Vụ bê bối Quỹ Đầu tư 1MDB gây chấn động giới tài chính như thế nào?

Quỹ 1MDB của Malaysia đã huy động được khoảng 8 tỷ USD thông qua việc bán trái phiếu, tuy nhiên, Mỹ cho rằng hơn một nửa số tiền này đã bị bòn rút.
Vụ bê bối Quỹ Đầu tư 1MDB gây chấn động giới tài chính như thế nào? ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Malaysia đang tiếp tục tổ chức xét xử các cá nhân liên quan tới Quỹ đầu tư 1MDB.

Trung tâm của vụ bê bối, trùm tài phiệt Jho Low phải đối diện với nhiều cáo buộc của Mỹ và Malaysia.

Vụ bê bối này là một trong những nguyên nhân khiến cựu Thủ tướng Malaysia Najib Razak thất bại trong cuộc bầu cử năm 2018 và hiện đang bị cáo buộc và xét xử với bốn tội danh về lạm dụng chức quyền và 21 tội danh liên quan đến rửa tiền.

Nhóm tác giả Shamim Adam, Laurence Arnold và Yudith Ho đã có bài viết đăng trên Bloomberg phân tích về tác động của vụ việc tới giới tài chính toàn cầu. Sau đây là nội dung bài viết:

Quỹ đầu tư 1MDB thuộc sở hữu nhà nước của Malaysia được thành lập nhằm mục đích thúc đẩy sự phát triển. Tuy nhiên, trên thực tế, nó lại làm dấy lên các cuộc điều tra trên khắp thế giới và thu hút rất nhiều sự chú ý về các thỏa thuận được ký kết, chi tiêu cho bầu cử và bảo trợ chính trị dưới thời cựu Thủ tướng Najib Razak.

Các số liệu đều rất đáng ngờ. Quỹ 1MDB đã huy động được khoảng 8 tỷ USD thông qua việc bán trái phiếu. Tuy nhiên, Mỹ cho rằng hơn một nửa số tiền này đã bị bòn rút.

[Malaysia đề nghị Mỹ trả 1 tỷ USD thu từ nhà tài phiệt bỏ trốn Jho Low]

Các cử tri tức giận đã lật đổ ông Najib trong cuộc bầu cử năm 2018, qua đó chấm dứt 61 năm cầm quyền của đảng ông. Một loạt các phiên tòa xét xử án tham nhũng và các cáo buộc khác đã bắt đầu ở Malaysia và các công tố viên Mỹ cho rằng có ít nhất ba cán bộ ngân hàng cấp cao liên quan thuộc tập đoàn Goldman Sachs Group Inc., một trong số họ thừa nhận đã nhận hối lộ.

Malaysia cũng đã khởi tố hình sự đối với ngân hàng của Mỹ cùng một số nhân viên và cựu nhân viên ngân hàng.

1MDB là gì?

Công ty đầu tư và phát triển 1Malaysia (1MDB) là một công ty đầu tư của Chính phủ được thành lập vào năm 2009 dưới thời Thủ tướng Najib, kiêm lãnh đạo ban cố vấn. Những ý tưởng ban đầu của công ty bao gồm việc mua lại các nhà máy điện thuộc sở hữu tư nhân và lập quy hoạch cho một khu tài chính mới ở thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia. Trên thực tế, công ty này đã vay nợ nhiều hơn là thu hút những khoản đầu tư lớn từ nước ngoài, với khoản nợ tổng cộng lên đến 12 tỷ USD.

Phần lớn số tiền huy động được cho là đã bị tham ô. Bộ Tư pháp Mỹ cho biết hơn 4,5 tỷ USD chảy từ quỹ này qua các công ty bình phong để hối lộ cho các quan chức và những người thân cận của họ.

Theo cáo trạng của Mỹ, một nhóm người Malaysia do doanh nhân Low Taek Jho (được biết đến với cái tên Jho Low) đã chuyển tiền từ 1MDB vào tài khoản cá nhân được ngụy trang như các doanh nghiệp hợp pháp và từ đó chuyển cho các quan chức.

Rất nhiều câu hỏi được đặt ra về khoản tiền 681 triệu USD được chuyển vào tài khoản ngân hàng cá nhân của Tổng thống Najib.

Tổng chưởng lý của Malaysia đã gạt bỏ cáo buộc về những hành động phạm pháp của Tổng thống Najib vào năm 2016. Tuy nhiên, sau khi thất bại trong cuộc bầu cử, ông Najib bị buộc tội 42 vụ tham nhũng, thiếu trách nhiệm và rửa tiền.

Ông Najib không nhận tội và nói rằng hầu hết số tiền 681 triệu USD đã được hoàn trả lại. Phiên toà xét xử đầu tiên đã diễn ra vào tháng Tư, và sau đó là vào tháng Tám. Jho Low đã chạy trốn và phủ nhận mọi hành động phạm pháp.

Vụ bê bối Quỹ Đầu tư 1MDB gây chấn động giới tài chính như thế nào? ảnh 2Nhà tài phiệt Jho Low. (Nguồn: The Star)

Số tiền đang ở đâu?

Số tiền nằm rải rác ở nhiều nơi. Thủ tướng Mahathir Mohamad cho biết Malaysia đang tìm cách đòi bồi thường 7 tỷ USD, trong khi Bộ trưởng Tài chính của ông cho biết Bộ sẽ cân nhắc việc ngừng khởi kiện Tập đoàn Goldman Sachs để đổi lại 7,5 tỷ USD cho “đền bù và bồi thường.”

Khoản tiền này bao gồm các khoản phí từ Goldman Sachs, với 593 triệu USD để giúp 1MDB thu được 6,5 tỷ USD từ ba đợt bán trái phiếu trong năm 2012 và 2013 - vượt xa những gì các ngân hàng thường đạt được từ các giao dịch tương tự.

Theo một số nguồn tin, các nhà đàm phán Malaysia đang xem xét chốt khoản tiền đền bù là 2-3 tỷ USD. Mỹ đang tìm cách thu lại (thay mặt Malaysia) khoảng 1,7 tỷ USD tài sản bị cáo buộc mua bất hợp pháp, bao gồm một phi cơ riêng, các tác phẩm nghệ thuật của Picasso và Monet, một biệt thự ở Los Angeles trị giá 39 triệu USD và cổ phần khách sạn Park Lane ở New York.

Các quan chức cũng đã đạt được một thỏa thuận trị giá 60 triệu USD với các nhà sản xuất bộ phim "The Wolf of Wall Street" (tạm dịch là Sói già phố Wall), một bộ phim sản xuất năm 2013 được cho là sử dụng tiền bòn rút.

Công ty sản xuất được đồng sáng lập bởi Riza Aziz, con riêng của ông Najib và một người bạn của Jho Low. Malaysia đã bán siêu du thuyền của Jho Low bị tịch thu ở Bali với giá 126 triệu USD, và họ đang tiếp tục truy tìm các tài sản khác của gia đình Jho Low.

Singapore đang hoàn trả lại 35 triệu SGD (26 triệu USD) do Roger Ng - cựu nhân viên ngân hàng Goldman Sachs - làm giả mạo.

Những cuộc điều tra tại ít nhất 10 quốc gia đã tập trung vào các vụ tham ô hoặc rửa tiền có thể xảy ra. Theo Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), một số nhân chứng tiềm năng không dám tiết lộ thông tin vì họ sợ bị trả thù. Singapore và Thụy Sĩ đã phạt một số ngân hàng vì những sai sót trong lĩnh vực kiểm soát chống rửa tiền.

Malaysia cũng cho biết họ đang xem xét các cáo buộc cho rằng Trung Quốc đã đề nghị giúp đỡ 1MDB thoát được các cuộc điều tra ở Mỹ và các nơi khác để đổi lấy cổ phần trong các dự án cơ sở hạ tầng ở Malaysia.

Một cựu trợ lý của ông Najib đã đứng ra làm chứng và nói rằng cựu thủ tướng đã cung cấp các dự án cho Trung Quốc để đổi lấy sự giúp đỡ để giải quyết khoản nợ của 1MDB.

Những người liên quan

Jho Low cho biết ông đã làm công việc tư vấn cho 1MDB, được các công tố viên Mỹ miêu tả là nhân vật có vai trò trung tâm trong việc thành lập các công ty mạo danh để bòn rút tiền từ quỹ và thực hiện các giao dịch rút tiền để hối lộ và dùng cho những khoản chi tiêu xa hoa của mình.

Ông ta đã bị buộc tội dù không có mặt ở Malaysia về tội rửa tiền và các hành vi phạm tội khác. Vào tháng Chín, cảnh sát Malaysia cho hay họ đã xác định được vị trí của ông và sẽ thực hiện việc dẫn độ vào cuối năm.

Tim Leissner, cựu Chủ tịch phụ trách khu vực Đông Nam Á của Goldman Sachs, đã nhận tội đối với các cáo buộc của Mỹ bao gồm cả âm mưu rửa tiền và thừa nhận việc hối lộ các quan chức ở Malaysia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) để có được các hợp đồng trái phiếu cho Goldman Sachs.

Ông đã đồng ý bồi hoàn 43,7 triệu USD trước khi bị tuyên án. Roger Ng đã bị dẫn độ từ Malaysia sang Mỹ để đối mặt với cáo buộc tương tự. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã cấm cả hai người này hoạt động trong lĩnh vực tài chính.

Malaysia đã khởi tố hình sự đối với ba đơn vị của Goldman Sachs, cáo buộc ngân hàng cố ý xuyên tạc với các nhà đầu tư rằng ba khoản thu từ bán trái phiếu của 1MDB sẽ được sử dụng cho những mục đích hợp pháp, trong khi ngân hàng này biết rằng số tiền sẽ bị tham ô.

Goldman Sachs đã đổ lỗi cho các nhân viên lừa đảo vì bất kỳ hành vi sai trái nào, và nói rằng họ sẽ tự bảo vệ mình một cách mạnh mẽ. Malaysia cũng đã khởi tố hình sự với 17 nhân viên và cựu nhân viên Goldman Sachs.

Malaysia đã đưa ra các cáo buộc vi phạm luật chứng khoán đối với Leissner, Ng, Jho Low và cựu luật sư của 1MDB - Jasmine Loo Ai Swan. Cựu Chủ tịch 1MDB Arul Kanda đã bị buộc tội cùng với ông Najib vì những cáo buộc về việc giả mạo báo cáo kiểm toán quỹ. Cả hai người đã phủ nhận hành vi sai trái của mình.

Rosmah Mansor, vợ của ông Najib, cũng bị buộc tội. Các món đồ xa xỉ và tiền mặt bị thu giữ từ các khu bất động sản liên quan đến cặp vợ chồng đầu tiên trước đây được định giá khoảng 1,1 tỷ ringgit (265 triệu USD).

Vụ bê bối Quỹ Đầu tư 1MDB gây chấn động giới tài chính như thế nào? ảnh 3Bà Rosmah Mansor - vợ của cựu Thủ tướng Malaysia Najib Razak. (Nguồn: Getty Images)

Theo các công tố viên Mỹ, vào năm 2013, Jho Low bị cáo buộc đã chuyển 27,3 triệu USD bòn rút được từ 1MDB cho một thợ kim hoàn ở New York, người đã thiết kế một chiếc vòng đeo cổ bằng kim cương màu hồng cho bà.

Cùng với việc hối lộ các quan chức để có được các giao dịch trái phiếu, Leissner thừa nhận ở Mỹ rằng ông và những người khác đã sắp xếp việc gây quỹ từ các khoản bán trái phiếu vì nó sẽ tạo ra nguồn thu cao hơn cho ngân hàng. Các công tố viên khẳng định rằng ngoài Leissner, một số nhân viên tại Goldman Sachs biết về kế hoạch hối lộ, nhưng đã cố tình che giấu khỏi các bộ phận pháp lý của công ty.

Singapore được cho là đã mở rộng một cuộc điều tra tội phạm để điều tra Goldman Sachs, hai quỹ của Abu Dhabi đã khởi kiện Goldman Sachs ở New York để đòi bồi thường thiệt hại vì cáo buộc gian lận liên quan đến các vụ tham ô tại 1MDB, và một nhân viên của Bộ Tư pháp đã nhận tội chuyển tiền vào Mỹ để trả tiền cho nỗ lực vận động hành lang nhằm gây ảnh hưởng đến cuộc điều tra 1MDB, trong đó vụ kiện nhằm xác định nguồn của quỹ là Jho Low.

Tổng cộng, 1MDB đã huy động được hơn 8 tỷ USD doanh số trái phiếu và tích lũy khoản nợ lên đến hàng tỷ USD thông qua các khoản vay và thanh toán lãi. Các nhà điều tra Thụy Sĩ cho biết khoảng 7 tỷ USD của quỹ 1MDB được chuyển vào hệ thống tài chính toàn cầu từ năm 2009 đến 2015.

Hiện tại họ vẫn đang đánh giá số tiền bị chiếm dụng. Một số dự án 1MDB vẫn đang được triển khai dưới thời chính phủ mới, bao gồm kế hoạch xây dựng một khu tài chính mới và một trung tâm vận chuyển và tài sản trị giá 34 tỷ USD. Quy mô của 1MDB đã bị giảm rất nhiều sau khi Bộ tài chính tiếp quản khối tài sản và khoản nợ.

Tác động của vụ việc

Các nhà chức trách ở châu Á, Mỹ và châu Âu đã tiến hành phối hợp điều tra dòng tiền từ 1MDB, cũng như áp dụng các biện pháp pháp lý đối với Goldman Sachs và thu hồi tài sản. Kết quả điều tra của họ sẽ giúp xác định và xử lý các kẽ hở trong hệ thống tài chính toàn cầu dẫn đến tham nhũng.

Văn phòng Tổng chưởng lý Thụy Sĩ tiếp tục điều tra sáu người vì nghi ngờ dính líu các hoạt động tham ô, hối lộ và rửa tiền liên quan đến vụ án. Các công tố viên hàng đầu của Thụy Sĩ cũng đã khởi tố hình sự đối với hai ngân hàng Thụy Sỹ là Falcon Private Bank Ltd. và BSI SA, vì những thiếu sót trong tổ chức dẫn đến hành vi phạm tội hiện đang bị điều tra.

Ngân hàng tư nhân Falcon có trụ sở tại Zurich, có liên quan đến khoản tiền 3,8 tỷ USD từ dòng tiền của 1MDB đã được lệnh ngừng hoạt động tại Singapore. Thụy Sĩ dọa sẽ thu hồi giấy phép kinh doanh nếu có thêm bất kỳ vi phạm nào liên quan đến hoạt động rửa tiền.

Cơ quan quản lý tài chính của Thụy Sĩ cho biết họ sẽ xem xét các biện pháp kiểm soát chống rửa tiền của JPMorgan Chase & Co. sau khi phát hiện ngân hàng này vi phạm nghiêm trọng các quy định trong giao dịch với 1MDB. BSI đã bị thu hồi giấy phép kinh doanh tại Singapore do vi phạm quy định về rửa tiền.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Malaysia Muhammad Ibrahim đã từ chức năm 2018 trong bối cảnh có rất nhiều nghi vấn liên quan đến vai trò của cơ quan quản lý tiền tệ này trong một thỏa thuận mua bất động sản liên quan đến 1MDB. Cơ quan quản lý tiền tệ này đã tiến hành đánh giá thỏa thuận này.

Tập đoàn UBS, tập đoàn DBS, Credit Suisse, ngân hàng United Overseas Bank và Standard Chartered cùng nhiều đơn vị khác đã phải chịu án phạt từ Cơ quan Quản lý Tiền tệ Singapore do những sai phạm trong hoạt động chống rửa tiền. Họ cam kết sẽ tăng cường kiểm soát các hoạt động kinh doanh của mình. Singapore đã cấm ít nhất tám chuyên gia tài chính có liên quan đến 1MDB./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục