WB nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới

WB lạc quan về sự phục hồi nhanh của buôn bán hàng hóa thế giới, tuy nhiên khủng hoảng nợ sẽ cũng gây trở ngại cho kinh tế thế giới.
Trong báo cáo mới nhất về Triển vọng kinh tế toàn cầu công bố ngày 10/6, Ngân hàng Thế giới (WB) đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2010 và 2011 lên mức 2,9 - 3,3%, và năm 2012 lên mức 3,2-3,5%.

Các nước đang phát triển được dự báo tăng từ 5,7% đến 6,2% hàng năm trong thời gian từ năm 2010 đến 2012. Tuy nhiên, các nước có thu nhập cao được dự báo chỉ tăng trưởng từ 2,1% đến 2,3% trong năm 2010, mức tăng chưa đủ để bù đắp mức giảm 3,3% của các nền kinh tế này trong năm 2009.

WB lạc quan về sự phục hồi nhanh của buôn bán hàng hóa thế giới với dự báo tăng 21% trong năm 2010 và 8% trong 2 năm 2011-2012. Hơn 50% mức tăng nhu cầu thương mại toàn cầu trong các năm 2010-2012 là từ các nước đang phát triển.

WB cho biết nền kinh tế toàn cầu tiếp tục phục hồi nhanh hơn dự báo nhưng khủng hoảng nợ của châu Âu đã tạo ra những trở ngại mới trên con đường phục hồi bền vững trung hạn của nền kinh tế thế giới.

WB cũng cảnh báo rằng sự phục hồi của nền kinh tế thế giới về trung hạn đang phải đối phó với nhiều trở ngại lớn như dòng vốn quốc tế tiếp tục giảm, thất nghiệp cao, năng lực nhàn rỗi không được huy động vượt quá 10% ở nhiều nước phát triển.

Mặc dù tác động của cuộc khủng hoảng nợ của châu Âu cho đến nay đã được kiềm chế nhưng nợ chủ quyền vẫn đang tăng có thể làm lãi suất vay các nguồn vốn tín dụng trở nên quá cao và cản trở đầu tư và tăng trưởng ở các nước đang phát triển.

Vì vậy, WB không loại trừ khả năng một số nước đang phát triển ở châu Âu và Trung Á rơi vào khủng hoảng tài chính vòng hai do nợ xấu vẫn tăng, tốc độ phục hồi kinh tế chậm và tỷ lệ nợ ngắn hạn cao đe dọa làm vỡ nợ các ngân hàng.

Báo cáo của WB cũng cho rằng trong vòng 20 năm tới, cuộc chiến chống đói nghèo có thể gặp khó khăn nếu các nước bị buộc phải cắt giảm đầu tư sản xuất và đầu tư phát triển nguồn nhân lực do viện trợ phát triển bị cắt giảm, cũng như thu nhập từ thuế giảm.

Nếu viện trợ phát triển song phương giảm như đã từng xảy ra trong quá khứ, tốc độ tăng trưởng dài hạn của các nước đang phát triển bị tác động và điều đó có nghĩa là số người trên thế giới rơi vào tình trạng cực nghèo sẽ tăng thêm 26 triệu người nữa vào năm 2020./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục