Vững vàng những chiến sỹ tuổi đôi mươi nơi đảo xa

Câu chuyện về những chiến sỹ tuổi đôi mươi ở Trường Sa trong ngày đầu năm mới khiến người cứng cỏi nhất cũng không khỏi ngậm ngùi.

Những tiếng hô "Trường Sa Lớn", "Trường Sa Lớn" bắt đầu từ phía mũi tàu rồi len lỏi ra khắp các gian phòng khiến những người vốn vẫn còn choáng váng vì say sóng như chúng tôi rạng rỡ hẳn lên.

Sau cùng thì mảnh đất nơi địa đầu sóng gió cũng dần hiện ra phía chân trời. Ánh Mặt trời đến thật đúng lúc bởi cả đoàn đã lo phải ăn Tết trên biển sau hơn một tuần lênh đênh chỉ biết tới gió rít và những ngọn sóng khổng lồ.

Lẫn trong những bước chân háo hức ùa ra boong tàu, cậu thanh niên trẻ tên Thành Y Miên có lẽ sốt sắng hơn cả.

"Lên tới đảo an toàn, em mới dám gọi điện về nói thật với mẹ. Năm mới rồi mà chưa liên lạc chút nào với gia đình, em sợ mẹ lo," Miên vừa chạy vừa nói không thành tiếng.

Câu chuyện của những người chiến sỹ tuổi đôi mươi trên quần đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hoà) bắt đầu từ cậu lính trẻ giấu gia đình ra đảo khiến những người cứng cỏi nhất cũng không khỏi ngậm ngùi.

Sinh ra trong gia đình dân tộc Chăm nghèo ở tỉnh Ninh Thuận, Miên kể rằng, học tới lớp 10, người con lớn thứ hai trong nhà tới 7 miệng ăn như Miên đã phải nghỉ học để dành tiền nuôi các em.

Ở cái độ tuổi mới ngoài 16 ấy, Miên đã phải quăng quật khắp nơi, khi thì phụ hồ, lúc thì chạy việc khuân vác cho mấy người quen.

"Bố mẹ em ở quê làm ruộng, nhà lại đông người, nên nếu không đi làm thì các em không có tiền đi học," Miên bảo.

Thế rồi, tới tháng 2/2013, Miên nhập ngũ và tới cuối năm thì được nhận nhiệm vụ ra đảo Trường Sa Lớn.

Đưa mắt về phía hòn đảo xanh mướt đã gần ngay trước mặt, Miên cười rằng, cậu vẫn nhớ như in thời điểm nhận được tin sẽ ra làm nhiệm vụ ngoài đảo xa. Cậu thanh niên chưa một lần ra biển háo hức tới nghẹt thở, bụng bảo dạ sẽ điện thoại ngay về nhà báo tin.

Nhưng rồi, chỉ một chốc, Miên bỗng thay đổi hẳn. Cậu vẫn không quên những lần đi làm xa, vài ngày mới lấm lem về nhà, mẹ Miên thuơng con đến nhòa cả hai mắt. Mẹ Miên cũng một mực dặn con trai, dù nhà nghèo nhưng những công việc nguy hiểm, nhất là phải lênh đênh ngoài khơi thì nhất quyết không được làm.

Nói tới đó, giọng Miên bỗng lẫn loãng dần đi. Cậu bảo, nhìn anh em đồng đội hớn hở gọi điện về quê hỏi chuyện ngày Tết mấy hôm nay, Miên chẳng thể cầm được lòng. Cậu vẫn nhớ, 3 ngày sát Tết là lúc cả nhà Miên vui vẻ nhất, mọi người trong gia đình dù ở đâu cũng gọi nhau về lại ngôi nhà nhỏ. Đợi tới khi đông đủ cả, bố mẹ và mấy anh em Miên mới cùng nhau khởi hành, dành trọn vài ngày để đi viếng mộ tổ tiên, họ hàng.

Cậu lính trẻ quê Ninh Thuận cũng nhớ cả căn bếp đỏ lửa những ngày cả nhà quây quần bên nồi bánh chưng.

“Những chiếc bánh dài đặc sản người Chăm thường nhiều gạo và chắc nịch nhưng mùi vị thì chẳng thể nào chê được. Cả món cá lòng tong đặc sản quê em nữa. Ngày Tết mà thiếu là không được,” Miên kể.

Càng nghĩ về bố mẹ ở nhà, Miên lại càng chẳng dám nói thật khi nhận nhiệm vụ ra đảo. Cậu lo mẹ sẽ không cho đi và cũng sợ chính bản thân mình cũng không thể cứng cỏi mà lên đường làm nhiệm vụ.

Cậu thanh niên dân tộc Chăm cũng nhớ quân cảng Cam Ranh ngày khởi hành. Đắn đo mãi trước lúc lên tàu, Miên cũng không thể gọi báo tin cho mẹ. Mặc dù không phải là lần đầu xa nhà nhưng ở thời khắc ấy, Miên chẳng giấu rằng, cậu nhớ nhất những lời dặn của mẹ mà lần nào đi làm xa, cậu cũng chỉ ậm ừ cho qua rồi xách balô đi.

Trong những tâm sự ấy, giọng cậu thanh niên chưa một lần ra Trường Sa đã có lúc nghẹn lại, có khi đứt quãng nhưng nước mắt thì vẫn cứng cỏi chặn lại.

Thế nhưng, với những người lính trẻ đã có những tháng ngày nhận nhiệm vụ ngoài đảo xa như Bùi Huy Nghĩa (Quảng Ninh) cảm xúc không dễ dàng để kìm nén như thế.

Những giọt nước mắt cứ lặng lẽ tràn ra từ khuôn mặt nhỏ nhắn của người lính đang công tác trên đảo Đá Tây B khi chúng tôi hỏi về gia đình. Nếu tính cả thời gian nhập ngũ, đã mười mấy tháng rồi Nghĩa chưa về thăm nhà.

Gia đình Nghĩa có 4 chị em. Nghĩa là con thứ 3. Học hết cấp 3, cậu xin vào làm công nhân mỏ của một công ty ở địa phương. Công việc cũng vất vả nhưng dù sao cũng gần nhà. Thế nên, Nghĩa bảo, đây cũng là lần đầu tiên cậu đi xa gia đình lâu đến thế, lại đúng vào thời khắc khi mọi người đều sum họp với gia đình đón năm mới.

Chỉ tay về phía mặt biển lộng gió, cậu lính trẻ bảo, trừ những khi đứng gác, Nghĩa nhớ bố, mẹ và 3 anh, chị, em ở nhà nhiều lắm.

Nghĩa cũng bảo, ở đảo Đá Tây B cũng có nhiều đồng chí lần đầu xa nhà như cậu. Mấy anh em những ngày này dù nhớ cái Tết ở quên nhưng vẫn thấy ấm lòng vì những chuyến tàu mặc kệ sóng to gió lớn vẫn cố mang một chút quà từ đất liền ra với chiến sỹ.

“Mấy anh em từ nhiều tỉnh, tối tối vẫn kể cho nhau nghe chuyện đón Tết ở gia đình. Có nhiều món ăn hay tập tục lạ mà chưa bao giờ em được nghe,” cậu lính trẻ vô tư bảo.

Và, cậu thanh niên tuổi mới ngoài 20 tự hào nói với chúng tôi rằng, công việc nơi đầu sóng ngọn gió tuy vất vả nhưng cũng là nhiệm vụ vinh dự giúp mọi người trong đất liền yên tâm công tác.

Câu nói ấy khiến chúng tôi nhớ về cậu thanh niên Y Miên "trốn" gia đình để tới với Trường Sa. Trong cuộc điện thoại đầu tiên về nhà, Miên đã thú thật chuyện "tày đình" mà Miên đã giấu suốt cả tháng trời.

Nghe tiếng mẹ nức nở, Miên phải kể đủ thứ chuyện để mẹ yên lòng, mà đặc biệt nhất là cảm giác tự hào khi lần đầu được cầm súng canh giữ nơi hải đảo Trường Sa. Thêm cả bố Miên khuyên nhủ, mẹ cậu mới nguôi ngoai để dặn dò con trai yên tâm công tác tốt.

"Em đã hứa với mẹ sẽ làm tốt nhiệm vụ để có dịp sẽ về ăn Tết với cả nhà," Miên nói như reo./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục