WHO chuẩn bị thử nghiệm vắcxin Ebola tại 3 ổ dịch ở Tây Phi

Sau khi chứng thực tính an toàn của vắcxin phòng virus Ebola khi thử nghiệm ở người, WHO sẽ bắt đầu thử nghiệm 2 loại vắcxin phòng virus này tại 3 quốc gia ổ dịch ở Tây Phi.
WHO chuẩn bị thử nghiệm vắcxin Ebola tại 3 ổ dịch ở Tây Phi ảnh 1Trợ lý Tổng giám đốc WHO Marie Paule Kieny cho biết 2 loại vắcxin phòng Ebola được cho là hiệu quả nhất đã cho những kết quả thử nghiệm nhiều hứa hẹn trên động vật và có dấu hiệu an toàn trên người. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Sau khi chứng thực tính an toàn của vắcxin phòng virus Ebola khi thử nghiệm ở người, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong những tuần tới sẽ bắt đầu thử nghiệm hiệu quả của hai loại vắcxin phòng virus này tại 3 quốc gia ổ dịch ở Tây Phi.

Phát biểu với báo giới ngày 9/1, trợ lý Tổng giám đốc WHO Marie-Paule Kieny cho biết WHO sẽ cho thử nghiệm 2 loại vắcxin cho kết quả tích cực nhất hiện nay.

Các vắcxin này sẽ được sử dụng thử nghiệm cho hàng nghìn ca nhiễm Ebola tại 3 nước Guinea, Liberia và Sierra Leone.

Giai đoạn thử nghiệm thứ 3 này nhằm đảm bảo các vắcxin có tác dụng ngăn chặn virus, theo dự kiến sẽ bắt đầu tại Liberia vào cuối tháng này. Các thử nghiệm tại Sierra Leone và Guinea sẽ bắt đầu vào tháng Hai.

Bà Kieny cho biết trước khi tiến hành thử nghiệm, các hãng sản xuất sẽ quyết định liều lượng vắcxin thích hợp.

Hai loại vắcxin được sử dụng lần này là ChAd3, do tập đoàn GlaxoSmithKline của Anh sản xuất, và VSV-ZEBOV, sản phẩm của Cơ quan Y tế Cộng đồng Canada và được tập đoàn NewLink Genetics của Mỹ cấp chứng nhận.

Cả hai đều đã được tiến hành thử nghiệm an toàn ở người tình nguyện tại nhiều nước bao gồm Thụy Sỹ, Mali, Gabon, Anh, Đức và Mỹ.

Trong khi đó, tập đoàn Johnson & Johnson tuần này cũng thông báo mẫu vắcxin do hãng sản xuất đã bắt đầu thử nghiệm trên người tại Anh. Theo bà Kieny, công ty này cũng sẽ sớm tiến hành thử nghiệm tính hiệu quả của vắcxin trên.

Hiện chưa có liệu pháp điều trị cũng như vắcxin phòng virus Ebola nào được cấp phép. WHO đang hối thúc đẩy nhanh tiến độ thử nghiệm các loại vắcxin có triển vọng nhằm đối phó với dịch bệnh nguy hiểm tính đến nay đã cướp đi sinh mạng của 8.259 người trên toàn thế giới./.

Tin cùng chuyên mục