Vũ khí Đức “tung hoành"

Vũ khí của Đức “tung hoành" tại 40 điểm nóng

Súng lục Walter-P1 mà quân đội Đức cung cấp riêng cho cảnh sát của chính quyền Kabul đã bị tuồn ra chợ đen Afghanistan và Pakistan.
Súng lục Walter-P1 mà quân đội Đức cung cấp riêng cho lực lượng cảnh sát của chính quyền Kabul đã bị tuồn ra chợ đen Afghanistan và Pakistan. Thông tin này khiến phe đối lập ở Đức lo ngại và lên tiếng đòi siết chặt kiểm tra việc xuất khẩu vũ khí.

Súng “Made in Germany” đắt hàng

Vũ khí Đức được chở đến các điểm nóng của thế giới hoàn toàn hợp pháp và không vấp phải trở ngại gì. Chúng được cung cấp bởi hãng Heckler & Koch. Đây là một trong 5 nhà sản xuất vũ khí hạng nhẹ lớn nhất thế giới.

Năm nay hãng này dự kiến bán ra một lượng vũ khí trị giá 200 triệu euro. Súng trường tự động, chẳng hạn như loại G36, và súng lục của Heckler & Koch bán rất chạy trên thị trường thế giới do chất lượng đảm bảo cộng với độ chính xác cao.

Theo các chuyên gia, vũ khí của Đức hiện có mặt ở 40 điểm nóng trên thế giới. Có nhiều người tỏ ra lo ngại trước thực tế này nhưng đối với nhà máy sản xuất vũ khí đóng ở thị trấn Oberhof, vùng Schwarzwald, thì đây là một thành công về mặt kinh tế.

Martin Lemperle, nhà quản lý của Heckler & Koch, đã tự hào khoe với Bộ trưởng Quốc phòng Đức Franz Josef Jung về các xưởng sản xuất và kho vũ khí khi ông này đến thăm hãng. Còn có hay không chuyện sản phẩm của Heckler & Koch rơi vào tay bọn khủng bố hoặc các tổ chức tội phạm thì Lemperle chẳng quan tâm.

Cổ đông chính của Heckler & Koch, ông Andreas Heeschen, cho biết: “Phần lớn sản phẩm của chúng tôi dành cho xuất khẩu. Doanh thu của hãng năm ngoái đạt 181 triệu euro, còn năm nay dự kiến tăng lên thành 200 triệu euro”.

Heckler & Koch hiện tại có gần 660 nhân viên và đã nhiều thập kỷ nay là nhà cung cấp vũ khí chính cho quân đội Đức. Hiện tại, Heckler & Koch còn thực hiện hợp đồng sản xuất vũ khí cho Na Uy, Anh và Hy Lạp. Họ cũng hy vọng sẽ được dự phần tái trang bị súng ống cho quân đội Pháp. Nếu như năm 2006, doanh nghiệp này bị lỗ chút ít thì đến năm 2008 đã lãi 12 triệu euro. Hơn nữa, đơn đặt hàng của khách đủ để hãng có đủ việc làm trong vòng 5-10 năm tới.

Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu chẳng những không tác động xấu tới hoạt động của Heckler & Koch mà ngược lại, khủng hoảng khiến cho giá trị các khoản tín dụng đã vay giảm xuống và điều này có lợi cho người vay. Nguồn cung cấp nhân lực cho các nhà máy sản xuất vũ khí cũng bớt căng thẳng hơn trước.

Những con số đáng sợ

Ông Juergen Grasslin, người theo chủ nghĩa hòa bình và chống lại việc sản xuất vũ khí, cho biết: “Theo các chuyên gia, trên thế giới cứ 14 phút lại có một người bị súng do Heckler & Koch sản xuất bắn chết”.

Trong khi đó súng trường tự động G36 vẫn là loại hàng hóa rất được ưa chuộng trên thị trường vũ khí thế giới. Kiểu súng này có độ chính xác cao đến mức những tân binh vụng về cũng dễ dàng bắn hạ kẻ thù.

Về mặt chính thức thì G36 chỉ được xuất sang các nước NATO. Năm 1998, Tây Ban Nha nhận được giấy phép mua súng trường tự động của Heckler & Koch. Ngoài ra, có một cơ sở tại Mexico đã được cấp giấy phép sản xuất G36.

Ông Grasslin bất bình: “Vậy mà các nhà chức trách ở Đức không hề công khai thông báo về điều này cho công luận biết. Do các quy định về kiểm soát  đối với việc xuất khẩu vũ khí ở Đức lỏng lẻo nên sản phẩm của Heckler & Koch dễ dàng đi chệch địa chỉ đã định và rơi vào các điểm nóng của thế giới”.

Trong những năm tới, Heckler & Koch có ý định giữ nguyên sản lượng vũ khí như các năm qua. Andreas Heeschen giải thích rằng hướng đi chính của hãng trong thời gian tới không phải là mở rộng sản xuất mà chú trọng vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm.

Đảng Xanh đối lập đã lên tiếng đòi chính phủ Đức phải đề ra những quy định khắt khe hơn đối với việc xuất khẩu vũ khí. Đảng này cũng phê phán việc cung cấp vũ khí của Đức tới những khu vực khủng hoảng như Ấn Độ, Pakistan và các nước Trung Đông. Theo họ, cần phải tạo ra tính minh bạch trong việc xuất khẩu vũ khí và có sự kiểm soát từ phía Quốc hội.

Theo tờ Deutsche Welle, Đức là nước đứng thứ ba, sau Mỹ và Nga, về xuất khẩu vũ khí. Việc bán vũ khí ra nước ngoài mỗi năm mang lại cho ngân sách nước này gần 10 tỷ euro. Việc tăng lượng xuất khẩu vũ khí cũng có nghĩa là ngân sách quốc phòng của Đức tăng theo.

Theo Viện Nghiên cứu các vấn đề thế giới Stockholm, chi phí cho quốc phòng trên thế giới mỗi năm một tăng, năm ngoái đạt con số kỷ lục là gần 900 tỷ euro. Khoảng một nửa con số nói trên thuộc về Mỹ.

Sau vụ 11/9, nước này đã tăng ngân sách quân sự lên 59% nhằm thực hiện cuộc chiến ở Iraq và chống khủng bố quốc tế. Sau Mỹ là Anh, Trung Quốc, Pháp. Đức đứng thứ sáu, còn Nga xếp thứ bảy./.

(TT&VH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục