Nỗi lo khi mùa cưới về

Vùng cao Đà Bắc với nỗi lo khi mùa cưới về

Việc cưới xin ở một số bản đồng bào huyện miền núi vùng cao Đà Bắc (Hòa Bình) ngày càng “nặng” nghi lễ hơn, phức tạp hơn
Tảo hôn để tránh con hư

Vợ chồng anh chị Lường Văn Bình-Xa Thị Tăm, ở bản Trầm Trong, xã Tân Minh (Đà Bắc, Hòa Bình) có 4 đứa con, 1 trai, 3 gái. Cuối năm 2007, anh chị gả chồng cho con gái lớn là Lường Thị Thường. Lúc về nhà chồng, cháu Thường mới bước vào tuổi 16.

Đầu tháng 12/2009, anh chị cho cháu thứ hai là Lường Thị Thành (sinh năm 1993) đi lấy chồng. Tính ra cháu Thành mới tròn 16 tuổi.

Không chỉ bản Trầm Trong mà các bản khác ở huyện vùng cao Đà Bắc cũng có nhiều gia đình gả chồng cho con gái khi mới bước vào tuổi 16, 17.

Ở xã Tân Minh, phần đông các em gái chỉ học hết lớp 8, lớp 9 rồi nghỉ học. Nhiều em trình độ văn hóa mới lớp 3, lớp 4. Nghỉ học, các em không có công ăn việc làm; ruộng ít, nương trên núi cao, nghề phụ không có.

Vì thế mà nhiều cháu ở bản Diều Luông, bản Mít, bản Trầm Ngoài, Trầm Trong, bản Tát... đã bỏ nhà “hạ sơn” đi tìm “việc làm” nơi chốn thị thành.

Chị Xa Thị Tăm than phiền: “Vợ chồng mình cũng biết cho con đi lấy chồng dưới 18 tuổi là tảo hôn. Nhưng không gả chồng cho nó thì sợ nó bỏ nhà đi theo bạn 'kiếm tiền' thì xấu hổ lắm. Bố mẹ xấu một, sau này nó khổ mười. Nó mà “đi” về thì chẳng có ai lấy làm vợ nữa. Chẳng khéo lại còn mang bệnh vào thân”.

Một mế nói với tôi rằng, đứa nào cũng thế, đi một hai tháng về đều má phấn môi son, giày dép, quần áo xúng xính. Có đứa còn đem được xe máy, tivi màu về cho gia đình. Ở nhà, bố mẹ chắt bóp từng đồng, chúng nó đi về có xe ôtô taxi đưa đón tận cầu thang.

Đi làm gì, làm ở đâu chúng nói hết. Ở nhà vài ngày, chúng lại rủ rê, lôi kéo mấy đứa con gái trong bản cùng đi. Bố mẹ chẳng giữ được chân con cái.

Mế nói: “Các chú cứ vào mấy nhà có con gái 'đi' thì biết. Ảnh chúng nó chụp gửi về treo đầy vách. Đứa nào cũng áo, váy 'rách bươm'. Nhìn ngứa cả mắt. Muốn giữ con gái chỉ bằng cách cho nó đi lấy chồng sớm”.

Con đi lấy chồng, bố mẹ sạt nghiệp

Mấy ngày trước khi gả chồng cho con, vợ chồng anh Bình, chị Tăm lo xọm cả người. Mỗi người một việc. Chồng lo chăn dắt con trâu, con dê, đàn gà trên nương. Vợ lo đi ra thị trấn mua chăn, đệm, tủ, nồi, chậu...

Của hồi môn cho con gái về nhà chồng ở bản Trầm Trong cũng như một số bản huyện vùng cao Đà Bắc chẳng phải là "của chìm" (vàng, bạc, tiền) mà là "của nổi". Của cải mà khi bố mẹ, họ hàng đưa con về nhà chồng cả bản đều phải nhìn thấy, sờ tay vào được.

Chị Xa Thị Tăm cho biết, chuẩn bị cho con gái thứ hai đi làm dâu, vợ chồng chị phải lo đủ 10 cái chăn bông, 5 cái đệm bông, 2 đôi chiếu hoa, 1 tủ đứng 3 buồng, xoong, nồi, xô, chậu, mâm, bát, ấm, phích nước...

Của hồi môn phải có và quan trọng nhất gồm có, một con trâu (hoặc bò), một con lợn nái mẹ, một con dê, 12 con gà và 4 bao tải thóc (khoảng 150 kg). Tính sơ sơ số đồ vật nhà gái đem về nhà trai cũng trên dưới 20 triệu đồng. Đấy là chưa tính số lợn, gà, gạo, rượu... cho khách ăn uống trong 2 ngày cưới và lễ dạm hỏi.

Nếu nhà nghèo không có tiền mua, không có con, có của trong nhà thì bố mẹ phải đi vay mượn tiền hoặc mua chịu, trả góp trong từng vụ ngô, vụ sắn.

Gia đình chị Tăm có 3 cô con gái nên đã chục năm nay anh chị nai lưng trên nương, bán ngô, sắn chắt chiu từng đồng mua trâu, dê, lợn, gà đem lên núi để nuôi.

Ngược lại với gia đình nhà gái, gia đình nhà trai chỉ đưa lễ đến nhà gái đón dâu, nhiều thì 3 triệu đồng, ít thì 1 triệu đồng.

Ông Lường Văn Tống, năm nay đã ngoài 60 tuổi nói với chúng tôi: “Nghi lễ trên không phải là phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc Tày mà đó là phong trào tự phát. Nhà nọ nhìn nhà kia mà đua đòi nhau để bày ra theo tư tưởng khoe của, 'con gà tức nhau tiếng gáy'. Nhà có thì không sao, nhà nghèo sẽ sinh ra nhiều hậu quả xấu. Con đi lấy chồng, bố mẹ sạt nghiệp, công nợ chồng chất, gia đình lục đục”.

Mùa cưới. Đi, đến, nghe, thấy việc cưới xin ở một số bản đồng bào huyện miền núi vùng cao Đà Bắc (Hòa Bình) xem ra ngày càng “nặng” nghi lễ hơn, phức tạp hơn. Đặc biệt là tệ tảo hôn không còn là cá biệt.

Phải chăng phong trào nếp sống văn hóa mới trong việc cưới xin chưa “về” đến bản, đến nhà đồng bào./.

(Báo Tin tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục