Vượt chỉ tiêu giảm phát khí thải nhà kính

Năm 2008, 149 doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đã tiết kiệm được tổng năng lượng là 30.800 TOE (tấn dầu tương đương) và 120.800 tấn CO2 phát thải khí nhà kính.

Năm 2008, 149 doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đã tiết kiệm được tổng năng lượng là 30.800 TOE (tấn dầu tương đương) và 120.800 tấn CO2 phát thải khí nhà kính.
 
Những doanh nghiệp này thuộc 5 ngành: sản xuất gạch, gốm sứ, dệt, giấy và bột giấy, chế biến thực phẩm, được sự trợ giúp về mặt khoa học, kỹ thuật của Dự án “Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng nhỏ và vừa” (thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ).
 
Đó chính là những thông tin đáng chú ý được đưa ra tại lễ tổng kết dự án được tổ chức tại thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), ngày 26/12.
 
Ông Nguyễn Bá Vinh thuộc dự án này cho hay, năm 2008, dự án đã “vượt mức” kế hoạch đề ra - chỉ tiêu là 150 dự án hỗ trợ các doanh nghiệp nhưng đã có 156 dự án được thực hiện với tổng số vốn khoảng 115 tỷ đồng.
 
“Đối với các doanh nghiệp khó khăn về vốn trong việc đầu tư trang thiết bị sản xuất để tiết kiệm năng lượng trong sản xuất, dự án đã đứng ra bảo lãnh cho các doanh nghiệp. Nguồn vay ưu đãi từ Quỹ bảo vệ Môi trường Việt Nam và Ngân hàng Công thương,” ông Vinh nói.
 
Anh Lý Công Tuấn (ấp 2, xã Khánh Bình, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương), một cơ sở được hỗ trợ kỹ thuật để sản xuất gạch chuyển đổi từ mô hình lò gạch thủ công sang lò gạch liên tục kiểu đứng, phấn khởi: “Từ khi được hỗ trợ kỹ thuật để xây lò gạch không khói, tôi không còn phải lo lắng đến việc đền bù thiệt hại cho hoa màu của bà con do khói lò gạch gây ra. Ngoài ra, loại lò này được đốt liên tục nên giảm chi phí chất đốt. Không những vậy, sản phẩm gạch ra đều, đẹp và bán chạy trên thị trường so với lò kiểu truyền thống.”
 
Ông Phạm Hữu Giục, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ các ngành Kinh tế - Kỹ thuật (thuộc Bộ Khoa học Công nghệ) nhận định: giá năng lượng tuy đã giảm nhưng khả năng tăng trở lại là rất lớn do năng lượng hóa thạch ngày càng cạn kiệt, năng lượng tái tạo thì chưa đủ để thay thế. Bởi vậy, nhu cầu tiết kiệm năng lượng khi nào cũng trở nên bức thiết.
 
Thực tế, các doanh nghiệp khi áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã tiết kiệm được 20% năng lượng, giảm khí độc, khói bụi cho các làng nghề (gốm Bát Tràng, Chu Đậu…). Qua đó nhằm giảm bớt phát thải khí nhà kính, góp phần ngăn chặn biến đổi khí hậu.
 
Dự án “Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng nhỏ và vừa” được bắt đầu từ năm 2006 và kết thúc vào năm 2010, với sự trợ giúp của Quỹ Môi trường Toàn cầu, thuộc Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP)./.
 


Kỳ Dương (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục