Vui Tết cổ truyền Lào và Thái Lan trên đất Việt

Những ngày này, ở bên kia biên giới những người dân Lào và Thái Lan đang vui Tết cổ truyền dân tộc. Cùng chung không khí đó, những lưu học sinh Lào và Thái Lan cũng có những ngày Tết ý nghĩa ngay trên đất Nghệ An.

Những ngày này, ở bên kia biên giới những người dân Lào và Thái Lan đang vui Tết cổ truyền dân tộc. Cùng chung không khí đó, những lưu học sinh Lào và Thái Lan cũng có những ngày Tết ý nghĩa ngay trên đất Nghệ An.
 
Tết Bunbimay của người Lào và Songkran của người Thái được tổ chức đúng vào lúc trời đổ mưa. Thời tiết diễn biến bất lợi nhưng tất cả những người có mặt ở sân nhà A4 – Đại học Vinh không ai cảm thấy phiền lòng bởi mưa chính là dấu hiệu của sự may mắn, no đủ mà người dân Lào và Thái Lan rất mong mỏi khi năm mới đến.

Trời mưa cũng làm cho không khí lễ hội trở nên ấm cúng hơn vì đây chính là dịp để những người bạn chủ nhà Việt Nam thể hiện thái độ mến khách.
 
Ấn tượng nhất là hình ảnh của Lễ buộc chỉ và Lễ té nước – một trong những phong tục độc đáo của dân tộc Lào và Thái Lan trong dịp Tết cổ truyền.

Với các lưu học sinh, đây là thời khắc có ý nghĩa đặc biệt để mỗi người có thể hướng về gia đình mình, đất nước mình và cùng cầu chúc một năm mới nhiều may mắn, hạnh phúc.
 
Với những người khách tham dự, sợi chỉ trên tay vừa thể hiện tình đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc và cũng là sự sẻ chia hạnh phúc và sức khỏe mà những người bạn lưu học sinh muốn gửi gắm.
 
Với 400 lưu học sinh Lào và 20 lưu học sinh Thái Lan, Đại học Vinh là một trong những ngôi trường có số lưu học sinh đông nhất cả nước. Thấu hiểu được tâm trạng của những sinh viên xa nhà, đây là năm thứ 6 Đoàn trường tổ chức Tết cổ truyền cho các bạn sinh viên nước ngoài.

Đây không chỉ là dịp để giao lưu văn hóa, mà quan trọng hơn để những bạn sinh viên Lào và Thái Lan gắn bó hơn với môi trường mới ở Việt Nam.
 
Ba năm đón Tết ở Việt Nam, Molaphone Phimlavong – lưu học sinh Lào lớp 47A Hóa chia sẻ: Những hoạt động của nhà trường khiến chúng em vơi đi nỗi nhớ gia đình. Dù không được ăn món gà tôm, món chẻo, món bánh chưng, món lạp của mẹ nấu nhưng chúng em có nhiều bạn bè, vẫn được hát múa nhiều bài hát của dân tộc mình.
 
Molaphone cũng kể rằng, ở đất nước Lào trong ngày Tết 14/4 (như ngày 1 Tết của Việt Nam) buổi sáng các gia đình thường đi chùa để thắp hương cầu nguyện, buổi chiều thường mời nhà sư về nhà để chúc tốt đẹp, cột chỉ cổ tay và sau đó té nước cho mọi người để gặp nhiều may mắn./.
 
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục