Vựa lúa Việt có thể mất 12% sản lượng năm 2040

Nếu trái đất tăng thêm 4 độ C vào năm 2040 sẽ làm thiệt hại khoảng 12% sản lượng nông nghiệp ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Theo báo cáo của Ngân hàng thế giới (WB) công bố chiều nay (20/6), trong hai thập kỷ tới, nền nhiệt trái đất ấm lên 4 độ C sẽ làm trầm trọng hơn những thách thức mà Việt Nam đang phải nỗ lực vượt qua đồng thời đe dọa nghiêm trọng đến an ninh lương thực và môi trường.

Đặc biệt, nền nhiệt Trái đất ấm thêm 4 độ C vào năm 2040 sẽ làm nước biển dâng 30 cm, có thể làm thiệt hại khoảng 12% sản lượng nông nghiệp so với mức hiện nay, do ngập lụt và xâm nhập mặn ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Thực tế, “nền nhiệt tăng lên sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của cây lúa, và kéo theo đó, sản lượng gạo có thể sẽ giảm khoảng 2,6 triệu tấn mỗi năm, so với sản lượng lúa gạo năm 2010. Cùng với đó, năng suất lúa dự đoán sẽ sụt giảm từ 6-12% ở vùng đồng bằng sông Cửu Long,” báo cáo nêu rõ.

Ngoài ra, theo báo cáo, khi nhiệt độ tăng lên, sản xuất thủy- hải sản cũng sẽ bị ảnh ảnh hưởng rất lớn. Theo đó, chi phí để các loài tôm và cá trơn thích ứng với biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ mất khoảng 130 đến 190 triệu/năm.

["Thảm họa, dịch bệnh gia tăng do Trái Đất ấm lên"]

Nhận định về bản báo cáo thời tiết cực đoan và ảnh hưởng đến khu vực Đông Nam Á, ông Jim Yong Kim- Chủ tịch WB cho biết, trong 20-30 năm tới, các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện với tần suất cao, sẽ khiến nguồn nước ngọt bị khan hiếm, lương thực thiếu trầm trọng.

Trước những thách thức trên, Chủ tịch WB nhấn mạnh: “Thời gian còn cho công tác ứng phó thiên tai là rất ngắn. Thế giới cũng đang cố gắng giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Riêng với Việt Nam, tình trạng đói nghèo sẽ không thể chấm dứt nếu không giải quyết triệt để tình trạng này. Đây là một trong những thách thức đơn lẻ lớn nhất với xã hội công bằng ngày nay”.

Đồng tình quan điểm, ông Axel van Trotsenburg, Phó Chủ tịch WB khu vực Châu Á- Thái Bình Dương cho rằng nhiệt độ ấm thêm 4 độ là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, để hạn chế những thiệt hại do thiên tai gây nên, chúng ta cần hành động khẩn cấp vì tương lai của Trái đất như giảm lượng khí thải nhà kính từ các nguồn sản xuất năng lượng.

Bên cạnh đó, “Việt Nam cũng cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cảnh báo, để giảm những tác động tiêu cực đang gia tăng từ rủi ro khí hậu đến cuộc sống con người, đặc biệt là những người nghèo dễ bị tổn thương,” ông Axel van Trotsenburg khuyến nghị./.

Hùng Võ (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục