Vặn nhỏ đèn để tỏa sáng?

"Vua hài đất Việt": Chớ tỏa sáng kiểu vặn đèn tối đi!

"Vua hài đất Việt" dần dần có diện mạo nào đó: Hồn nhiên, mộc mạc, vui tính và có cả nhí nhố... nhưng liệu có tỏa sáng từ việc vặn nhỏ đèn?
Cuộc thi "Vua hài đất Việt" đã là một sân chơi tạo ra những bàn tán hàng tháng nay. Nhưng dần dần, một diện mạo "ổn" hơn của các trò hài, các cây cười đã hình thành.

Từ cuộc thi này những thắc mắc cũng dần được giải quyết. Việc thiếu trò và diễn lố cũng không còn nham nhở như vòng sơ loại. Thời điểm này, phía nhà tổ chức và các thành viên ban giám khảo nói gì?

Thi "Vua hài" không sợ lộ đề

Gần đây, có dư luận về việc giám khảo "Vua hài" dạy kèm một vài thí sinh kỹ quá, khiến thí sinh khác lo về sự công bằng. Giải đáp về việc này, Trưởng Ban tổ chức giải thích rõ: Thực tế, tài năng của các thí sinh chỉ được chấm điểm và đánh giá khi thí sinh đó đứng trên sân khấu của cuộc thi. Đây là những vở diễn chứ không phải là những đề thi kiến thức mà yêu cầu chỉ khi nào thí sinh vào phòng thi mới được bóc đề. Có thí sinh tin nhờ giám khảo góp ý để tập diễn là bình thường.

Ở cuộc thi "Vua hài đất Việt," ban tổ chức khuyến khích các thành viên trong ban giám khảo, hay các diễn viên đàn anh, đàn chị đều có quyền đóng góp ý kiến, xây dựng bài vở cho các thí sinh. Còn các thí sinh tiếp thu được như thế nào là do họ.

Sắp tới sẽ có 24 thí sinh lọt vào vòng bán kết của cuộc thi, 24 thí sinh này được chia làm các nhóm dưới sự hướng dẫn và gọt giũa tiểu phẩm dự thi của Ban cố vấn gồm: nghệ sĩ Văn Hiệp, Minh Vượng, Minh Nhí. Mỗi một nghệ sĩ đào tạo cho một nhóm thí sinh. Chứ không dạy tập trung cả 24 người.

Thực tế, giám khảo Xuân Bắc theo dõi buổi tổng duyệt trước đêm thi, thấy thí sinh nào đó đang còn nhiều khuyết điểm thì cũng góp ý thêm cho thí sinh này. Mục tiêu của chương trình là không phải tìm ra những thí sinh diễn hay do ban giám khảo chấm hay mà mục tiêu chính là làm và ghi hình để phục vụ cho hàng triệu khán giả xem truyền hình. Bởi thế nếu thiếu sự công bằng thì "cả nước" cùng "phán xét" được.

Ông Nguyễn Thanh Hải -Trưởng ban tổ chức cuộc thi khẳng định: "Không có ai chỉ đạo ban giám khảo trong việc đưa ra nội dung tình huống ứng xử."

Ông trưởng ban tổ chức cuộc thi còn nhấn mạnh mục đích đưa ra những tình huống ứng xử là cứu thí sinh chứ không phải để loại thí sinh. Bởi vì có những trường hợp khả năng viết kịch bản của thí sinh rất yếu nhưng khả năng diễn lại tốt. Giám khảo tùy tình hình mà "giao việc" cho thí sinh khẳng định năng lực. "Còn việc kiểm định nội dung, hình ảnh thì do đây là chương trình ghi hình, phát lại nên những nội dung chưa đạt và không hay, không chuẩn thì ban thư ký biên tập sẽ chủ động cắt đi trước khi phát sóng trên truyền hình," ông Hải nói.

Dư âm buồn vui...


Trong số phát chiều ngày 20/11, vẫn còn những kịch bản, tiết mục ít thuyết phục. Đúng là Ban tổ chức không sao "chủ động" và chỉ đạo được kịch bản của thí sinh song nếu "cắt cúp" mà chưa hết những chỗ phản cảm thì cũng đáng rút kinh nghiệm.

Đó là trường hợp thí sinh 0147 Nguyễn Ngọc Đông trong vai chàng sinh viên đi tìm người yêu. Anh ta nộp cho người xưng là bố cô gái "tiền học phí kỳ đầu" mà bố mẹ cho mình. Sau đó tự nhủ và rình nấp: "Xem bố con nhà nó có thật lòng với mình không"

Và cậu chàng chứng kiến cảnh người yêu mình vuốt ve ông bố rởm và nói: "Anh già của em!"  Còn ông "giả bố"  thì hứa sẽ "đập mấy nghìn đô vào mồm" cô nàng. Nếu những tiểu phẩm cứ nhảm nhí, để cho người trẻ tràn lan lời hỗn hào như thế mà đem ra cười thì thật phản cảm.

Thí sinh Đoàn Đức Toàn đóng vai nhà sư gõ mõ tụng kinh. Tuy nhiên, ranh giới giữa mục đích chống mê tín dị đoan và chạm vào tín ngưỡng tôn giáo vốn rất mong manh nên các thí sinh "chạm vạch" có thể sẽ gây khó chịu cho nhiều người tin theo nhà chùa. Thí sinh Toàn nhận mình ở Nghiệp đoàn cúng bái Việt Nam với tên giao dịch là "thacu" cùng những câu tiếp thị "Hãy cúng theo cách của bạn. Cúng nhầm còn hơn cúng sót."

Thí sinh số 0147 thì nói ra những câu như "nhẹ không thích, mạnh mới sướng." Lại có nữ thí sinh nhận mình vừa thần tượng Michael Jackson vừa thần tượng nghệ nhân Hà Thị Cầu. Cô tỏ ra rất lanh lợi và hoạt ngôn nhưng cũng bị ban giám khảo "nhắc nhở" là vào vòng trong giám khảo cũng như người xem đều chờ đợi một sự tỏa sáng mới. Nếu cứ lặp lại kiểu nói dài nói dai thì gây nhàm chán. Giám khảo Tự Long rất thẳng thắn nói: "Em đã tỏa sáng theo kiểu vặn đèn tối đi!"

Phạm Văn Thọ và Phạm Hồng Phong là cặp thí sinh đọc thơ rất vui và nói chuyện toàn chữ T rất thú vị. Qua đó đã chứng tỏ được "trò nhời' (diễn hài bằng ngôn ngữ) là chất hài hấp dẫn nhất. Thế nên có thí sinh làm ảo thuật vui nhưng giám khảo Tự Long khuyên: Mới lạ, sáng tạo, bất ngờ song anh khuyên em chuyển sang Liên đoàn xiếc để đóng cùng các nghệ sĩ hề xiếc.

Các thí sinh hài cũng có nét riêng là thích đùa và biết đùa. Trong khi chờ đợi ban giám khảo quyết định, MC Trấn Thành hỏi có hồi hộp không thì nhận được câu trả lời:"Không đặt nặng chuyện thắng thua, nhưng cũng tầm ngàn cân."

"Tâm tình" của giám khảo


Giám khảo Tự Long chân tình nhận định: "Nếu có trường dạy hài, các bạn ấy đều có thể vào học được." Thực tế, cuộc thi đã thu hút được thí sinh mọi lứa tuổi. Có bác Chu Văn Bồng sinh năm 1942, chị Nguyễn Thị Thanh sinh năm 1959 và cả các cháu học trò sinh năm 1997.

Sau khi các thẻ chính vào vòng trong đã hết. Ban tổ chức có "cơi nới" thẻ dự bị kiểu xét vớt là "thẻ xanh" cho một số thí sinh nữa. Dù sao đây cũng là tăng niềm vui cho các bạn thí sinh còn lại, để họ có cơ hội khẳng định lại.

NSƯT Minh Vượng cho biết: "Trong suốt các buổi làm việc, chúng tôi đã phải lao động hết mình" để chọn ra người xứng đáng. Cũng thật xúc động khi có thí sinh nói: 'Em đi thi vua hài chỉ vì ước mơ được lên sóng để con trai được nhìn thấy mẹ trên ti vi.' Tôi rất cảm động vì đó hẳn là người mẹ vô cùng yêu con!"

Nhận xét về nội dung, nghệ sĩ Xuân Bắc chia sẻ: "Chúng tôi có thâm niên cũng bất ngờ vì trong nội dung một số tiểu phẩm đã đặt ra những vấn đề xã hội nóng bỏng hiện nay.

Nhận xét chung về diễn xuất, nghệ sĩ Tự Long nêu: "Các bạn thí sinh diễn mộc mạc hồn nhiên. Có khi là bê nguyên cả tiết mục của một danh hài. Có tiết mục thí sinh ra sân khấu, ngã là diễn xong.Tiểu phẩm đó có tên: "Một lần vấp ngã.”/.

Nguyễn Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục