Vụ khủng bố Brussels báo động hiểm họa từ thế hệ "thánh chiến" mới

Truyền thông Anh cho rằng loạt vụ tấn công xảy ra tại Brussels đã bộc lộ hiểm họa của một thế hệ "thánh chiến" châu Âu mới, được truyền cảm hứng từ tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Vụ khủng bố Brussels báo động hiểm họa từ thế hệ "thánh chiến" mới ảnh 1Bên trong sân bay Brussels sau khi xảy ra vụ đánh bom tự sát ngày 22/3. (Nguồn: Twitter)

Báo Thời báo Tài chính (Anh) ngày 22/3 cho rằng loạt vụ đánh bom liên hoàn​ xảy ra tại Brussels, nơi được coi là trái tim châu Âu, đã bộc lộ hiểm họa của một thế hệ "thánh chiến" mới, được truyền cảm hứng từ tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Báo dẫn một nguồn tin tình báo cao cấp của Anh nói rằng gần một nửa số công dân châu Âu từng tới Syria để gia nhập IS nay đã trở lại châu Âu.

Song, các vụ tấn công khủng bố xảy ra tại Paris (Pháp) tháng 11 năm ngoái và loạt vụ tấn công vừa xảy ra ở Brussels (Bỉ) cho thấy dường như các cơ quan an ninh châu Âu đã thất bại trong việc đối phó với hiểm họa u ám này.

Vụ tấn công ngày 22/3 tại sân bay Zaventem và ga tàu điện ngầm Maalbeek nằm ngay gần trụ sở Liên minh châu Âu cũng đặt ra các câu hỏi rằng liệu IS - hay một phong trào thánh chiến có liên kết chặt chẽ nào đó - có dính líu và tuyển mộ các nguồn lực của chúng ở châu Âu một cách bài bản hơn những gì các cơ quan an ninh biết đến hay không.

Thảm họa khủng bố xảy ra chỉ vài ngày sau khi cảnh sát Bỉ bắt được nghi can đầu sỏ của vụ khủng bố Paris Saleh Abdesalam cũng đặt ra nghi vấn liệu thủ phạm có thuộc mạng lưới của Abdesalam.

Nếu đúng thì nó cho thấy mạng lưới này lớn hơn người ta biết đến trước đó. Còn nếu không thì có phải thủ phạm thuộc một nhóm thánh chiến nào đó nằm ngoài tầm theo dõi của các cơ quan tình báo.

Theo số liệu mới nhất mà Trung tâm phân tích khủng bố của Pháp vừa công bố ngày 21/3, có 2.030 công dân Pháp, 1.600 công dân Anh, 800 công dân Đức và 534 công dân Bỉ đã bị lôi kéo rời châu Âu để tham gia các phong trào thánh chiến cực đoan./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục