Vụ MH370 có yếu tố bí hiểm tương tự hai thảm kịch khác

Chuỗi sự kiện được hé lộ cho thấy vụ máy bay của Malaysia Airlines "có yếu tố bí hiểm tương tự" với 2 thảm kịch hàng không trước đây tại Indonesia và Ai Cập.
Vụ MH370 có yếu tố bí hiểm tương tự hai thảm kịch khác ảnh 1Máy bay của Không lực Hoàng gia Australia AP-3C Orion quay trở về căn cứ Pearce ở Bullsbrook, cách Perth khoảng 35km về phía bắc sau khi tham gia chiến dịch tìm kiếm máy bay mất tích, ngày 24/3. (Nguồn: AFP/ TTXVN)

Tân Hoa xã đưa tin, ngày 26/3, một chuyên gia an ninh hàng không của Ấn Độ nhận định thảm kịch của chiếc máy bay mất tích số hiệu MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines có điểm tương tự với 2 thảm kịch hàng không khác, trong đó các phi công của 2 máy bay này đã tự sát bằng cách lao máy bay xuống sông và xuống biển.

Trong một bài báo đăng trên nhật báo The Hindu, cơ trưởng A. Ranganathan, một cựu huấn luyện viên phi công đồng thời là chuyên gia về an toàn hàng không, cho rằng chuỗi sự kiện được hé lộ cho thấy "có yếu tố bí hiểm tương tự" với 2 thảm kịch hàng không trước đây tại Indonesia và Ai Cập, khi hai phi công tự sát.

Ngày 25/8/1999, chiếc máy bay mang số hiệu MI185 của hãng hàng không SilkAir của Indonesia đã lao xuống sông Musi ở Sumatra, mang theo sinh mạng của 104 người.

Indonesia kết luận "hành vi can thiệp trái luật của con người" có thể là nhân tố dẫn đến tai nạn của máy bay và giả thiết này đã được các điều tra viên Mỹ xác nhận.

Ngày 31/10/2009, máy bay 990 của hãng hàng không EgyptAir (Ai Cập) đã rơi xuống Đại Tây Dương khi phi công cố ý điều khiển máy bay lao xuống biển, làm 217 người trên máy bay thiệt mạng.

Theo ông Ranganathan, phi công phụ của máy bay mang số hiệu MH370 đã sát hại mọi người trên máy bay bằng cách giảm áp suất đột ngột, khiến họ bị "chết não" chỉ trong 15 giây, trong khi buồng lái có nguồn cung cấp oxy vô tận.

Trong tình huống này, viên phi công phụ đã cho máy bay đột ngột hạ thấp độ cao xuống 12.000 feet, khiến mọi người trên máy bay bị "chết não" và không ai có thể cản trở anh ta chuyển hướng máy bay, tương tự như tình huống chiếc máy bay UA93 của hãng hàng không United Airlines của Mỹ đã gặp phải trong vụ tấn công khủng bố 11/9/2001./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục