các trường hợp có vướng mắc phát sinh - văn bản của VFF nêu rõ.

Ông Hoàng Xuân Bắc, Phó Giám đốc AVG cho biết: “Văn bản số 426/QN-LĐBĐVN của Ban chấp hành Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đã thể hiện rõ sự hiểu biết và thái độ tôn trọng pháp luật, cũng như tôn trọng bản hợp đồng đã ký giữa VFF và AVG.”

Ông Bắc cho biết thêm, văn bản mà AVG trình lên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch còn có một số kiến nghị quan trọng, trong đó có việc AVG cam kết sẵn sàng bỏ chi phí cần thiết để thuê chuyên gia nước ngoài tư vấn cho việc xây dựng các kế hoạch và đề xuất các giải pháp cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, VFF trong việc nâng cao chất lượng bóng đá Việt Nam.

Trước đó, trong ngày 4/1 thì VPF cũng đã gửi công văn liên bộ, đề nghị xem xét tính hợp pháp của hợp đồng bản quyền truyền hình giữa VFF và AVG. VPF cho rằng VFF và AVG đã vi phạm luật khi ký hợp đồng bản quyền truyền hình. Bởi khoản 2 Điều 53 Luật thể thao và Điều 12 Nghị định 112, quy định quyền sở hữu bản quyền truyền hình các giải đấu bóng đá chuyên nghiệp thuộc về VFF và các CLB bóng đá chuyên nghiệp. Nhưng thực tế khi ký hợp đồng nói trên VFF chưa có được sự đồng ý của người có thẩm quyền của các CLB bóng đá chuyên nghiệp về việc ủy quyền cho VFF đại diện các CLB đàm phán, ký kết Hợp đồng chuyển nhượng bản quyền truyền hình các giải thi đấu bóng đá chuyên nghiệp./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục