WB: Việt Nam cần có kế hoạch phát triển vùng tốt

Ông Martin Rama, Quyền Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho rằng để phát triển kinh tế bền vững, Việt Nam cần phải có kế hoạch phát triển vùng tốt, hỗ trợ các lợi thế cạnh tranh của các vùng, kết hợp sử dụng tài nguyên thiên nhiên và kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng, tránh đầu tư chồng chéo và trùng lặp.

Ông Martin Rama, Quyền Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho rằng để phát triển kinh tế bền vững, Việt Nam cần phải có kế hoạch phát triển vùng tốt, hỗ trợ các lợi thế cạnh tranh của các vùng, kết hợp sử dụng tài nguyên thiên nhiên và kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng, tránh đầu tư chồng chéo và trùng lặp.
 
Phát biểu tại buổi công bố Báo cáo Phát triển Thế giới 2009, ngày 20/11 tại Hà Nội, ông Martin Rama đánh giá Việt Nam đã làm khá tốt công tác quy hoạch đô thị. Tại Việt Nam, quá trình toàn cầu hóa đã cho thấy vai trò của các trung tâm kinh tế năng động như Thành Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng và một số thành phố khác. 
 
Ông cũng khuyến cáo Việt Nam cần lưu ý trong quy hoạch để vừa hỗ trợ sự năng động của các thành phố này, vừa chia sẻ những lợi ích kinh tế cho mọi người dân nói chung.
 
Về Báo cáo Phát triển thế giới 2009 với chủ đề “Tái định dạng địa kinh tế,” ông Martin Rama cho rằng đây là báo cáo khá toàn diện giúp các nhà hoạch định chính sách của các nước nhìn nhận sự phát triển thế giới qua việc định dạng lại khung tranh luận chính sách về đô thị hóa, phát triển lãnh thổ và hội nhập khu vực. 
 
Báo cáo chỉ ra rằng chính sách phát triển lâu dài và có hiệu quả nhất là những chính sách khuyến khích hội tụ địa lý và hội nhập kinh tế, kể cả trong nước và quốc tế. Báo cáo không nhất trí với giả định cho rằng các hoạt động kinh tế phải dàn trải theo địa lý để có thể có lợi cho người nghèo trên thế giới bởi nếu cố gắng dàn trải hoạt động kinh tế có thể sẽ giảm tăng trưởng và không đóng góp gì nhiều cho công cuộc giảm nghèo. 
 
Bởi vậy, bản báo cáo cũng gợi ý chính phủ các quốc gia nên khuyến khích hội nhập kinh tế, mà trọng tâm là sự di chuyển của con người, hàng hóa và ý tưởng từ nơi này đến nơi khác, để tăng trưởng nhanh và có lợi cho mọi người./. 
 
Hồng Hạnh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục