WB: Nợ công của Việt Nam vẫn ở mức bền vững

Giám đốc Ngân hàng Thế giới, bà Kwakwa, cho biết nợ công của Việt Nam vẫn ở mức bền vững và không đáng quan ngại.

Tuy nhiên, bà Kwakwa cũng đưa ra khuyến nghị, Việt Nam cần nhận thức rất rõ, là một quốc gia bao giờ cũng phải để ý đến nợ của mình một cách cẩn trọng để tránh không vay vượt quá khả năng trả nợ, hoặc là vay nợ để làm những việc không hiệu quả, không nhắm vào các lĩnh vực ưu tiên của nền kinh tế.


Trước thềm Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG), bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng thế giới (WB) tại Việt Nam, cho biết, Hội nghị CG lần này sẽ tập trung thảo luận xung quanh chủ đề: “Ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển bền vững”.

Những cơ hội, thách thức và tương lai của quan hệ đối tác phát triển khi Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình…sẽ được các nhà tài trợ đưa ra xem xét và thảo luận

Nợ công cao nhưng không đáng ngại

Một trong những nội dung quan trọng của các kỳ CG được các đại biểu thảo luận là về vấn đề hiệu quả viện trợ.

Theo WB, cứ từ 1 đến 2 năm một lần, WB cùng với Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) tiến hành phân tích tình hình nợ của các quốc gia, để xem các quốc gia nợ có bền vững hay không, tỷ trọng nợ của các quốc gia như thế nào…

”Những phân tích mà hai bên mới tiến hành với Việt Nam cho thấy, vị thế nợ của Việt Nam vẫn bền vững,” bà Kwakwa khằng định.

Song, bà cũng nhấn mạnh: “Các đánh giá của WB về khả năng trả nợ của Việt Nam chỉ được dựa trên số liệu chính thức mà chúng tôi nhận được.” 

Theo chuyên gia kinh tế trưởng WB, ông Deepak Mishra, nói đến nợ công là nói đến khoản nợ nước ngoài. “Tôi không hoàn toàn không quan ngại gì với nợ công của Việt Nam. Cho dù Việt Nam có nợ công cao, nhưng nếu các yếu tố cơ bản của nền kinh tế mạnh thì cũng không có gì đáng ngại” - ông Mishra đánh giá.

Tuy nhiên bà Kwakwa cũng đưa ra khuyến nghị, cả Chính phủ Việt Nam và WB cũng cần nhận thức rất rõ, là một quốc gia bao giờ cũng phải để ý đến nợ của mình một cách cẩn trọng.

”Đối với Việt Nam thì chúng tôi tin tưởng rằng chính sách và phương thức quản lý của chúng ta là cẩn trọng, chúng ta biết sử dụng các biện pháp và chính sách phù hợp,” bà Kwakwa khẳng định.

Tôi nghĩ rằng, đối với một quốc gia, bản thân việc vay nợ cao không phải là điều xấu, bởi vì chúng ta cần vay nợ để đảm bảo cho việc phát triển của mình. Cho nên bản thân nợ và nợ nước ngoài không phải xấu.

Theo bà Kwakwa, rủi ro là khi chúng ta vay quá nhiều, hơn là khả năng chúng ta có thể trả nợ, hoặc là chúng ta vay nợ để làm những việc không mang lại hiệu quả, không mang lại năng suất, không mang lại kết quả cho nền kinh tế, không nhắm vào các lĩnh vực ưu tiên của nền kinh tế, thì đó mới là những điểm chúng ta cần cẩn trọng.

Cũng đồng quan điểm, Trưởng đại diện IMF tại Việt Nam Benedict Bingham cho rằng, trong giai đoạn này, cách tốt nhất để ổn định nợ công là tăng tỷ lệ tiết kiệm trong nền kinh tế, sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay cũng như khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân trong các lĩnh vực đầu tư phát triển (đặc biệt là cơ sở hạ tầng).

Nếu thực hiện được hiệu quả những chính sách này, đại diện IMF cho rằng Việt Nam hoàn toàn có thể giữ tỷ lệ nợ công ở mức ổn định trong giai đoạn từ nay đến năm 2015 trước khi chứng kiến con số này giảm mạnh trong những năm tiếp theo. Ở kịch bản tốt đẹp nhất, nợ công của Việt Nam có thể xuống sát 40% GDP vào năm 2020.

Tuy nhiên, ông Benedict Bingham cũng cho rằng những dự báo lạc quan này chỉ xảy ra nếu các điều kiện chung của kinh tế thế giới không có nhiều xáo trộn và Việt Nam đi đúng hướng trong việc kiểm soát nợ công

Nên mừng khi cam kết viện trợ ít đi

Trả lời câu hỏi của phóng viên về số vốn ODA cam kết liên tục được công bố tăng trong các kỳ CG, tuy nhiên, mỗi năm tốc độ giải ngân chỉ khoảng 2 tỷ USD, bà Kwakwa thừa nhận rằng, con số giải ngân như vậy là hơi thấp, không chỉ nguồn vốn ODA mà cả giải ngân vốn đầu tư nước ngoài FDI cũng chậm.

Tuy nhiên, bà Kwakwa cho rằng, ở một chừng mực nào đó, thì một phần cũng do thủ tục của các quốc gia, các nhà tài trợ nhiều khi quá cồng kềnh, gây cản trở việc giải ngân. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhìn nhận vấn đề ở cả hai phía, khi công tác quản lý và thực hiện ở Việt Nam cũng còn kém.

”Hiện nay các nhà tài trợ và Việt Nam đều đang hợp tác chặt chẽ để tìm ra phương thức nào đó hiệu quả nhất, nhằm thúc đẩy nhanh tốc độ giải ngân, để cho chúng ta đạt được kết quả tốt hơn nữa trong tương lai, để cho Việt Nam có thể tiếp cận nguồn vốn một cách hiệu quả hơn,” bà Kwakwa khẳng định.

Liên quan đến con số cam kết công bố chính thức tại CG, bà Kwakwa cho biết, CG thường không tập trung quá nhiều vào luồng vốn tài chính. Bởi vì, khi mà Việt Nam phát triển hơn, thì chúng ta biết là Việt Nam sẽ ngày càng ít cần đến nguồn vốn từ các nhà tài trợ.

Tại hội nghị CG, quan trọng là đối thoại giữa Chính phủ Việt Nam với các nhà tài trợ, chứ không phải là những con số cam kết viện trợ.

Kể cả khi các con số này đi xuống, chúng ta cũng không nên nghĩ rằng các nhà tài trợ ít chú ý đối với Việt Nam, hay giảm đi sự thích thú đối với Việt Nam, mà nhiều khi nó là ngược lại. Khi chúng ta nhìn thấy con số này ít đi thì chúng ta có thể hiểu là các nhà tài trợ tin tưởng hơn và thấy rằng Việt Nam không cần đến các nhà tài trợ nhiều như trong quá khứ, khi Việt Nam gặp khó khăn nữa.

Trong tương lai, Việt Nam cũng sẽ trở thành nhà tài trợ. Đây là kịch bản tốt đẹp nhất cho Việt Nam. Khi trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, Việt Nam có cơ hội trưởng thành hơn, cất lên tiếng nói của mình rõ ràng hơn, mạnh mẽ và thuyết phục hơn. Việt Nam được các quốc gia khác cần tới như một đối tác ngang bằng. Tuy nhiên, khi trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, quan hệ giữa Việt Nam với các đối tác phát triển sẽ có sự thay đổi. Việt Nam sẽ ít nhận được khoản tài trợ ưu đãi và viện trợ không hoàn lại. Việt Nam sẽ nhận các vốn viện trợ với các điều kiện theo hướng thương mại./.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tổng giá trị giải ngân 11 tháng qua đạt 2,346 tỷ USD, bằng 97% so với kế hoạch giải ngân của cả năm và tăng 17% so với cùng kỳ năm 2009. Tổng giá trị vốn ODA được ký kết thông qua các Hiệp định ước đạt khoảng 2,722 tỷ USD./.
Minh Thúy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục