WHO cảnh báo thực phẩm nhiễm xạ nghiêm trọng

Ngày 21/3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định việc phát hiện phóng xạ trong thực phẩm của Nhật Bản là nghiêm trọng hơn dự đoán.
Ngày 21/3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định việc phát hiện phóng xạ trong thực phẩm của Nhật Bản là nghiêm trọng hơn dự đoán. Tổ chức này đang tiến hành nghiên cứu về ảnh hưởng của các sản phẩm bị phơi nhiễm phóng xạ đối với sức khỏe con người.

Ngay sau khi có cảnh báo trên, Trung Quốc, Hàn Quốc và Philippines thông báo sẽ siết chặt kiểm tra thực phẩm nhập khẩu từ Nhật Bản.

Cũng trong ngày 21/3, Bộ Y tế Nhật Bản thông báo đã phát hiện thêm nhiều loại rau bị nhiễm phóng xạ tại nhiều nơi ở nước này.

Các cuộc kiểm tra đã cho thấy lượng nguyên tố phóng xạ vượt quá quy định ở hạt cải dầu, rau cải cúc và rau bina.

Chính phủ Nhật Bản cùng ngày đã ra lệnh dừng việc xuất sữa và hai loại rau từ 4 tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề sau trận động đất gây sóng thần là Fukushima, Ibaraki, Tochigi và Gunma, do lo ngại các sản phẩm này có thể nhiễm phóng xạ từ nhà máy Fukushima số 1.

Công ty điện lực Tokyo (TEPCO) đã tuyên bố sẽ bồi thường thiệt hại cho các sản phẩm nông nghiệp không được phép tiêu thụ tại các tỉnh thành này.

Kết quả kiểm tra nhiễm xạ đối với các nguồn nước trên toàn quốc thực hiện trong hai ngày 20 và 21/3 cũng cho thấy nước lấy từ vòi ở 9 tỉnh thành là Saitama, Chiba, Tokio, Kanagawa, Niigata và Yamanashi đều bị nhiễm phóng xạ iốt, trong khi nguồn nước ở Tochigi và Gunma nhiễm cả phóng xạ iốt và xêdi (cesium). Tuy nhiên, theo chính quyền địa phương, mức độ nhiễm xạ và hóa chất này nằm ở mức độ cho phép theo tiêu chuẩn của Ủy ban An toàn Hạt nhân.

Cơ quan An toàn Hạt nhân Nhật Bản cho biết khói trắng đã bốc lên từ các tòa nhà có lò phản ứng số 2 và số 3 của nhà máy điện hạt nhân Fukushima No. 1.

Ngay sau khi phát hiện hiện tượng trên (vào lúc 15 giờ 55 phút - giờ địa phương), TEPCO - đơn vị vận hành nhà máy điện hạt nhân nói trên - đã ngay lập tức cho sơ tán công nhân khỏi khu vực lò phản ứng số 3 và đánh giá tình hình. Mức phóng xạ tại khu vực lò số 3 không thay đổi sau sự cố này và hiện tượng phun khói đã chấm dứt sau đó khoảng hai giờ.

Lõi của lò phản ứng số 3 được cho là đã bị nóng chảy một phần, sau khi hệ thống làm mát cho lò bị tê liệt sau trận siêu động đất 9,0 độ Richter gây sóng thần hôm 11/3.

Hiện các nỗ lực phun nước để làm mát bể chứa thanh nhiên liệu đã qua sử dụng tại lò số 3 đang được khẩn trương tiến hành, trong bối cảnh mái và những bức tường phía trên của tòa nhà nơi có lò phản ứng này đã bị thổi bay trong vụ nổ khí hiđrô (hydrogen) hồi tuần trước. Áp suất tại lò này đã tăng trong ngày 20/3, nhưng sau đó đã ổn định trở lại.

Hiện vẫn chưa có thông báo về tình hình tại lò phản ứng số 2. Trước đó, việc cấp điện trở lại tại lò phản ứng số 2 từ ngày 20/3 đã cho phép TEPCO khôi phục các hệ thống theo dõi phóng xạ và các dữ liệu, chiếu sáng phòng điều khiển, làm mát các lò phản ứng và các bể chứa thanh nhiên liệu đã qua sử dụng.

Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 21/3 nhận định thảm họa động đất-sóng thần có thể gây thiệt hại cho kinh tế Nhật Bản từ 122 tỷ USD tới 235 tỷ USD, tương đương 2,5% - 4% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này.

Tuy nhiên, WB cũng dự báo rằng tăng trưởng kinh tế sẽ quay trở lại từ giữa năm nay khi các nỗ lực tái thiết được thực hiện. WB cũng dự báo hoạt động tái thiết ở Nhật Bản có thể kéo dài tới 5 năm.

Theo số liệu thống kê công bố trưa 21/3 của Cơ quan Cảnh sát Nhật Bản, số người thiệt mạng do động đất và sóng thần ở nước này đã lên đến 8.649 người, trong khi 13.262 người hiện đang mất tích./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục