Vụ xếp hạng 49 trường đại học: Các trường lên tiếng

Chia sẻ về bảng xếp hạng vừa được công bố, lãnh đạo các trường đại học cho biết họ trân trọng nỗ lực của nhóm nghiên cứu nhưng cho rằng kết quả này chưa chính xác, thậm chí sai ngay từ những tiêu chí.
Vụ xếp hạng 49 trường đại học: Các trường lên tiếng ảnh 1Đại học Bách khoa Hà Nội (Ảnh: hust.edu.vn)

Chia sẻ về bảng xếp hạng vừa được công bố, lãnh đạo các trường đại học cho biết họ trân trọng những nỗ lực của nhóm nghiên cứu nhưng cho rằng kết quả này chưa chính xác, thậm chí sai ngay từ tiêu chí và dữ liệu đầu vào.

Sai ngay từ thu thập dữ liệu?

Theo ông Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo, Đại học Bách khoa Hà Nội, việc các tổ chức đánh giá xếp hạng trên cơ sở căn cứ khoa học, tiêu chí khách quan là rất đáng làm, là một kênh cung cấp cho các trường thấy được điểm mạnh, điểm yếu của mình. Những việc như vậy là rất đáng khuyến khích.

Tuy nhiên, ông Điền cho rằng, việc xếp hạng của nhóm nghiên cứu vừa được công bố có vấn đề về tính khoa học và tính pháp lý. Tính khoa học chưa đảm bảo do tiêu chí chưa đầy đủ và dữ liệu chưa chính xác. Tính pháp lý chưa có do một nghiên cứu khoa học trước khi công bố phải có ít nhất hai phản biện độc lập.

[Lần đầu tiên công bố bảng xếp hạng các trường đại học Việt Nam]

“Nhóm gồm một số nhà khoa học chưa có nhiều trải nghiệm về quản lý đào tạo và trong các trường đại học Việt Nam, một số nghiên cứu sinh ở nước ngoài. Họ đưa ra các tiêu chí họ cho là khách quan nhưng nguồn dữ liệu họ tiếp cận quá hạn chế. Họ chưa đủ nguồn lực để thu thập dữ liệu. Nguồn lực ở đây là có quyền tiếp cận, dễ dàng lấy được dữ liệu phản ánh hoạt động của các trường, là mối quan hệ để các trường có thể đối thoại cởi mở,” ông Điền phân tích.

Cũng theo ông Điền, việc đưa ra một kết luận khoa học phải dựa trên luận cứ khoa học. Vì vậy, dữ liệu đầu vào rất quan trọng. Tuy nhiên, đây là điều còn thiếu ở dự án xếp hạng đại học. 

“Nếu chỉ xem báo cáo ba công khai chưa được cập nhật của các trường, sau đó xem một số nguồn khác rồi đánh giá thì tôi cho rằng rất sơ sài, không đủ căn cứ,” ông Điền nhận định. 

Vị Trưởng phòng Đào tạo cũng cho rằng, bộ tiêu chí chưa tính đến các yếu tố quan trọng như mức độ hài lòng của người học, khảo sát sinh viên ra trường, tỷ lệ sinh viên có việc làm, hoặc tiêu chí về việc đảm bảo sứ mạng của trường đó. Theo ông Điền, có thể do nguồn lực dữ liệu không có nên nhóm đã bỏ qua các tiêu chí quan trọng này. Bỏ qua và đưa ra kết luận là không khoa học.

Vụ xếp hạng 49 trường đại học: Các trường lên tiếng ảnh 2Thí sinh dự thi vào trường Đại học Ngoại thương. (Ảnh: TTXVN)

Không thể so sánh các trường không cùng sứ mệnh

Dữ liệu nghiên cứu không đầy đủ, chưa chính xác và tiêu chí chưa hợp lý cũng là nhận định của phó giáo sư Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương.

Theo bà Thủy, kết quả xếp hạng muốn thuyết phục thì dữ liệu phải chuẩn, tiêu chí đánh giá phù hợp và mẫu nghiên cứu đủ lớn. 

Nhóm nghiên cứu cho biết thực hiện việc xếp hạng dựa trên báo cáo ba công khai của các trường, nhưng chưa biết số liệu đó đã được cập nhật đầy đủ hay chưa.

“Nhóm đã rất cố gắng, nhưng chính bản thân họ cũng thừa nhận dữ liệu chưa chính xác, tiêu chí còn thiếu nhiều yếu tố, chẳng hạn tỷ lệ sinh viên có việc làm, do họ không thể thu thập được. Những nỗ lực là đáng ghi nhận nhưng kết quả nghiên cứu chỉ là thông tin tham khảo. Vì thế, Đại học Ngoại thương không buồn vì kết quả thấp nhưng cũng sẽ không vui nếu ở thứ hạng cao,” bà Thủy chia sẻ.

[Bảng xếp hạng 49 trường đại học gây "sốc" dư luận]

Theo phân tích của bà Thủy, nếu muốn bảng xếp hạng đúng cần bộ tiêu chí phản ánh đầy đủ hoạt động của các trường, thông tin phải sát thực tế nhất, tỷ trọng các tiêu chí phù hợp. Mỗi trường có sứ mệnh đào tạo khác nhau, do đó việc đầu tư của họ cũng khác nhau.

Ví dụ, tỷ trọng về nghiên cứu khoa học của trường đại học nghiên cứu khác trường ứng dụng. Trường đại học đa ngành như Đại học Quốc gia Hà Nội khác với trường đơn ngành như Đại học Ngoại thương. Trường khối kinh tế như Đại học Ngoại thương lại rất khó để so sánh với trường khối ngành y tế như Đại học Y Hà Nội, hoặc trường theo khối xã hội. 

“Nghiên cứu này cũng chỉ có tính chất khơi dậy việc xếp hạng ở Việt Nam”, bà Thủy nói./.

Các trường đại học lên tiếng về bảng xếp hạng 49 trường. (Nguồn: Vnew)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục