Vượt 'bóng đen' COVID-19: Thương mại bứt phá sau 1 năm bình thường mới

Ngày 15/3/2023 đánh dấu tròn một năm bước vào giai đoạn “bình thường mới” khi Chính phủ quyết định mở cửa hoàn toàn nền kinh tế từ các thành công của chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19.
Vượt 'bóng đen' COVID-19: Thương mại bứt phá sau 1 năm bình thường mới ảnh 1Xuất khẩu tăng trưởng ngoạn mục sau khi Việt Nam bước vào giai đoạn bình thường mới hậu COVID. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Quyết định mở cửa toàn diện từ ngày 15/3/2022 có ý nghĩa rất lớn cho việc đẩy nhanh chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sau hai năm thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội để phòng chống dịch COVID-19.

Hơn nữa, việc nối lại các chuỗi cung ứng, được ví như "mạch máu" cho dòng chảy thương mại, đã tạo ra cú hích mạnh mẽ trong hoạt động mậu dịch, thúc đẩy xuất nhập khẩu của Việt Nam với các quốc gia sau thời gian dài bị dồn nén bởi đại dịch.

Sức bật mạnh mẽ

Hôm nay (15/3/2023) đánh dấu tròn một năm bước vào giai đoạn “bình thường mới” khi Chính phủ quyết định mở cửa hoàn toàn nền kinh tế. Việc mở cửa kịp thời trong bối cảnh tiêm vaccine phòng COVID-19 đã được thực hiện trên diện rộng, đồng thời, yếu tố “miễn dịch cộng đồng” bước đầu đã thể hiện rõ.

Việc mở cửa hoàn toàn nền kinh tế cũng được coi là dấu mốc mới cho ngành thương mại “bung nén” sau một thời gian dài chịu áp lực của đại dịch COVID-19 khi hàng trăm nhà máy phải đóng cửa, công nhân nhiều nơi phải nghỉ việc hoặc làm việc theo ca để phóng tránh đại dịch.

Nhìn lại hai năm vất vả để thích ứng với các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 Thân Đức Việt chia sẻ, May 10 có trụ sở chính tại quận Long Biên (Hà Nội) và các nhà máy ở 7 tỉnh, thành khác nên trong giai đoạn giãn cách khi dịch bùng phát lần thứ tư ảnh hưởng rất lớn đến việc duy trì ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Không những vậy, trong suốt giai đoạn 2020-2021, dịch lúc bùng phát diện hẹp, lúc bùng phát diện rộng khiến các doanh nghiệp luôn ở trạng thái "đóng, mở.” Để thích nghi với tình hình mới, chiến lược của May 10 là chủ động, linh hoạt, áp dụng công nghệ làm việc từ xa trong thực hiện các kế hoạch sản xuất, đặc biệt là đơn hàng xuất khẩu đi những nước lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản.

Vượt 'bóng đen' COVID-19: Thương mại bứt phá sau 1 năm bình thường mới ảnh 2Nhân viên Công ty hóa dệt Hà Tây thực hiện các biện pháp phòng chống dịch trong các dây chuyền sản xuất. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)

“Chiến lược của May 10 là luôn chủ động, linh hoạt trong việc thực hiện các kế hoạch sản xuất, đặc biệt là những đơn hàng xuất khẩu. Bởi không chỉ Việt Nam mà thế giới cũng có tình trạng như vậy, nếu không tính kỹ, phù hợp với sự "đóng, mở" của các nhà nhập khẩu rất dễ vỡ các hợp đồng...,” ông Thân Đức Việt tâm sự.

Tuy vậy, những nỗ lực sau khi kiểm soát được dịch bệnh cùng với kinh nghiệm đúc kết trong suốt quá trình phòng chống dịch đã giúp nhiều doanh nghiệp đạt được các kết quả tích cực.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty Cổ phần Dệt May Hòa Thọ (Hòa Thọ), vượt qua năm 2022 đầy thách thức, bằng sự chủ động trong công tác điều hành, cùng với đó là tinh thần, trách nhiệm và kỷ luật của toàn bộ cán bộ, công nhân viên Dệt May Hòa Thọ đã hoàn thành kế hoạch sản xuất-kinh doanh năm 2022 với doanh thu hợp nhất ước đạt 5.027 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất ước đạt 300 tỷ đồng.

“Mặc dù nhiều doanh nghiệp trong ngành xảy ra tình trạng thiếu đơn hàng nhất là ngành sợi trong quý1/2023, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại Lãnh đạo Tổng Công ty đã chỉ đạo các phòng/ban chức năng ký kết đủ hợp đồng cho các đơn vị trong toàn hệ thống, đảm bảo thu nhập và ổn định sản xuất cho gần 12.000 lao động,” ông Nguyễn Thanh Sơn cho hay.

Tại Việt Nam, ngành dệt may không những đóng góp cho phát triển kinh tế thông qua xuất khẩu hàng hóa mà còn đảm bảo an sinh xã hội. Nhìn vào bước đột phá liên tục trong giai đoạn vừa qua mới thấy hết những nỗ lực của ngành có số lao động lớn nhất cả nước.

Theo đó, từ con số 1,96 tỷ USD xuất khẩu thu về năm 2001 nhưng sau 20 năm (năm 2021) đã vượt lên 40,4 tỷ USD chiếm 12% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Vượt 'bóng đen' COVID-19: Thương mại bứt phá sau 1 năm bình thường mới ảnh 3Doanh nghiệp tận dụng cơ hội để thúc đẩy xuất khẩu. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Bước sang năm 2022, dù kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn, song toàn ngành vẫn đạt mục tiêu 44 tỷ USD, tăng 8,8% so với năm 2021.

Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) nhìn lại, đối với Vinatex, tại thời điểm 9 tháng năm 2022 đã đạt lợi nhuận 1.186 tỷ đồng, vượt hơn 24% so với kế hoạch được giao. Thế nhưng, do sự xoay chuyển của thị trường, những tháng cuối quý 3 và quý 4/2022, thị trường dệt may đổi chiều đi xuống.

“Trong những tháng đầu quý 4, các doanh nghiệp rơi vào tình thế khó khăn khi thị trường sợi gần như không có thanh khoản, thị trường may cầu giảm mạnh, thông tin báo lỗ từ các đơn vị liên tục được đưa về, đặc biệt là các đơn vị sợi. Điều này phần nào khiến kết quả hoạt động của một số đơn vị trong Tập đoàn chững lại,” ông Hiếu nhấn mạnh.

Giữ vững trụ cột phát triển

Thực tế cho thấy, xuất khẩu-một trong 3 trụ cột chính của sự phát triển của Việt Nam (cùng với đầu tư và tiêu dùng nội địa) đã có một bước nhảy vọt mạnh mẽ trong năm vừa qua bất chấp những tác động tiêu cực từ đại dịch và cuộc xung đột chính trị tại một số quốc gia trên thế giới.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, năm 2022 là năm có nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có bởi những diễn biến nhanh, phức tạp của kinh tế thế giới. Tuy nhiên, dưới sự vào cuộc kịp thời, hiệu quả của cả hệ thống chính trị, cùng với sự nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, nền kinh tế nước ta đã phục hồi mạnh mẽ, đạt được nhiều thành tựu quan trọng và tích cực.

Nổi bật là xuất nhập khẩu tiếp tục tăng trưởng, lập kỷ lục mới với tổng kim ngạch đạt khoảng 732 tỷ USD, duy trì xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp, đưa Việt Nam vào nhóm các nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế. Trong số đó, xuất khẩu tăng 10,5%, đạt khoảng 371,5 tỷ USD, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch được Quốc hội và Chính phủ giao.

“Đây là một kết quả hết sức quan trọng, khẳng định sự hiệu quả và tiến bộ trong công tác đối ngoại nói chung và công tác ngoại giao kinh tế nói riêng của Việt Nam,” ông Diên nhấn mạnh.

Năm 2022, Việt Nam xuất siêu tới 11,2 tỷ USD:

Vượt 'bóng đen' COVID-19: Thương mại bứt phá sau 1 năm bình thường mới ảnh 4

Còn theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, trong bối cảnh thị trường quốc tế gặp không ít khó khăn, kinh tế trong nước bị tác động mạnh bởi đợt dịch thứ 4, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu vẫn đạt con số kỷ lục mới và riêng xuất khẩu tăng trưởng 2 con số là một kỳ tích.

Đáng chú ý, đây không chỉ tăng về lượng mà chất lượng tăng trưởng xuất khẩu cũng rất đáng được quan tâm. Đó là trong danh mục hàng xuất khẩu có đến 39 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD (tăng 4 mặt hàng so với năm 2021), trong đó có 8 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD.

Bên cạnh đó, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu được chuyển dịch tích cực, phù hợp với mục tiêu chiến lược đề ra khi nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục là động lực cho tăng trưởng chính của xuất khẩu, chiếm 86,1% tổng kim ngạch (đạt 294,5 tỷ USD, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm trước).

“Đây là bức tranh rất sáng, giúp nền kinh tế không chỉ đứng vững trước “cơn bão” dịch bệnh mà còn thúc đẩy nhanh chóng sự phục hồi trong thời gian tới,” ông Vũ Đình Ánh nói.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cũng nhìn nhận những dấu hiệu tích cực qua một năm bình thường mới. Theo ông, những kết quả đạt được về xuất khẩu và cho giá trị gia tăng lớn ở nhiều ngành hàng phải kể đến nỗ lực của doanh nghiệp trong khai thác các thị trường truyền thống cũng như tìm kiếm, mở rộng ra các thị trường mới.

Bên cạnh thị trường xuất khẩu truyền thống và có kim ngạch lớn nhất, nhì của Việt Nam là Hoa Kỳ và Trung Quốc thì nhờ khai thác tốt các hiệp định thương mại tự do mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại Việt Nam-châu Âu (EVFTA),  Hiệp định Thương mại Việt Nam-Vương quốc Anh (UKVFTA) và Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), xuất khẩu sang các thị trường này đã tăng bình quân khoảng 20%, trong đó nhiều thị trường mới trong khu vực có các FTA này đã tăng trưởng rất ấn tượng.

Đại dịch đi qua cũng đã cho chúng ta nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, có giá trị sâu sắc. Đó chính là sự linh hoạt trong chính sách điều hành và sức sáng tạo, thích nghi của các doanh nghiệp để hàn gắn lại các chuỗi cung ứng, thậm chí sắp lại một bức tranh mới sau đứt gãy.

“Việc kiểm soát được dịch COVID cũng như thúc đẩy phục hồi sản xuất sau dịch là động lực rất lớn để tạo ra nguồn hàng cho hoạt động xuất khẩu cũng như là việc nhập khẩu nguyên liệu cần thiết để sản xuất các mặt hàng này,” ông Trần Thanh Hải chia sẻ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục