Vùng đất A So - Nơi sự sống nảy mầm từ cái chết

Gần 40 năm sau giải phóng, vùng đất đậm đặc nhất chất dioxin, A So-A Lưới đang dần hồi sinh, đời sống người dân đang đổi thay từng ngày. 
Cuối tháng Bảy, nắng và gió chan hòa với màu xanh ngút ngàn của những cánh rừng keo, tràm xã Đông Sơn, huyện A Lưới. Hàng rào bồ kết xanh mướt vây chặt sân bay quân sự A So, khu vực được coi là 'rốn' dioxin ở tỉnh Thừa Thiên-Huế.  Người dân ở đây dường như đã quên đi lời cảnh báo hãi hùng “Đề phòng tái diễn Dioxin: Không sống, canh tác, nuôi trồng, đánh bắt ở khu vực xã Đông Sơn” được Ban Khắc phục hậu quả chất độc hóa học sử dụng trong chiến tranh (Ban 10-80) đưa ra năm nào. Nằm cách trung tâm huyện A Lưới khoảng 25km dọc theo đường Hồ Chí Minh về hướng Tây Nam, xã Đông Sơn nổi tiếng là “vùng đất chết” nhuốm da cam/dioxin do Quân đội Mỹ rải xuống từ năm 1961-1971. Mười năm ấy, vùng đất A Lưới đã hứng chịu hơn 432,000 lít thuốc diệt cỏ, tương đương 11kg dioxin, trong tổng số gần 80 triệu lít mà Quân đội Mỹ rải xuống toàn miền Nam Việt Nam. “Những ngày đầu đến đây đồng bào rất bất an, vừa lo bị ảnh hưởng dioxin vừa sợ bị bom mìn còn sót lại sau chiến tranh,” Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Đông Sơn, A Viết Minh cho biết. Được thành lập từ năm 1992, Đông Sơn là xã đặc biệt khó khăn do nằm xa trung tâm huyện, giao thông trắc trở, lại thêm hậu quả chiến tranh hóa học rất nặng nề nên đời sống đồng bào cực kỳ khó khăn. Trong chiến tranh, sân bay dã chiến A So được Quân đội Mỹ sử dụng làm nơi chứa chất khai quang, diệt cỏ. Khu vực này đã trở thành “điểm nóng” nhất tại huyện A Lưới, có hàm lượng tồn dư dioxin cao trong đất, tác động đến sinh thái và con người sinh sống trong vùng. Huyện A Lưới hiện có 4.227 đối tượng bị ảnh hưởng chất độc da cam/dioxin, riêng xã Đông Sơn có 61 người bị tàn tật, bại não, thần kinh, liệt chân tay do chất độc dioxin. Gần 40 năm sau giải phóng, Đông Sơn nay không còn những vòng dây thép gai, bãi đất cằn và những hố bom la liệt bên đường. Một hàng rào xanh với hơn ba vạn cây bồ kết có chiều dài gần 3km bao trọn “điểm nóng” A So được hình thành theo sáng kiến của các nhà khoa học. Giải pháp này đã phần nào làm giảm tác hại của dioxin và làm xanh vùng đất bị nhiễm độc, lại có tác dụng cách ly con người, vật nuôi với khu vực nguy hiểm.
Vùng đất A So - Nơi sự sống nảy mầm từ cái chết ảnh 1
Tẩy chất độc sau chiến tranh tại sân bay A So. (Nguồn: Báo Tuổi trẻ)

Đến nay Đông Sơn đã có 310 hộ dân với 1.360 nhân khẩu Pako, Tà Ôi Ka Tu, H’re, Van Kiều và Kinh sinh sống hòa thuận, khai phá và đưa 82ha đất vào trồng lúa nước, cơ bản đảm bảo được an ninh lương thực. Cùng với phong trào trồng 500ha rừng kinh tế, Đông Sơn còn đi đầu toàn huyện A Lười về chăn nuôi, với khoảng 301 con bò, 145 con trâu và hơn 9.000 con gia cầm. Xã đã có điện thắp sáng, đường giao thông nông thôn, trường học và trạm xá được đầu tư xây mới. Cuối năm 2011, thông qua sự tài trợ của nhóm đối thoại Viêt-Mỹ, một hệ thống cung cấp nước sạch được xây dựng, góp phần ổn định cuộc sống cho bà con các dân tộc thiểu số trên địa bàn. Họ còn được hưởng lợi từ những dự án của Nhà nước, các tổ chức trong và ngoài nước, được tập huấn kỹ thuật và hỗ trợ vốn để chăn nuôi lợn, gà, vịt và trồng rau dinh dưỡng, lúa ngô... thay cho cây công nghiệp dài ngày kém hiệu quả. Hồi sinh trên vùng đất chịu nhiều đau thương, huyện A Lưới đang lên kế hoạch xây dựng một khu chứng tích tái hiện lịch sử chiến tranh hóa học. Khu chứng tích bao gồm sân bay A So, các khu vực thiên nhiên bị tàn phá và vùng đối chứng, khu tổ hợp trung tâm (tại ngã ba Bốt Đỏ), trung tâm điều trị, phục hồi chức năng cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin, với nguồn kinh phí dự kiến trên 600 tỷ đồng. Chết chóc nay đã không còn hiển hiện trên vùng đất Đông Sơn, nỗi đau và mất mát của người dân nơi đây đang phần nào được khỏa lấp. Chủ tịch A Viết Minh khẳng định: “Chính quyền và người dân Đông Sơn sẽ nỗ lực hơn nữa để chiến tranh và hậu quả tàn khốc của nó không còn ám ảnh tương lai”./. Kỳ trước: Tẩy độc – Niềm hy vọng cho nạn nhân dioxin
Thu Hương (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục