Vụ 'siêu lừa' Hà Thành: Thủ đoạn lắt léo, hệ lụy dai dẳng

Những hệ lụy từ hành vi phạm tội của "siêu lừa" Nguyễn Thị Hà Thành và các đồng phạm, những sai phạm của các cán bộ ngân hàng… trong vụ lừa đảo hơn 430 tỷ đồng sẽ còn dai dẳng.
Vụ 'siêu lừa' Hà Thành: Thủ đoạn lắt léo, hệ lụy dai dẳng ảnh 1Các bị cáo nghe tòa tuyên án. (Ảnh: TTXVN phát)

Phiên tòa xét xử sơ thẩm “siêu lừa” Nguyễn Thị Hà Thành và 25 đồng phạm trong vụ lừa đảo hơn 430 tỷ đồng của 3 ngân hàng (Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc Dân - NCB, Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Á - VietABank, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Chúng Việt Nam - PVcomBank) đã tạm khép lại, nhưng câu chuyện xung quanh vụ án vẫn đang là những chủ đề “nóng” thu hút sự quan tâm của giới chuyên gia và dư luận.

Thủ đoạn phạm tội lắt léo, sự tiếp tay tích cực của các cán bộ ngân hàng, mâu thuẫn quyền lợi chồng chéo giữa các bên tham gia tố tụng… là những vấn đề nổi bật, được tranh luận gay gắt, kéo dài trong suốt quá trình xét xử.

Có những nội dung “vô tiền khoáng hậu” mà trước đó các cơ quan tố tụng chưa từng giải quyết. Những phán quyết của vụ án này có thể sẽ tạo thành án lệ trong tương lai.

Sử dụng ngân hàng như công cụ tài chính

Bản án sơ thẩm của Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội nhận định Nguyễn Thị Hà Thành liên hệ được nhiều người đến ngân hàng gửi tiết kiệm với số tiền lớn để gửi đồng sở hữu với Thành hoặc cho Thành mượn sổ tiết kiệm.

Sau đó, Thành cầm cố những sổ tiết kiệm này, giả chữ ký của các chủ sổ tiết kiệm để vay tiền của ngân hàng nhằm chiếm đoạt tiền.

Bằng thủ đoạn đó, Thành cùng các đồng phạm đã nhiều lần thực hiện các hành vi vay, đảo nợ, lừa đảo chiếm đoạt tiền từ NCB, VietABank, PVcomBank và các cá nhân khác nhau.

Cụ thể, tại Ngân hàng NCB, từ ngày 18/6 đến 21/8/2018, Nguyễn Thị Hà Thành vay của ông Đặng Nghĩa Toàn 50 tỷ đồng bằng hình thức yêu cầu ông Toàn gửi tiền tiết kiệm thành nhiều sổ đứng tên hai vợ chồng ông Toàn vào Ngân hàng NCB rồi đưa sổ tiết kiệm cho Thành giữ.

Sau đó, Hà Thành cùng Nguyễn Thanh Tùng (Giám đốc Công ty Jeongho Lanmark) sử dụng tư cách pháp nhân Công ty Jeongho Landmark, lập khống các hợp đồng mua bán hàng hóa, các biên bản đối chiếu công nợ với các công ty khác và lợi dụng sự tin tưởng và thiếu trách nhiệm của nhân viên Ngân hàng NCB trong hoạt động cấp tín dụng, giải ngân, cả hai ký giả chữ ký của vợ chồng ông Toàn trên các chứng từ, chiếm đoạt của NCB 47,5 tỷ đồng.

Cũng với cách thức tương tự, tại PVcomBank, ngày 17/10/2018, Hà Thành vay của ông Đặng Nghĩa Toàn 52 tỷ đồng bằng hình thức yêu cầu ông Toàn gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng (gồm 3 sổ tiết kiệm đứng tên hai vợ chồng ông Toàn) rồi đưa sổ tiết kiệm cho Hà Thành giữ.

Sau đó, Hà Thành cùng Nguyễn Thanh Tùng dùng tư cách pháp nhân Công ty Jeongho Landmark, lập khống các hợp đồng mua bán hàng hóa, các biên bản đối chiếu công nợ với Công ty Hoàng Nguyên.

Lợi dụng sự tin tưởng và thiếu trách nhiệm của nhân viên Ngân hàng PVcomBank trong hoạt động thu thập hồ sơ, thẩm định cấp tín dụng và giải ngân, cả hai ký giả chữ ký, lăn giả dấu vân tay của vợ chồng ông Toàn trên chứng từ Hợp đồng cầm cố tiền gửi trong Hồ sơ cấp tín dụng, giải ngân ngày 17/10/2018, chiếm đoạt của ngân hàng này hơn 49,4 tỷ đồng.

Tương tự, tại VietABank, trong khoảng thời gian từ 5/6 đến 26/11/2018, Nguyễn Thị Hà Thành có hành vi vay tiền của nhiều cá nhân, sau đó câu kết với các cán bộ ngân hàng này để thực hiện lừa đảo, chiếm đoạt của ngân hàng số tiền hơn 273 tỷ đồng.

Nguyễn Thị Hà Thành và đồng phạm đã cấu kết với nhiều cán bộ ngân hàng giả mạo chữ ký hồ sơ của người gửi tiền để thực hiện 26 vụ lừa đảo, chiếm đoạt hơn 430 tỷ đồng của các Ngân hàng NCB, VietABank…

Trong số các bị cáo, Hà Thành giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu, gian dối ký giả các hợp đồng cầm cố tiền gửi, lập khống các hợp đồng kinh tế không có thật để ngân hàng tin tưởng cho vay tiền, sau đó trực tiếp sử dụng số tiền chiếm đoạt của ba ngân hàng NCB, PVC và VAB vào mục đích cá nhân.

Hà Thành đã dùng các ngân hàng như một công cụ tài chính để rút tiền dựa trên các tài sản đảm bảo là sổ tiết kiệm.

Tội phạm không thể hoàn thành nếu cán bộ ngân hàng không tiếp tay

Bản án sơ thẩm của Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội nhận định do làm ăn thua lỗ, Hà Thành đã vay tiền với lãi suất cao, lấy của người sau trả cho người trước, thành khách VIP của một số ngân hàng.

Tại phiên tòa, ông Đặng Nghĩa Toàn cho biết thấy Thành đi lại, chỉ đạo rút tiền tại ngân hàng như một lãnh đạo của ngân hàng.

Về phần mình, Thành nói với ông Toàn rằng có quan hệ xã giao với ngân hàng, nhưng không giới thiệu là nhân viên ngân hàng nào. Bản thân các nhân viên ngân hàng cũng phải chăm sóc Thành như khách VIP, Thành được ngồi trong phòng họp để ký mà không phải ra quầy giao dịch theo quy định của ngân hàng.

Các thủ tục liên quan đến hồ sơ vay vốn của Thành được cán bộ ngân hàng đặc cách, không phải thực hiện theo quy định, không cần phải chủ sổ tiết kiệm đến ký trực tiếp mà chỉ cần so chữ ký trên các giấy tờ giống nhau là được duyệt…

Vụ 'siêu lừa' Hà Thành: Thủ đoạn lắt léo, hệ lụy dai dẳng ảnh 2Hội đồng xét xử tuyên án. (Ảnh: TTXVN phát)

Cơ quan tố tụng xác định hồ sơ cho vay của Thành thuộc trường hợp cấp tín dụng không có bảo đảm (do người có tài sản bảo đảm không đồng ý bảo đảm cho khoản vay). Hành vi của các cán bộ tín dụng vi phạm quy định của pháp luật về điều kiện cấp tín dụng, không thực hiện đúng quy trình thẩm định cấp tín dụng và giải ngân của ngân hàng.

17 cựu cán bộ ngân hàng NCB, VietABank và PVcomBank bị xác định là đã tiếp tay Hà Thành lập các sổ tiết kiệm đồng sở hữu với khách hàng khác, hứa trả lãi ngoài cao cho họ. Sau đó, Hà Thành giả mạo chữ ký các đồng sở hữu để cầm cố, vay tiền ngân hàng.

Cụ thể, tại NCB, Nguyễn Hồng Trung (Trưởng nhóm quan hệ khách hàng doanh nghiệp) khi thu thập, thẩm định hồ sơ chứng minh mục đích sử dụng vốn vay đã không gặp khách hàng (Giám đốc Công ty Jeongho Landmark), không gặp chủ sở hữu tài sản bảo đảm (ông Đặng Nghĩa Toàn, bà Tạ Thị Thu Trang) và các bên liên quan (Công ty Eurocell đã bị thu hồi đăng ký kinh doanh) để tìm hiểu về mối quan hệ với Công ty Jeongho Landmark, không thẩm định chủ sở hữu có đồng ý dùng tài sản của mình để bảo đảm cho khoản vay của Công ty Jeongho Landmark không, không chứng kiến ông Toàn, bà Trang ký trên “Biên bản giao nhận hồ sơ tài sản đảm bảo”… nên Trung không phát hiện chữ ký của ông Toàn, bà Trang bị Thành và Tùng ký giả, không phát hiện ra Công ty Eurocell đã chấm dứt hoạt động từ 2017.

Trung không biết ông Toàn, bà Trang có đồng ý dùng sổ tiết kiệm bảo đảm cho khoản vay của Công ty Jeongho Landmark tại NCB nhưng vẫn lập Tờ trình thẩm định tín dụng và Tờ trình giải ngân đề xuất lãnh đạo NCB cấp tín dụng cho Công ty này số tiền 47,5 tỷ đồng.

Cấp trên của Trung, bị cáo Trần Thị Hoa (Phó Giám đốc NCB chi nhánh Hà Nội kiêm Giám đốc điều hành khu vực Tây Hà Nội) đã duyệt cấp tín dụng 2 khoản cho Thành vay với tổng số tiền 38 tỷ đồng mà bỏ qua cấp kiểm soát. Cả Trung và Hoa không phát hiện ra Công ty Eurocell đã chấm dứt hoạt động từ năm 2017.

Hoa đã duyệt đề xuất của Trung qua email yêu cầu mở tài khoản cho Công ty Eurocell tại NCB (trong khi chưa đủ điều kiện mở tài khoản, chưa đủ điều kiện giải tỏa chiều đi theo quy định của NCB).

Đường dây cho vay lãi nặng

Tháng 6/2018, Nguyễn Thị Hà Thành có khoản vay 19 tỷ đồng đến ngày 15/6 phải đáo hạn nhưng Thành còn thiếu 12,3 tỷ đồng. Hà Thành đặt vấn đề với Nguyễn Hồng Trung (cán bộ NCB, phụ trách khoản vay này) xem có vay chỗ nào được tiền không và đồng ý trả lãi suất.

Trung đã nhờ Phạm Thế Tuấn (cũng là cán bộ NCB, là cấp dưới của Trần Thị Hoa). Tuấn gặp Nguyễn Thị Hồng Hạnh và Triệu Đình Hoan (đều là bị cáo trong vụ án) để đặt vấn đề vay tiền đáo hạn ngân hàng. Hoan đồng ý cho Hà Thành vay tiền với điều kiện Trần Thị Hoa phải bảo đảm các khoản vay của Hà Thành tại NCB sẽ được giải ngân trong ngày.

Hạnh nói với Tuấn lãi suất vay là 4.000 đồng/1 triệu/1 ngày (tương đương lãi suất 146%/1 năm), tiền lãi cho khoản vay 12,3 tỷ đồng là 175 triệu đồng.

Cơ quan tố tụng xác định số tiền lãi của món vay tính theo mức lãi suất cao nhất (20%/năm) theo quy định của Bộ luật Dân sự chỉ gần 13,5 triệu đồng. Do vậy, số tiền thu lợi bất chính của khoản vay lãi nặng này là hơn 161 triệu đồng.

Sau khoản vay lãi nặng trên, Hà Thành đã trực tiếp làm việc, thỏa thuận với Hoan về việc vay tiền để chứng minh năng lực tài chính làm dự án MHD Trung Văn (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) với các bên khách hàng của Thành. Hình thức là Hoan và Thành sẽ gửi tiết kiệm đồng sở hữu tại VietABank, chi nhánh Đông Đô.

[“Siêu lừa” Nguyễn Thị Hà Thành bị tuyên phạt tù chung thân]

Trong mỗi hợp đồng tiền gửi đồng sở hữu, Hà Thành phải góp số tiền 5 tỷ đồng và phải trả viền vay Hoan với lãi suất vay là 4.000 đồng/1 triệu/1 ngày, cứ 30 ngày phải trả lãi một lần. Tổng số tiền Hoan cho Thành vay là 160 tỷ đồng, được thể hiện trong 6 hợp đồng tiền gửi tại VietABank và 20 tỷ đồng tiền vay ngoài.

Đường dây cho vay lãi nặng này có sự phân công công việc cụ thể và chặt chẽ, có người ghi chép lại các khoản tiền cho vay, tính lãi các khoản vay đến ngày phải trả, có người đi thu tiền, nhận tiền…

Nhóm này bị cơ quan tố tụng xác định là đã xâm phạm trật tự quản lý kinh tế của Nhà nước về tín dụng trong lĩnh vực kinh doanh tiền tệ khi thực hiện các hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự để hưởng lợi bất chính, gây thiệt hại kinh tế cho cá nhân.

Mâu thuẫn quyền lợi chồng chéo

Tại phiên tòa này, nội dung được tranh luận nhiều nhất việc định đoạt số sổ tiết kiệm gửi tại 3 ngân hàng này như thế nào. Đây cũng là vấn đề này được bàn thảo sâu từ khi vụ án bị khởi tố với nhiều lần bị các cơ quan tố tụng trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung làm rõ việc các chủ sổ tiết kiệm gửi tiền có vai trò đồng phạm cùng "siêu lừa" chiếm đoạt tiền hay không.

Đến nay, sau 4 năm, kết luận điều tra, cáo trạng và bản án sơ thẩm vẫn xác định không có quan hệ đồng phạm thực hiện hành vi lừa đảo giữa Hà Thành và các chủ sổ tiết kiệm.

Trừ 2 trường hợp được tòa xác định là đồng sở hữu sổ tiết kiệm để chứng minh năng lực tài chính, những trường hợp chủ sổ tiết kiệm còn lại bị tòa xác định là có quan hệ vay tiền với Hà Thành.

Trước đó, tại phiên tòa, những người gửi tiền khai để Hà Thành đứng tên đồng sở hữu sổ tiết kiệm hoặc cho mượn sổ tiết kiệm với mục đích lấy lãi cao hơn bình thường. Tuy nhiên, Hội đồng xét xử nhận định đây là mối quan hệ vay mượn riêng với nhau, không có cơ sở cho rằng các chủ sổ đã gửi tiết kiệm rồi đưa sổ cho Hà Thành để lấy tiền hoa hồng, hoặc để lấy lãi suất cao.

Mục đích Thành dùng các sổ tiết kiệm vay tiền ngân hàng là để rút số tiền đã vay của ông Đặng Nghĩa Toàn và những người đồng sở hữu ra.

Vụ 'siêu lừa' Hà Thành: Thủ đoạn lắt léo, hệ lụy dai dẳng ảnh 3Các bi cáo tại phiên tuyên án. (Ảnh: TTXVN phát)

Tòa cũng xác định bản chất của việc gửi tiền của các chủ sổ tiết kiệm vào ngân hàng để ngân hàng thực hiện nghĩa vụ thay Hà Thành, khi Hà Thành không trả được nợ. Theo tòa, đây là hợp đồng giả cách che giấu việc vay nợ giữa các chủ sổ tiết kiệm và Hà Thành.

Về trách nhiệm dân sự, Hội đồng xét xử tuyên bị cáo Hà Thành phải trả tiền cho 3 ngân hàng, cụ thể: 47,5 tỷ đồng cho NCB, gần 274 tỷ đồng cho VietAbank, gần 50 tỷ đồng cho PVcomBank và hàng chục tỷ đồng cho các bị hại.

Đối với các sổ tiết kiệm gửi tại 3 ngân hàng này, tòa cấp sơ thẩm tuyên tạm giao cho các ngân hàng quản lý để đảm bảo thi hành án phần trách nhiệm dân sự của Hà Thành với ngân hàng, đến khi Cục Thi hành án dân sự thi hành phần quyết định này.

Đồng thời, tòa cấp sơ thẩm cũng dành quyền khởi kiện dân sự trong một vụ án khác cho ông Đặng Nghĩa Toàn, bà Tạ Thị Thu Trang và những chủ sổ tiết kiệm bị ngân hàng tạm giữ tiền gửi tiết kiệm, nếu như họ không đồng ý với phán quyết của tòa.

Trước đó, trình bày tại tòa, ông Đặng Nghĩa Toàn khai chỉ đưa sổ tiết kiệm cho Hà Thành vì muốn hưởng số tiền thưởng lãi suất được hứa hẹn, không đồng phạm với Thành việc lừa đảo, không cho Hà Thành vay mượn tiền và khẳng định việc gửi tiền theo đúng thủ tục với ngân hàng. Do vậy, ông Toàn và những người gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng bị Hà Thành chiếm đoạt đã yêu cầu các ngân hàng phải có trách nhiệm trả lại tiền cho họ.

Họ cho rằng họ đồng ý góp tiền vào sổ tiết kiệm đồng sở hữu với Hà Thành do tin tưởng lời đảm bảo các nhân viên ngân hàng. Họ gửi tiền đúng quy trình thủ tục, bị Hà Thành giả chữ ký thế chấp sổ tiết kiệm dẫn đến mất tiền.

Giữ quyền công tố tại phiên tòa, đại diện Viện Kiểm sát xác định nguồn tiền của các chủ sổ tiết kiệm và tiền Hà Thành lừa đảo ba ngân hàng là khác nhau, không thể đánh đồng. Thành làm mất tiền là mất tiền của ngân hàng, không phải làm mất tiền của chủ sở hữu sổ tiết kiệm. Trong vụ án này, các ngân hàng là những pháp nhân, khi nhân viên có sai phạm thì pháp nhân phải có trách nhiệm bồi thường tiền cho khách hàng.

Công tố viên nêu ví dụ nếu các cán bộ ngân hàng làm theo đúng quy định, trực tiếp chứng kiến vợ chồng ông Đặng Nghĩa Toàn ký vào hợp đồng đảm bảo khoản vay thì phía ngân hàng sẽ không có lỗi. Tuy nhiên, vợ chồng ông Toàn khai hoàn toàn không biết việc cầm cố sổ tiết kiệm này, cán bộ và nhân viên ngân hàng đã làm sai quy định, tạo điều kiện cho bị cáo Hà Thành chiếm đoạt tiền của ngân hàng bằng thủ đoạn giả mạo chữ ký của chủ sổ tiết kiệm.

Vụ án tạm khép lại nhưng những hệ lụy giải quyết hậu quả từ hành vi phạm tội của Nguyễn Thị Hà Thành và các đồng phạm, những sai phạm của các cán bộ ngân hàng… vẫn sẽ còn dai dẳng thông qua nhiều bản án tại nhiều phiên tòa khác./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục