WHO bàn kế hoạch đối phó với cúm A/H1N1

Ngày 18/5, hội nghị thường niên lần thứ 62 Hội đồng Y tế Thế giới (WHA), cơ quan hoạch định chính sách tối cao của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đã khai mạc tại Geneva (Thụy Sĩ) nhằm thảo luận về các vấn đề sức khỏe toàn cầu, đặc biệt là cuộc chiến chống dịch cúm A (H1N1) đang hoành hành hiện nay.

Ngày 18/5, hội nghị thường niên lần thứ 62 Hội đồng Y tế Thế giới (WHA), cơ quan hoạch định chính sách tối cao của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đã khai mạc tại Geneva (Thụy Sĩ) nhằm thảo luận về các vấn đề sức khỏe toàn cầu, đặc biệt là cuộc chiến chống dịch cúm A (H1N1) đang hoành hành hiện nay.

Theo tuyên bố đưa ra trước hội nghị, WHO cho biết toàn bộ 193 nước thành viên WHO sẽ tập trung thảo luận về kế hoạch chuẩn bị nhằm đối phó với khả năng cúm A (H1N1) bùng phát thành đại dịch, việc điều chế, phân bổ cũng như tiếp cận với các nguồn vắcxin.

Ngoài những vấn đề trên, hội nghị cũng sẽ thảo luận về chương trình chống biến đổi khí hậu, chăm sóc sức khỏe ban đầu, giám sát thành quả đạt được trong khuôn khổ Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ liên quan đến y tế và những yếu tố xã hội tác động đến sức khỏe...

Tổng Giám đốc WHO Margaret Chan sẽ đề xuất kế hoạch, theo đó công ty nào sẽ bào chế vắcxin, với số lượng bao nhiêu và phân bổ thế nào cho hợp lý nhất. Theo bà Chan, vấn đề sản xuất vắcxin vào thời điểm này là rất quan trọng, đặc biệt đối với các nước nằm ở Nam bán cầu, nơi dịch cúm mùa đang bắt đầu.

Tuy nhiên, để có đủ vắcxin đối phó với nguy cơ xảy ra đại dịch như cúm A (H1N1) hiện nay, các công ty dược sẽ phải chuyển hướng sản xuất vắcxin cho cúm mùa hiện nay sang vắcxin phòng đại dịch cúm A (H1N1).

WHO ước tính mỗi năm các công ty dược có thể sản xuất tới 2 tỷ liều vắcxin phòng cúm A (H1N1), song số lượng thuốc đầu tiên này cũng không đủ để phòng cúm trong 4-6 tháng.

Mặc dù diễn ra trong 5 ngày, song hội nghị WHA năm nay đã được cắt ngắn so với kế hoạch ban đầu do bộ trưởng y tế các nước đều đang bận rộn điều hành trong nước khi dịch cúm A (H1N1) vẫn diễn biến hết sức phức tạp và lan rộng trên thế giới với tốc độ khá nhanh.

Tính đến thời điểm diễn ra hội nghị WHA, thế giới đã có tới gần 9.000 người nhiễm virus cúm A (H1N1) tại 40 nước, trong đó đã có 75 người chết tại 4 nước.

Nhật Bản là nước có số người nhiễm virus cúm tăng nhanh nhất, từ chỗ mới chỉ có 5 trường hợp được phát hiện, ngày 17/5, quốc gia này xác định số bệnh nhân mới đã lên tới 129 người.

Phần lớn số ca nhiễm cúm đều là học sinh trung học tại tỉnh Hyogo và Osaka và không có ai đi du lịch nước ngoài về.

Cùng ngày, nhà chức trách Nhật Bản đã cho đóng cửa hơn 2.000 trường học và nhà trẻ để tránh nguy cơ dịch bệnh có thể lan rộng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục