Vựa cá hồ Pá Khoang ở tỉnh Điện Biên đã cạn kiệt

Do được giao cho nhiều đơn vị quản lý cùng lúc nên vựa cá Pá Khoang nổi tiếng ở Mường Phăng, tỉnh Điện Biên đã không còn cá.
Hồ Pá Khoang thuộc xã Mường Phăng, huyện Điện Biên là thắng cảnh du lịch khá nổi tiếng của tỉnh Điện Biên. Nhiều năm trước đây, công trình thủy lợi nhân tạo này còn là vựa cá, cung cấp cho vùng lòng chảo Điện Biên.

Từ năm 2004 đến nay, do được giao cho nhiều đơn vị quản lý, một số đơn vị lại không có chức năng chuyên môn nên Pá Khoang đã không còn cá. Người dân ở đây cũng không được hưởng lợi gì từ nguồn thủy sản này.

Những năm thập kỷ 90 của thế kỷ trước, ai có dịp đến các chợ trung tâm thị xã (nay là thành phố Điện Biên Phủ) vào buổi sáng sớm đều thấy những đám đông náo nhiệt vây quanh nơi bán cá từ hồ Pá Khoang đưa về. Ngày đó, những con cá trắm, cá mè nặng hàng chục kg, người ta phải xẻ nhỏ ra mới bán được. Khách du lịch từ Điện Biên Phủ lên Pá Khoang đều có thói quen mua cá mới cất lên từ lòng hồ, bơi thuyền ra đảo rồi nổi lửa, nấu nướng cho bữa ăn ngoài trời trong chuyến du lịch lòng hồ.

Cá hồ Pá Khoang có thời kỳ đã trở nên “danh bất hư truyền” nay không còn nữa.

Trước kia, việc quản lý, khai thác nuôi trồng thủy sản trên hồ Pá Khoang được giao cho Công ty trách nhiệm hữu hạn quản lý thủy nông Điện Biên, do ông Trần Công Chính, Phó Giám đốc Công ty trực tiếp đứng ra nhận khoán. Theo báo cáo của đơn vị này, Đội cá Pá Khoang của công ty mỗi năm thu từ 100-120 tấn cá, cung cấp cho cả vùng lòng chảo Điện Biên và hằng năm đều thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với nhà nước.

Cuối năm 2004, Ủy ban Nhân dân tỉnh Điện Biên có văn bản số 892, giao nhiệm vụ cho các đơn vị gồm: Ban Quản lý dự án du lịch Pá Khoang, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh và Công ty quản lý thủy nông tổ chức kinh doanh nuôi trồng thủy sản trên diện tích mặt hồ Pá Khoang; đồng thời bảo vệ diện tích 23ha rừng trên đảo và xung quanh hồ, với mức khoán 300 triệu đồng/năm trong thời hạn 5 năm (2005-2009), 2 năm đầu được miễn nộp khoán.

Sau đó, vùng hồ này còn có thêm doanh nghiệp xây dựng tư nhân số 1 tham gia hợp tác kinh doanh. Hầu hết các đơn vị trên đều kinh doanh nhà nghỉ du lịch ven bờ hoặc trên các đảo giữa lòng hồ Pá Khoang, cùng các dịch vụ du lịch lòng hồ.

Việc thiếu sự tổ chức đồng bộ, mạnh ai nấy làm, đánh bắt bừa bãi khiến vựa cá này đã bị cạn kiệt. Cho đến hết thời hạn giao khoán (năm 2009), các đơn vị mới chỉ nộp ngân sách được 100 triệu đồng trong tổng số 900 triệu đồng phải nộp, đó là chưa kể thời gian từ năm 2009 đến nay, các đơn vị này vẫn tiếp tục kinh doanh dù đã hết thời hạn giao khoán. Hậu quả là Nhà nước đã thất thu thuế trong hơn 8 năm qua.

Mặt khác, những cư dân vùng sở tại không được hưởng lợi gì từ việc giao khoán này, nên đã có khá nhiều trường hợp người dân đi khai thác gỗ trái phép, đánh bắt trộm cá trong lòng hồ. Theo báo cáo của các đơn vị, trong 7 năm qua, các lực lượng đã phát hiện 13 vụ với 25 đối tượng phạm pháp, thu giữ 7 cưa xẻ, 400 thuyền và 950 tay lưới.

Ngày 3/11/2009 - thời điểm hết hạn giao khoán, Ủy ban Nhân dân huyện Điện Biên đã có tờ trình đề nghị tỉnh Điện Biên giao lại diện tích hồ Pá Khoang về cho huyện quản lý, nhưng chưa được trả lời. Tiếp đó ngày 10/5/2012, huyện Điện Biên lại có tờ trình, đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Điện Biên giao lại hồ Pá Khoang cho Ủy ban Nhân dân xã Mường Phăng quản lý khai thác; giao diện tích rừng khu vực hồ cho Ban quản lý rừng di tích lịch sử và cảnh quan môi trường Mường Phăng quản lý bảo vệ.

Ông Lò Văn Tinh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Mường Phăng cho rằng nếu giao hồ Pá Khoang và diện tích rừng đặc dụng xung quanh hồ cho chính quyền và nhân dân xã quản lý thì hiệu quả sẽ cao hơn. Khi người dân sở tại được hưởng lợi trực tiếp thì các cộng đồng dân cư sẽ tự bảo nhau quản lý, bảo vệ rừng và hồ. Nếu giao rừng và lòng hồ cho xã quản lý, Ban lãnh đạo xã sẽ bàn bạc để xây dựng phương án như thành lập hợp tác xã nuôi trồng thủy sản, kết hợp với nguồn vốn xây dựng nông thôn mới để quản lý, khai thác hiệu quả.

Sau khi có ý kiến của chính quyền huyện Điện Biên cùng liên ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn-tài chính, tỉnh Điện Biên đã có văn bản yêu cầu các đơn vị tham gia quản lý, sản xuất kinh doanh nuôi trồng thủy sản rà soát, tổng hợp các văn bản liên quan đến việc sản xuất kinh doanh của đơn vị mình. Tỉnh giao liên ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn-tài chính tổng hợp, báo cáo làm rõ những tồn tại, vướng mắc của các đơn vị trên để Ủy ban Nhân dân tỉnh họp bàn thống nhất phương án quản lý khu vực hồ Pá Khoang vào cuối tháng 12/2012.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, ngành nông nghiệp vẫn chưa nhận được các văn bản liên quan đến sản xuất, kinh doanh nuôi trồng thủy sản của các đơn vị theo yêu cầu. Lãnh đạo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh đã đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh mở cuộc họp với các đơn vị trên để cùng tìm biện pháp tháo gỡ, giải quyết tình trạng trên./.

Chu Quốc Hùng (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục