WhatsApp đồng ý minh bạch hơn về chính sách quyền riêng tư

WhatsApp xác nhận rằng dữ liệu cá nhân của người dùng sẽ không được chia sẻ cho bên thứ ba hoặc các công ty khác thuộc quản lý của Meta bao gồm cả Facebook.
WhatsApp đồng ý minh bạch hơn về chính sách quyền riêng tư ảnh 1Biểu tượng ứng dụng WhatsApp. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 6/3, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết WhatsApp, ứng dụng tin nhắn thuộc sở hữu của tập đoàn Meta Platforms, đã đồng ý minh bạch hơn về những thay đổi trong chính sách bảo mật quyền riêng tư được áp dụng vào năm 2021, sau một loạt khiếu nại từ các cơ quan tiêu dùng khắp khu vực.

Năm ngoái, Tổ chức Người tiêu dùng châu Âu (BEUC) và mạng lưới các cơ quan quản lý tiêu dùng châu Âu cáo buộc WhatsApp đã không sử dụng ngôn từ đơn giản và dễ hiểu để làm rõ những thay đổi trong chính sách, vi phạm luật của khối này.

Ủy viên tư pháp của EU, ông Didier Reynders nhấn mạnh người dùng có quyền được biết chính xác nội dung thỏa thuận để quyết định xem liệu có muốn dùng nền tảng đó nữa hay không.

Hiện WhatsApp đã đồng ý giải thích những thay đổi trong hợp đồng với người dùng EU, cũng như tác động của chính sách mới đối với quyền lợi của người dùng, hỏi ý kiến người dùng về việc có chấp nhận  những thay đổi hay không, đồng thời đảm bảo người dùng có thể dễ dàng tắt thông báo hiển thị cập nhật mới.

WhatsApp cũng xác nhận rằng dữ liệu cá nhân của người dùng sẽ không được chia sẻ cho bên thứ ba hoặc các công ty khác thuộc quản lý của Meta bao gồm cả Facebook.

[WhatsApp bị phạt 5,5 triệu euro tại châu Âu do vi phạm luật bảo mật]

Hôm 19/1 vừa qua, ứug dụng WhatsApp đã bị phạt 5,5 triệu euro (5,95 triệu USD) vì tiếp tục vi phạm luật về bảo vệ quyền riêng tư của EU.

Ủy ban bảo vệ dữ liệu (DPC) Ireland - quốc gia có trụ sở chính của Facebook, Twitter ở châu Âu, hành động như cơ quan quản lý quyền riêng tư của EU đối với Meta - cho biết WhatsApp phải xem lại cách sử dụng dữ liệu cá nhân để cải tiến dịch vụ.

Quyết định của DPC được đưa ra sau lệnh tương tự trong tháng 1 đối với các nền tảng chính khác của Meta, là Facebook và Instagram, trong đó Meta được yêu cầu xem lại việc họ đã dựa trên cơ sở pháp lý nào để quảng cáo có mục tiêu thông qua dữ liệu cá nhân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục