Warner Bros đồng hành lẫy lừng cùng Hollywood

Nói đến Hollywood  không thể bỏ qua Warner Bros - hãng phim đã làm góp phần tạo nên tên tuổi của kinh đô điện ảnh lừng danh này.
Nói đến ngành công nghiệp điện ảnh phải nói đến Hollywood. Đã nói tới Hollywood, không thể bỏ qua Warner Bros. Chính hãng này đã làm góp phần tạo nên tên tuổi của kinh đô điện ảnh lừng danh này.

Trong lịch sử hơn 100 năm của ngành điện ảnh thế giới, gần như không có hãng phim nào phát đạt nhờ điện ảnh và cũng góp phần quyết định vào sự phát triển của điện ảnh đến mức được công nhận là Nghệ thuật Thứ 7 như hãng phim Warner Bros. Và cũng chẳng có hãng nào khác để lại dấu ấn sâu đậm trong ngành nghệ thuật này như Warner Bros.

Lý do nằm ở khả năng của những người đã sáng lập ra nó và lý do ở chỗ nó gần như đã đồng hành cùng điện ảnh từ khi ngành nghệ thuật này ra đời.

Tiểu sử đáng được lên phim

Warner Bros, hay còn được gọi đơn giản là WB, được bốn anh em trai nhà Warner chính thức thành lập năm 1923 ở Hollywood với tên gọi Warner Brothers Pictures, Inc.. Ngày nay, Warner Bros là một trong 7 công ty độc lập thuộc tập đoàn Time Warner.

Nó vẫn cho ra đời những bộ phim có thể lôi cuốn khán giả trên khắp thế giới tới rạp chiếu phim. Nó đã giành được hơn 100 giải Oscar của điện ảnh Mỹ. Nó vẫn là thương hiệu sáng giá và đắt giá cho dù ngay từ năm 1956 đã không còn là của riêng những người đã lập ra nó.

Thương hiệu WB vẫn còn giá trị to lớn tới mức tập đoàn Time khi mua về không những không xóa sổ nó để độc tôn trong thế giới giải trí, mà phải gắn nó vào tên của chính mình để làm thành Time Warner.

Lịch sử thương hiệu này cũng đồng thời là lịch sử của kinh đô điện ảnh Hollywood nói riêng và lịch sử điện ảnh Mỹ nói chung. Cái tiểu sử ấy và cái thân thế sự nghiệp đó rất đáng được dựng thành phim, nhưng Warner Bros lại chưa khi nào có ý định ấy.

Tiền thân của Warner Bros là một huyền thoại mà người Mỹ nào cũng tin là thật. Huyền thoại ấy bắt đầu từ năm 1903. Năm ấy, bốn anh em trai nhà Warner là Jack, Samuel, Harold và Albert thuyết phục được cha - làm nghề vận tải, cung ứng hàng hóa bán đi con ngựa và chiếc đồng hồ vàng để mua về một trong những chiếc máy chiếu phim được sản xuất ra đầu tiên trên thế giới với tên gọi là Edison Kinetoskop.

Thời đó chưa có rạp chiếu phim như bây giờ mà chỉ có những nơi chiếu phim lưu động, những bãi trống có thể tập trung đông khán giả và dựng phông chiếu. Bốn anh em này thành lập nhóm chiếu phim lưu động và làm ra những đồng tiền đầu tiên từ đó. Họ đặt tên nhóm là Warner Brothers (Anh em nhà Warner). Họ là người Do thái di cư sang Mỹ, gần như thất học và cũng chẳng phải là những người đi tiên phong trong việc chiếu phim lưu động để kiếm tiền.

Năng nhặt rồi cũng có ngày chặt bị, họ xây dựng được rạp chiếu phim riêng và thành lập được mạng lưới cho thuê mượn phim riêng. Họ là người đầu tiên đặt nền móng cho những gì mà không có nó thì nền điện ảnh Mỹ không thể lừng danh và phát triển như ngày nay: có rạp cố định để chiếu phim và có mạng lưới tiêu thụ phim.

Sau 7 năm làm ăn phát đạt, lần đầu tiên Warner Brothers đứng trước nguy cơ “tồn tại hay không tồn tại”. Nhà phát minh nổi tiếng Thomas Alva Edison và cộng sự thành lập ra Công ty bảo vệ bản quyền phim truyện (MPPC), thâu tóm gần như tất cả bản quyền quan trọng đối với ngành công nghiệp đang trên đà phát triển mạnh mẽ này. Những ai muốn dùng phim và máy chiếu đều phải trả tiền bản quyền. Mãi đến năm 1912, một tòa án ở Mỹ mới cấm hình thức độc quyền này, giúp cho Warner Brothers thoát chết.

Anh em nhà Warner tận dụng cơ hội để tạo dựng sự khởi đầu mới. Họ rời Ohio sang California, tránh xa phạm vi ảnh hưởng độc quyền của MPPC. Ngày nay, không ít nhà phê bình và nghiên cứu lịch sử điện ảnh Mỹ cho rằng, nếu không có sự di chuyển này của Warner Brothers thì chắc gì đã có một kinh đô điện ảnh tên là Hollywood ở California.

Từ chiếu phim là chính, anh em nhà Warner chuyển sang tập trung vào sản xuất phim và tiêu thụ phim. Sau những thất bại ban đầu, mãi đến năm 1917 họ mới có được thành công đầu tiên làm chấn động cả nền công nghiệp điện ảnh Mỹ với bộ phim “Bốn năm tôi ở nước Đức” kể về những trải nghiệm của đại sứ Mỹ ở Đức James W. Gerald.

Năm 1922, họ chính thức thành lập Warner Brothers Pictures, Inc.. Một năm sau, hãng phim này có được “minh tinh màn bạc” đầu tiên, đó là chú chó Rin Tin Tin, giống chó Pháp, mà một người lính nhặt được trên đường phố.

Minh tinh màn bạc này đáp ứng đầy đủ mọi yêu cầu mà Warner Bros đặt ra đối với các ngôi sao điện ảnh: thù lao thấp, không õng ẹo và đỏng đảnh, không đòi hỏi đặc quyền đặc lợi và rất dễ thay thế. Những bộ phim mà chú chó này sắm vai giúp cho Warner Bros nổi danh như cồn.

Những dấu mốc vàng son của thời oanh liệt

Thành công của Warner Bros được hậu thế chỉ ra nhờ bởi hai nguyên nhân. Thứ nhất, bốn anh em này quyết tâm làm giàu, vươn lên giành địa vị chính trị xã hội, và rất tiết kiệm. Khi nghèo họ đã rất tiết kiệm. Khi giàu có và nổi tiếng họ lại càng tiết kiệm hơn.

Thứ hai, họ bổ sung cho nhau như không thể bổ sung tốt hơn được nữa cho nhau. Tính tình khác nhau và khả năng khác nhau được họ cộng hưởng thành thế mạnh cạnh tranh mà đối thủ không có được. Năm 1925, họ đã trở thành triệu phú và Warner Bros mạnh cả về thế lẫn về lực đến mức có thể mua lại bất cứ hãng phim nào khác ở Mỹ lúc đó hoặc có thể làm đối thủ lụi bại.

Samuel Warner cũng còn là người làm ra bộ phim có âm thanh đầu tiên trên thế giới, mở ra không chỉ một kỷ nguyên mới cho ngành nghệ thuật thứ 7, mà còn đưa Warner Bros thành người khổng lồ trong ngành nghệ thuật này. Vậy nên thật bi thương cho gia đình này khi chính Samuel đã không được chứng kiến thành quả sáng tạo của mình. Năm 1927, khi bộ phim có tiếng đầu tiên “The Jazz Singer” được trình chiếu thì Samuel đã qua đời trước đó chỉ một ngày vì xuất huyết não.

Warner Bros sản xuất phim như Henry Ford sản xuất xe ôtô trên băng chuyền. Nhanh, nhiều và rẻ là tiêu chí của Warner Bros. Minh tinh nào vòi vĩnh đòi tiền thù lao cao thì kịch bản được sửa đổi để nhân vật của họ chết sớm.

Warner Bros cũng sáng lập nên dòng phim “gangster” chủ yếu chỉ vì không muốn sử dụng đến hai nhân vật nam và nữ như trong phim tình cảm, không phải thuê viết kịch bản mà lấy luôn ý tưởng trong sách truyện.

Thời đại khủng hoảng ở Mỹ, Warner Bros tập trung làm phim rẻ tiền và chất lượng nghệ thuật thấp dành riêng cho khán giả là người thất nghiệp dùng rạp chiếu phim làm nơi khuây khỏa. "Casablanca" là trường hợp ngoại lệ trong số phim của Warner Bros ở thời kỳ này.

“Cuốn theo chiều gió” là một nỗi đau của Warner Bros vì hãng đã từ chối không mua kịch bản với lý do quá đắt. Những thập kỷ sau, công chuyện kinh doanh của hãng khó khăn hơn, nhưng giá trị của thương hiệu vẫn không ngừng tăng.

Warner Bros đã trở thành cây đa cây đề trong thế giới điện ảnh ở Mỹ. Tháng 5/1956, anh em nhà Warner quyết định bán hãng phim cho tập đoàn Time. Thời mới, người mới, dẫn tới chính sách mới. Chất lượng nghệ thuật được đề cao trong hãng. Số phim được sản xuất giảm đi đáng kể và thương hiệu này tiếp tục tồn tại, phát triển và tăng giá đến tận ngày nay cũng nhờ bởi sự chuyển hướng đó./.

Bài viết này được đăng tải theo thỏa thuận bằng văn bản giữa Tạp chí Doanh nhân thuộc VCCI và Vietnam+
(Doanh nhân/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục