Vụ thu lại tiền cứu trợ: "Tư tưởng của xã mang tính cào bằng"

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình khẳng định việc thu lại tiền cứu trợ là thông tin có thực tại xã Ba Đồn và cho rằng tư tưởng của xã mang tính cào bằng.
Vụ thu lại tiền cứu trợ: "Tư tưởng của xã mang tính cào bằng" ảnh 1Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, đoàn Quảng Bình. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Sau trận lũ lịch sử vừa qua, tỉnh Quảng Bình đã chịu thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Tuy nhiên, sau khi nhận được sự giúp đỡ của nhà hảo tâm, nhiều người dân phản ánh đã bị thôn thu lại một phần tiền cứu trợ, gây bức xúc trong dư luận.

Bên lề kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa 14 diễn ra sáng nay (26/10), đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình khẳng định việc thu lại tiền cứu trợ là thông tin có thực tại thị xã Ba Đồn và cho rằng tư tưởng của xã mang tính cào bằng.

- Thưa ông ngay khi có thông tin về việc thu lại tiền cứu trợ, lãnh đạo tỉnh đã có những chỉ đạo và xử lý thế nào?

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương: Sau khi sự việc xảy ra, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Bình ​đã có văn bản chỉ đạo chấn chỉnh tất cả xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh phải làm cực kỳ nghiêm túc việc tiếp nhận hàng cứu trợ.

Trong chỉ thị cũng yêu cầu điều tra, xác minh, làm rõ, xử lý nghiêm những vi phạm của đơn vị nào đã xảy ra vụ việc trên, đồng thời xử lý nghiêm vi phạm. Còn trường hợp đã thu của dân thì tỉnh chỉ đạo trả lại số lượng tiền đã cứu trợ theo các danh sách được nhận.

- Mức độ thiệt hại ​sau cơn bão của tỉnh Quảng Bình đã thống kê hết chưa? Và các khoản cứu trợ sẽ được tiếp nhận, xử lý như thế nào, thưa ông?

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương: Thiệt hại của Quảng Bình qua cơn lũ vừa rồi hết sức nặng nề, đặc biệt là với các xã Tuyên Hoá, thị xã Ba Đồn… Ngay cả Thành phố Đồng Hới là điểm mà từ xưa đến nay rất hiếm có chuyện ngập lụt thì lần này cũng bị ảnh hưởng.

Khi lũ lụt xảy ra, Ban phòng chống cứu nạn và thiên tai của tỉnh đã tập trung các nguồn lực, từ các phương tiện để cứu người, cứu hộ, giải quyết tình hình thiếu ăn của người dân. Sau đó, tỉnh có các biện pháp rất tích cực như ủng hộ gạo và các thức ăn giải quyết khó khăn cho người dân trước mắt.

Về các khoản cứu trợ, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình cũng thành lập Ban tiếp nhận hàng cứu trợ tiếp nhận, phân phối tất cả những tiền ấy đến người dân theo yêu cầu của các đơn vị tài trợ.

Đơn vị tài trợ nào yêu cầu phát đến người dân thì tỉnh sẽ giao từng tổ chức đoàn thanh niên, phụ nữ, từng tổ chức chính trị dưới sự lãnh đạo của mặt trận để giao hàng, giao tiền đến tận người dân.

- Vậy với những đoàn của các nhà hảo tâm không đăng ký trực tiếp thì tỉnh có yêu cầu bắt buộc thông qua Ban tiếp nhận để phát quà không?

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương: Cơ bản các đoàn có liên hệ qua Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Uỷ ban tỉnh và cũng có đơn vị quen với các đơn vị như đoàn Đại biểu quốc hội hoặc các doanh nghiệp, bạn bè, người thân... Tất cả những kênh đó tỉnh đều chấp nhận hết.

Nếu cần liên quan đến tỉnh, thông qua tỉnh thì tỉnh sẽ tìm cách tiếp đón, cử các đơn vị có liên quan cứu trợ, ví dụ liên quan đến Đoàn Thanh niên thì tỉnh sẽ giao Đoàn Thanh niên hướng dẫn hỗ trợ, còn liên quan đến Hội phụ nữ thì sẽ giao cho Hội phụ nữ để có người hướng dẫn triển khai cứu trợ.

Trong trường hợp các đoàn cứu trợ đi trực tiếp thì tùy theo cách làm của họ, miễn làm sao người dân nhận được hàng cứu trợ, nhận được tình cảm, tỉnh không gây phiền hà gì cả.

Thực ra xét về bản chất việc làm thì những cán bộ lãnh đạo thôn và xã đấy không tham ô, ​đó là điều mà tôi có thể khẳng định. Họ muốn làm thế nào đó để tiền cứu trợ này ai cũng có. Ai cũng được hưởng một phần.

Nhưng cách làm đó lại vi phạm một điều là nó không thực chất giữa người cứu trợ với người hưởng cứu trợ.

Chắc chắn một điều là tư tưởng của xã mang tính cào bằng còn những người cứu trợ thì mong muốn cứu trợ người khó khăn nhất. Kết luận lại vấn đề, dù tư tưởng anh thế nào nhưng cách làm như thế vẫn là vi phạm yêu cầu của việc thực hiện nhiệm vụ cứu trợ hiện nay.

- Xin cảm ơn ông./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục