Vũ khí giúp Trung Quốc soán ngôi Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương

Sức mạnh kinh tế là thứ mua được ảnh hưởng nhiều nhất, và chính tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Trung Quốc đang "soán ngôi" Mỹ về tầm ảnh hưởng.
Vũ khí giúp Trung Quốc soán ngôi Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Trang mạng The Hill đưa tin tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Mỹ nhận được sự ủng hộ nhiều hơn so với Trung Quốc và có mối quan hệ an ninh sâu sắc hơn với các nước ở khu vực này.

Tuy nhiên, rốt cục thì sức mạnh kinh tế lại là thứ mua được ảnh hưởng nhiều nhất, và chính tại khu vực này Trung Quốc đang "soán ngôi" Mỹ về tầm ảnh hưởng.

Năm 2000, trao đổi thương mại của Mỹ với châu Á nhiều hơn 50% so với tổng thương mại toàn cầu của Trung Quốc.

Ngày nay, quốc gia duy nhất ở châu Á-Thái Bình Dương có trao đổi thương mại với Mỹ nhiều hơn so với Trung Quốc là đất nước Bhutan nhỏ bé.

[Sức ép kinh tế - biện pháp gây áp lực "ưa thích" của Mỹ và Trung Quốc]

Mặc dù dư luận rất hoan nghênh trọng tâm của Tổng thống Mỹ đắc cử Joe Biden, dó là tái thiết lập các liên minh, song chính sách của Mỹ dưới thời chính quyền sắp tới của ông Biden phải tập trung vào việc khôi phục tầm ảnh hưởng kinh tế của Mỹ ở châu Á nếu nước này muốn duy trì ảnh hưởng về lâu dài.

Trong một tuyên bố hôm 24/11, ông Biden nêu rõ: "Nước Mỹ đã trở lại, sẵn sàng dẫn đầu thế giới, chắc chắn sẽ giúp trấn an những người cảm thấy rằng đất nước đã tụt lùi một cách không cần thiết khỏi sân khấu toàn cầu trong những năm gần đây."

Ông Biden cũng nói rằng Mỹ sẽ sớm "tái khẳng định vai trò lịch sử của mình với tư cách là một nhà lãnh đạo toàn cầu."

Điều này nói thì dễ hơn làm, đặc biệt là ở châu Á. Mặc dù nhận được nhiều sự ủng hộ và có sức mạnh quân sự tại châu Á, song Mỹ có nguy cơ bị "gạt ra rìa" trong dài hạn vì sức mạnh kinh tế của Mỹ bị suy giảm so với Trung Quốc, trong bối cảnh sức mạnh kinh tế được coi là đòn bẩy ảnh hưởng quan trọng nhất trong tất cả các đòn bẩy.

Bất kể những thăng trầm trong 4 năm qua, Mỹ vẫn là cường quốc bên ngoài được yêu thích trong khu vực.

Theo nghiên cứu của Pew, 64% số người được hỏi ý kiến ở 6 quốc gia châu Á có quan điểm ủng hộ Mỹ, trong đó, tỷ lệ người yêu mến Mỹ cao nhất là ở Hàn Quốc và Philippines.

Ngược lại, Trung Quốc bị nhiều người nhìn nhận tiêu cực. 81% người Australia, 75% người Hàn Quốc và 86% người Nhật Bản đánh giá tiêu cực về Trung Quốc; chỉ 34% số người được khảo sát ở châu Á có quan điểm tích cực về Trung Quốc.

Tiếp đó là vấn đề phòng thủ. Trung Quốc có thể có hạm đội lớn nhất thế giới và một loạt vũ khí mới, nhưng ở châu Á và Thái Bình Dương, Mỹ vẫn chiếm ưu thế quân sự, ít nhất là nhờ các mối quan hệ lên minh rộng rãi với các nước trong khu vực.

Ngay cả Ấn Độ, một quốc gia có nguyên tắc không liên kết, cũng đã ký một thỏa thuận quốc phòng với Mỹ do lo ngại về những ý định của Bắc Kinh sau vụ đụng độ biên giới gây chết người hồi tháng 5/2020.

Tuy nhiên, về lâu dài, cái nhìn tích cực của các nước trong khu vực dành cho Mỹ và sức mạnh quân sự của nước này ở khu vực không thể sánh được với sức mạnh kinh tế vì 2 lý do.

Thứ nhất, như Tổng thống Donald Trump đã ám chỉ, các mối quan hệ an ninh có thể bị phá vỡ.

Thứ hai, như châu Á đã chứng kiến tận mắt trong nửa thế kỷ qua, cải thiện kinh tế là cách để các nhà lãnh đạo đưa người dân thoát khỏi đói nghèo, đáp ứng khát vọng cuộc sống và củng cố sức mạnh quốc gia nói chung.

Thế nhưng, thật không may cho Mỹ, nước này đang thua trong cuộc chiến sức mạnh kinh tế ở châu Á. Điều này đặc biệt đúng khi nói đến vấn đề thương mại.

Dữ liệu từ Ngân hàng Thế giới cho thấy vào năm 2000, kim ngạch thương mại của Mỹ với châu Á trị giá 703,4 tỷ USD, cao hơn 50% so với con số tổng thương mại toàn cầu của Trung Quốc cùng năm đó là 474,3 tỷ USD.

Đồng thời, Mỹ là đối tác thương mại chủ đạo của 80% các nước trên thế giới, bao gồm hầu hết các quốc gia ở châu Á, ngoại trừ Iran và một số quốc gia Trung Á. Thế nhưng, ngày nay, vị thế thương mại này của Mỹ đã gần như bị đảo ngược hoàn toàn.

Trung Quốc đã vượt qua đối thủ chiến lược của mình xét trên tổng thương mại toàn cầu, từ 4.600 tỷ USD lên 4.300 tỷ USD kể từ năm 2018 và đã "soán ngôi" Mỹ trở thành đối tác thương mại chủ chốt tại 128 quốc gia trong tổng số 190 quốc gia được khảo sát.

Đó là quy mô cho thấy sự đảo ngược giữa hai cường quốc mà đến năm 2018, quốc gia duy nhất mà Mỹ vẫn duy trì được vai trò thống trị về thương mại ở châu Á là Bhutan, một vương quốc xa xôi trên dãy Himalaya với dân số chưa đầy 1 triệu người.

Giờ đây, Trung Quốc đang tìm cách củng cố vị thế thống trị này. Ngày 15/11 vừa qua, Trung Quốc và 14 quốc gia châu Á-Thái Bình Dương khác, chiếm 2,2 tỷ dân và 30% sản lượng kinh tế thế giới - đã ký Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).

Mặc dù phạm vi của hiệp định này bị hạn chế và một số ý kiến cho rằng đây không phải là một hiệp định thương mại tự do đích thực, song RCEP vẫn sẽ giảm hoặc loại bỏ thuế quan đối với toàn bộ hàng hóa và dịch vụ.

Không có gì đáng ngạc nhiên, chỉ vài ngày sau khi RCEP ra đời, người thắng kẻ thua lớn nhất đã rõ ràng.

Như ghi nhận của giới quan sát, trong đó có những nhà quan sát thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), "người thắng" chính là Trung Quốc.

RCEP sẽ củng cố các mối quan hệ kinh tế của Bắc Kinh với các nước láng giềng, đưa các nước này tiến gần hơn đến quỹ đạo ảnh hưởng của Bắc Kinh và cho phép Trung Quốc có lợi thế nhiều hơn liên quan việc thiết lập các quy định và tiêu chuẩn.

Còn "kẻ thua" chính là Mỹ. Việc hầu hết các nước ký kết RCEP - trong đó có Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc, vốn đều là những đồng minh lâu đời của Mỹ - là một dấu hiệu chắc chắn cho thấy sức mạnh của Mỹ không còn như trước đây. Điều trớ trêu là con đường dẫn đến RCEP lại do chính Washington đặt ra.

Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là trọng tâm trong chiến lược “trục xoay sang châu Á” của Tổng thống Barack Obama với mục đích mở rộng xuất khẩu và đầu tư của Mỹ vào khu vực, theo đó giúp thúc đẩy lợi ích của Washington.

Khi Tổng thống Trump rút Mỹ khỏi hiệp định, điều này đã phát đi tính hiệu, dù chủ tâm hay không, rằng Washington không còn là đối tác thương mại đầy tham vọng mà khu vực mong muốn. Ở một mức độ nào đó, việc ra đời RCEP đã lấp đầy khoảng trống này.

Câu hỏi đặt ra lúc này là chính quyền mới của Mỹ dưới thời Biden có thể làm gì với RCEP.

Việc giành lại vị trí lãnh đạo kinh tế của Mỹ ở châu Á sẽ rất khó khăn do sự ra đời của RCEP và do ông Biden chưa có bất kỳ cam kết chắc chắn nào về việc tái gia nhập TPP hoặc Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình (CPTPP).

Điều này không có nghĩa là nước Mỹ sẽ mất đi vị thế lãnh đạo kinh tế của mình. Mỹ vẫn là nền kinh tế lớn nhất thế giới xét về những tiêu chí tuyệt đối và vẫn là nước nắm giữ những "quân át chủ bài" chiến lược ở châu Á-Thái Bình Dương mà về lý thuyết có thể sử dụng làm đòn bẩy để thúc đẩy sức mạnh kinh tế của Mỹ trong khu vực.

Tuy nhiên, Mỹ không còn nhiều thời gian. Với sức mạnh quân sự trong khu vực và sự ủng hộ của các nước đối với Mỹ, nếu Washington không quyết đoán tìm cách giành lại vị thế là đối tác thương mại hàng đầu ở châu Á và Thái Bình Dương, khi đó, như cách nói của ông Biden, tầm ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực có thể chỉ là giá trị lịch sử vĩnh viễn./. 

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục