Vụ lao động Việt bị đánh ở Algeria: Khó hồi hương vì phí bồi thường

Việc đưa lao động Việt Nam bị đánh tại Algeria về nước gặp nhiều khó khăn do chủ sử dụng yêu cầu người lao động phải bồi thường với mức cao, từ 3.000-4.000 USD/người
Vụ lao động Việt bị đánh ở Algeria: Khó hồi hương vì phí bồi thường ảnh 1Đại diện Công ty SIMCO Sông Đà gặp gỡ người lao động tại Algeria. (Ảnh: Cục Quản lý lao động ngoài nước)

Liên quan đến vụ việc 57 lao động của Công ty Simco Sông Đà (làm việc tại Algeria cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đông Nhất Giang Tô-Trung Quốc) bị hành hung, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội vừa có công văn số 4306/LĐTBXH-QLLĐNN gửi Đại sứ quán Việt Nam tại Algeria về việc hỗ trợ đưa lao động về nước.

Theo báo cáo của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, sau khi nhận được phản ánh về việc người lao động và chủ sử dụng lao động bất đồng về tiền lương dẫn tới một số lao động bị hành hung, Công ty Simco Sông Đà đã cử đại diện sang làm việc với chủ sử dụng lao động để có các biện pháp an toàn, thống nhất mức lương mới để người lao động tiếp tục làm việc, chữa trị kịp thời cho người lao động bị thương.

Tuy nhiên, mặc dù đã thống nhất mức lương mới nhưng phần lớn người lao động không muốn ở lại làm việc, kể cả phương án chuyển chủ sử dụng lao động khác. Chỉ 5 lao động đồng ý tiếp cho chủ sử dụng cũ ​với mức lương mới.

Hiện nay, Công ty Simco đang làm việc với chủ sử dụng lao động để đưa lao động về nước. Tuy nhiên, việc đưa lao động về nước gặp nhiều khó khăn do chủ sử dụng lao động yêu cầu người lao động phải bồi thường với mức cao, từ 3.000-4.000 USD/lao động.

Ngoài ra, visa nhập cảnh của người lao động đã gần hết hạn (thời hạn 3 tháng), nếu không được đổi sang giấy phép cư trú hoặc làm thủ tục về nước kịp thời thì người lao động có thể bị phạt và việc về nước sẽ còn khó khăn hơn.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề nghị Đại sự quán làm việc với các cơ quan chức năng của Algeria đề nghị can thiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho lao động ta được về nước nhanh chóng, tan toàn và giảm thiểu chi phí bồi thường hợp đồng.

Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng vừa có công văn yêu cầu Công ty Simco Sông Đà khẩn trương đàm phán với chủ sử dụng lao động để hoàn tất các thủ tục, đưa về nước các lao động có nhu cầu hồi hương, tránh để tình trạng kéo dài, có thể làm phức tạp thêm tình hình.

Đại diện Công ty Simco Sông Đà cũng phải thường xuyên báo cáo Đại sứ quán Việt Nam tại Algeria để Đại sứ quán ​có thể hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động nhanh chóng hoàn tất các thủ tục về nước.

Đồng thời công văn cũng yêu cầu công ty Simco Sông Đà cần chuẩn bị phương án thanh lý hợp đồng để chủ động làm việc với người lao động về nước, báo cáo Cục quản lý lao động ngoài nước phương án thanh lý hợp đồng nêu trên./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục