WB: Khu vực Nam Sahara có thể rơi vào suy thoái lần đầu sau 25 năm

Trong báo cáo Pulse, WB dự báo kinh tế của khu vực Nam Sahara trong năm 2020 sẽ sụt giảm từ 2,1% đến 5,1% so với mức tăng trưởng 2,4% hồi năm ngoái.
Một trạm khai báo y tế nhằm ngăn chặn dịch bệnh COVID-19 tại Hammanskraal, Nam Phi, ngày 25/3/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Một trạm khai báo y tế nhằm ngăn chặn dịch bệnh COVID-19 tại Hammanskraal, Nam Phi, ngày 25/3/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 9/4 cảnh báo sự lây lan nhanh chóng của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 có thể đẩy khu vực Nam Sahara rơi vào suy thoái trong năm 2020.

Trong báo cáo Pulse, được công bố mỗi năm 2 lần, WB dự báo kinh tế của khu vực này trong năm 2020 sẽ sụt giảm từ 2,1% đến 5,1% so với mức tăng trưởng 2,4% hồi năm ngoái.

Dịch COVID-19 cũng sẽ khiến giá trị sản xuất của khu vực này chịu tổn thất từ 37 tỷ USD đến 79 tỷ USD.

Theo WB, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế có thể giảm mạnh tại 3 nền kinh tế lớn nhất khu vực gồm Nigeria, Angola, và Nam Phi do tăng trưởng và đầu tư liên tục giảm sút.

[WHO cảnh báo cơ hội kiềm chế dịch COVID-19 tại châu Phi đang hẹp dần]

Các nước xuất khẩu dầu cũng sẽ chịu tác động nặng nề, trong khi tăng trưởng của Liên minh Kinh tế và Tiền tệ Tây Phi cũng như Cộng đồng Đông Phi có thể sụt giảm đáng kể.

Thể chế tài chính này còn cho rằng sự lây lan của dịch COVID-19 có thể dẫn tới cuộc khủng hoảng an ninh lương thực tại châu Phi, với sản lượng lương thực được dự báo giảm 2,6% thậm chí có thể lên tới 7% do giao thương bị phong tỏa.

Nhập khẩu lương thực sẽ giảm đáng kể từ 13-25% do giá cao và nhu cầu nội địa giảm sút.

Phó Tổng Giám đốc WB khu vực châu Phi Hafez Ghanem cho rằng đại dịch COVID-19 đang thử thách giới hạn của các xã hội cũng như các nền kinh tế trên khắp thế giới, trong đó các nước châu Phi có thể chịu tác động nặng nề.

Thống kê cho thấy châu lục này đã ghi nhận ít nhất 10.956 ca mắc COVID-19, với 562 người tử vong.

Trước tình hình trên, WB và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đang đẩy nhanh việc cung cấp quỹ khẩn cấp cho các nước châu Phi cũng như những nước khác nhằm đối phó với dịch bệnh cũng như giảm thiểu tác động từ việc phong tỏa.

Bên cạnh đó, các thể chế cũng kêu gọi Trung Quốc, Mỹ và các chủ nợ song phương khác tạm thời giãn nợ cho các quốc gia nghèo nhất để họ có thể tận dụng tiền nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh và giảm thiểu tác động tài chính.

Ông Cesar Calderon, nhà kinh tế trưởng của WB đồng thời là tác giả chính của báo cáo trên, cho rằng các nhà hoạch định chính sách WB và châu Phi cần tập trung củng cố hệ thống y tế cũng như nhanh chóng hành động nhằm giảm thiểu sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng lương thực.

Bên cạnh đó, cần đưa ra các chương trình bảo vệ xã hội, trong đó có chuyển tiền mặt, phân phối thực phẩm và miễn lệ phí, để hỗ trợ người dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục